Đón đầu chương trình giáo dục phổ thông mới

Thứ Ba, 22/12/2020, 18:23 [GMT+7]
In bài này
.

Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công cuộc đổi căn bản, toàn diện GD-ĐT. Là cơ sở đào tạo GV duy nhất trên địa bàn tỉnh, Trường CĐ Sư phạm BR-VT đã có những thay đổi quan trọng để chuẩn bị cho những “sản phẩm đào tạo” đón đầu chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đại diện Trường CĐ Sư phạm BR-VT khen thưởng 4 thí sinh đạt điểm số thủ khoa trong kỳ tuyển sinh năm 2020.
Đại diện Trường CĐ Sư phạm BR-VT khen thưởng 4 thí sinh đạt điểm số thủ khoa trong kỳ tuyển sinh năm 2020.

NHẬN DIỆN THÁCH THỨC

TS. Hồ Cảnh Hạnh, Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm BR-VT cho rằng, đổi mới giáo dục phổ thông đòi hỏi cả hệ thống giáo dục phải vào cuộc một cách tích cực, chủ động để mang lại hiệu quả đích thực. Trong hệ thống giáo dục đó, trường sư phạm có vai trò quan trọng bởi đây là nơi đào tạo đội ngũ nhà giáo, đồng thời là nơi tham gia xây dựng chương trình và bồi dưỡng đội ngũ GV, cán bộ quản lý. Trường sư phạm phải đi trước, đón đầu, nhanh chóng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, thể hiện qua những thay đổi quan trọng về mục tiêu, nội dung và phương pháp đào tạo, cơ chế quản lý và xây dựng đội ngũ giảng viên có đủ khả năng để thực hiện nhiệm vụ quan trọng đó.

Theo TS. Hồ Cảnh Hạnh, thuận lợi của nhà trường là đã vận dụng mô hình đào tạo theo nhu cầu xã hội, kết hợp với việc chú trọng chất lượng và hiệu quả đào tạo. Liên tục trong những năm gần đây, nhà trường thực hiện tốt kế hoạch tuyển sinh đã được UBND tỉnh phê duyệt. Chất lượng tuyển đầu vào tương đối cao. SV tốt nghiệp đạt chuẩn đầu ra và có việc làm đúng ngành nghề đào tạo sau một năm ra trường đạt 92% (số liệu khảo sát tháng 2/2020)… Bên cạnh đó, nhà trường cũng làm tốt công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo để không ngừng nâng lên cả về chất lượng và trình độ. Tỷ lệ giảng viên trình độ trên ĐH tăng từ 70% (năm 2015) lên gần 90% (năm 2020), trong đó có 18% trình độ tiến sĩ… Ban Giám hiệu, giảng viên nhà trường còn được trực tiếp góp ý chương trình giáo dục phổ thông mới ngay sau khi công bố dự thảo và làm việc với BCĐ đổi mới giáo dục phổ thông. Qua đó, nhà trường bước đầu tiếp cận với những khó khăn đặt ra khi chương trình giáo dục phổ thông mới đi vào thực tiễn để có những nghiên cứu và ứng dụng trong đào tạo, bồi dưỡng GV.

Bên cạnh đó, Trường CĐ Sư phạm cũng nhận diện những thách thức phải đối mặt. TS. Hồ Cảnh Hạnh chia sẻ, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ hướng đến phát triển năng lực người học, nhiều môn thiên về thực hành, trải nghiệm sáng tạo. Trong khi đó, nội dung và chương trình đào tạo tại các trường sư phạm còn nặng về chuẩn kiến thức, kỹ năng, chưa phù hợp với mục tiêu đào tạo nghề, chưa đáp ứng yêu cầu tăng cường tính thực hành, sáng tạo và tự học, tự nghiên cứu để phát triển năng lực nghề nghiệp của SV. Đồng thời, phương pháp kiểm tra, đánh giá cũng nặng về hình thức tự luận và nội dung kiểm tra đánh giá thiên về tái hiện kiến thức, làm cho SV bị động, thiếu tự tin và lạc lõng với phương pháp dạy học ở bậc phổ thông. Trong khi đó, chương trình giáo dục phổ thông mới có những thay đổi quan trọng, nhất là vấn đề dạy học tích hợp liên môn bằng các môn học mới thì một số ngành đào tạo của trường không còn phù hợp với xu hướng dạy học này. Bộ GD-ĐT cũng chưa có văn bản cập nhật quy định mã ngành mới này cho các trường sư phạm.

