"Chuyện khó nói" nhưng… vẫn nói

Thứ Sáu, 25/12/2020, 17:44 [GMT+7]
In bài này
.

Một trí thức đứng đắn thuộc Hàn lâm viện Pháp, được cả thế giới trọng vọng, kính phục là văn hào André Maurois, trong tác phẩm Thư ngỏ tuổi đôi mươi khi bàn về chuyện hôn nhân, ông nhấn mạnh: “Nếu người đàn bà không thích hợp với cuộc ái ân, làm cho người đàn ông chán, thì có lẽ, khi cái dục tình đầu tiên qua rồi, người ta hóa ra mệt mỏi, khó chịu. Trái lại, nếu cả hai cùng thấy một cái thú hoàn toàn thì cái thú đó gây một thói quen rất đáng mừng”.

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

Vâng, khi mới yêu nhau, cưới nhau, trước tiên con người ta lựa chọn các yếu tố về “vẻ đẹp tâm hồn”, nhưng rồi khi chung sống với nhau, chỉ thế thôi vẫn chưa đủ. Sự gắn kết còn phải là yếu tố tình dục nữa, có đúng không? Tôi quả quyết như thế, vậy còn các đàn ông nghĩ khác nghĩ thế nào? Tôi tin rằng, họ sẽ đồng thanh mà rằng: “Gã nhà thơ này nói chính xác đến từng milimet”! Nghe thế, không ít phụ nữ nhăn mày nhíu mặt, bảo: “Ừ, cũng có lý đấy chứ?”

Sao lại không có lý? Vì thế, khi chúng bàn chuyện này cũng hợp lý thôi.

Rằng, tại làm sao trong dân gian có câu tiếu lâm bỡn cợt mà cực kỳ chính xác: “Vợ là cơm nguội nhà ta/ Nhưng là đặc sản của thằng cha láng giềng”?. Mà vợ của “thằng cha láng giềng đó”, với mình cũng là một thứ “đặc sản” đó thôi. Tại làm sao, anh chàng nọ “đường đường một đấng anh hào”, sang trọng giàu có, bước ra đường “lên ngựa xuống xe”, mùi nước hoa rất “men”, một lời nói ra trong các cuộc họp là vạn tiếng vỗ tay dạt dào hoan nghênh nhưng lại có thể ăn nằm với cô Osin thuộc hạng “cùi bắp”? Nhan sắc cô Osin này so với vợ không khác gì ngỗng với thiên nga, nhưng tại sao anh ta lại dấm dúi, lén lút rất đỗi thèm thuồng như mèo thấy mỡ?

Tại sao cô vợ có ăn có học đàng hoàng, đĩnh đạc như bà hoàng, có bằng cấp hẳn hòi, xã hội quý trọng nhưng anh chồng lại mê tít thò lò mũi xanh cô phục vụ chẳng lấy gì làm sang trọng cho lắm?

Tại sao lại tréo ngoe đến thế?

Câu hỏi này, tùy theo mỗi góc nhìn, các nhà tâm lý học, các chuyên viên tư vấn tha hồ bình luận và có lời khuyên quý báu, câu trả lời hợp lý cho các cô, quý bà lúc tư vấn.

Họ đã nói những gì? Tôi không biết. Nhưng tôi biết chắc như dao chém đá, như đinh đóng cột rằng thì, là, mà: Khi người đàn ông táy máy “ngoài luồng”, “cỡi ngựa xem hoa” rồi lụy tình vì hoa không phải họ đã hết thương, hết yêu vợ, thậm chí còn nhiều nữa là khác. Nhưng tại sao họ lại thậm thụt thậm thò “giăng lưới bắt chim”? Trước hết, có lẽ người phụ nữ không nên vội vàng lên án cái thói trăng hoa của người đàn ông mà hãy xem lại chính mình?

Xem lại chuyện gì?

Tôi nghĩ, điều cốt yếu nhất vẫn là chuyện chăn gối. Chuyện chăn gối. Đừng nghĩ nó là nghĩa vụ, trách nhiệm mà chính là một nghệ thuật. Nghệ thuật giữ chồng. Mà đã là nghệ thuật thì phải đạt đến sự hoàn thiện, “nâng cao nghiệp vụ”, chứ không thể thực hiện qua loa “được chăng hay chớ”, “bổn cũ soạn lại” cho qua truông rồi… tắt đèn đi ngủ! “Nghề chơi cũng lắm công phu”, thi hào Nguyễn Du bảo thế. Chơi cây kiểng, chơi hòn non bộ… tưởng dễ nhưng nhọc công lắm chứ chẳng đùa, huống gì khi cả vợ cùng chồng tham dự một “nghệ thuật” dẫn đến sự thăng hoa của thiên đường mỹ cảm.

Mà đã là nghệ thuật thì phải sáng tạo, chứ không thể “đến hẹn lại lên” một cách nhàm chán. Chưa xông trận đã biết tỏng phương án tác chiến của đối phương, còn gì hấp dẫn? Người đàn ông, bản chất của họ trong chuyện “thắc mắc biết hỏi ai” rất không thích những gì lặp đi, lặp lại theo thói quen đã định hình. Họ muốn có sự thay đổi, có nhu cầu thay đổi từ trong bản năng.

Có nhiều phụ nữ chấp nhận sự thay đổi, sự thể nghiệm đặng làm mới cảm xúc cho người đối ngẫu, đó là người thông minh, đáng biểu dương. Cũng chính là nghệ thuật “cột chân” người chồng, dù đức lang quân có đi mây về gió gì gì đi nữa nhưng rồi thâm tâm phải tự nhủ: “Ta về ta tắm ao ta”. Chỉ có nhà của ta, vợ của ta mới là nhất, còn những “trăng hoa tuyết nguyệt” nọ kia chỉ hạng xoàng, còn lâu mới sánh bằng!

Khi người phụ nữ đã khiến người chồng có được suy nghĩ đó, tức thị họ đã thành công trong việc gìn giữ mái ấm. Có phải thế không ạ?

LÊ MINH QUỐC

;
.