SV Trường CĐ Sư phạm BR-VT đọc sách tại thư viện trường.
SV Trường CĐ Sư phạm BR-VT đọc sách tại thư viện trường.

ĐỔI MỚI CẢ CHƯƠNG TRÌNH VÀ PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY

Trên cơ sở nhận diện vai trò, những thuận lợi và thách thức, Trường CĐ Sư phạm BR-VT đã làm mới chính mình cả về chương trình và phương pháp giảng dạy để đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình phổ thông.

TS. Hồ Cảnh Hạnh cho biết, nhận thấy các môn học mới mang tính tích hợp và thực hành, nhà trường thực hiện 2 mục tiêu: mở ngành mới và điều chỉnh, xây dựng, sắp xếp lại chương trình đào tạo. Theo đó, nhà trường đã điều chỉnh và xây dựng lại một số chương trình đào tạo như Giáo dục Tiểu học, Sư phạm Vật lý (theo hướng đào tạo GV dạy môn Khoa học tự nhiên ở trường THCS), Sư phạm Lịch sử (theo hướng đào tạo GV dạy môn Lịch sử - Địa lý ở trường THCS)… Chương trình sẽ được điều chỉnh thường xuyên và định kỳ theo từng khóa đào tạo hướng tới phát triển năng lực người học đáp ứng nhu cầu xã hội. Những môn học mang tính lý luận, lý thuyết được giảm bớt thời lượng, phát huy tính tự học, tự nghiên cứu của SV.

Cùng với đó, nhà trường cũng xác định việc đổi mới phương pháp giảng dạy là nhiệm vụ mang tính sống còn. Các tổ bộ môn luôn kiểm soát việc soạn giảng và phương pháp dạy học của giảng viên trong tổ, Phòng Đào tạo quản lý chất lượng đề thi, đề kiểm tra và quy trình đánh giá SV để kịp thời chấn chỉnh sai sót. Về mặt phong trào, các cuộc thi sáng tạo đối với giảng viên và SV đã thay thế các cuộc thi truyền thống trước đây. Chẳng hạn, cuộc thi “Nét chữ, nết người” thay cho cuộc thi “Tìm hiểu nghiệp vụ sư phạm”, tức là yêu cầu SV tự thể hiện năng lực thực hành chứ không phải bằng học thuộc lý thuyết; cuộc thi “Giảng viên sáng tạo” thay cho cuộc thi “Giảng viên giỏi” để mỗi giảng viên mang đến cuộc thi những sáng kiến trong dạy học của mình và ứng xử các tình huống một cách sáng tạo…

Cùng với các giải pháp nêu trên, nhà trường tiếp tục tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học. “Thay vì các sáng kiến kinh nghiệm mang tính đối phó trong bình xét thi đua là các bài báo khoa học, được hỗ trợ kinh phí. Nhiều giảng viên đã mạnh dạn viết bài đăng trên các báo, tạp chí trong và ngoài nước. Đồng thời, nhà trường cũng thúc đẩy sự gắn kết, phối hợp với các trường phổ thông để nâng cao chất lượng đào tạo thông qua thí điểm các phương pháp dạy học mới, xây dựng chương trình đào tạo gắn với thực tiễn”, TS Hồ Cảnh Hạnh nói.

Bài, ảnh: HOÀNG DƯƠNG

;
.