BỎ YÊU CẦU CHỨNG CHỈ TIN HỌC, NGOẠI NGỮ: Giáo viên trút được gánh nặng

Thứ Năm, 17/12/2020, 16:53 [GMT+7]
In bài này
.

Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ đã thống nhất xóa bỏ yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ và tin học đối với GV. Dự kiến trong tháng 12/2020, quy định cụ thể sẽ được ban hành. Trước thông tin này, hầu hết GV, cán bộ quản lý giáo dục bày tỏ sự đồng tình và vui mừng bởi từ lâu, quy định này đã bộc lộ nhiều bất cập.

Thông tin về việc bỏ quy định chứng chỉ ngoại ngữ, tin học được các GV hồ hởi đón nhận.  Trong ảnh: Một tiết học tại Trường TH Bùi Thị Xuân (TP. Vũng Tàu).
Thông tin về việc bỏ quy định chứng chỉ ngoại ngữ, tin học được các GV hồ hởi đón nhận. Trong ảnh: Một tiết học tại Trường TH Bùi Thị Xuân (TP. Vũng Tàu).

LỠ CƠ HỘI VÌ CHỨNG CHỈ 

Nhiều GV cho rằng, năng lực ngoại ngữ và tin học là cần thiết để thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy. Tuy nhiên, quy định như thời gian qua vô hình chung khiến việc bổ túc chứng chỉ mang tính hình thức, gây khó khăn cho GV chứ không có giá trị nâng cao năng lực nghề nghiệp.

Tốt nghiệp ĐH chuyên ngành sư phạm tiếng Anh, năm 2015, cô H. dự tuyển viên chức giáo dục tại TP. Vũng Tàu. Tuy nhiên, do thiếu chứng chỉ ngoại ngữ thứ 2, cô H. đã bị loại từ vòng sơ tuyển. Do không tìm hiểu kỹ, cô đã vay mượn gần 100 triệu đồng để chi phí cho việc học, ôn và thi lấy chứng chỉ tiếng Anh của ĐH Cambridge. Cầm trong tay chứng chỉ ngoại ngữ danh giá, cô H. mới “té ngửa” vì chứng chỉ ngoại ngữ cần để hoàn thiện hồ sơ tuyển dụng viên chức giáo dục phải là chứng chỉ ngoại ngữ 2 (ngoài ngôn ngữ chính là tiếng Anh mà cô H. đăng ký dự tuyển). Vậy là cô H. phải mất thêm 6 tháng học và thi lấy chứng chỉ tiếng Pháp, tốn thêm hơn 10 triệu đồng và cơ hội vào biên chế của cô cũng bị trì hoãn gần 2 năm. Điều đáng nói, từ khi trúng tuyển và được biên chế về một trường THCS tại TP. Vũng Tàu đến nay, cô H. chưa có bất cứ cơ hội nào để vận dụng vốn ngoại ngữ 2 vào giảng dạy. “Việc học lấy chứng chỉ tốn kém cả thời gian, tiền bạc, khiến nhiều người bỏ lỡ cơ hội tuyển dụng nhưng cuối cùng lại chỉ mang tính hình thức chứ không giúp GV nâng cao kỹ năng nghề nghiệp”, cô H. nói.

Giảng dạy bộ môn Giáo dục thể chất nhưng thầy Thạch Lê Hùng, GV Trường TH Bùi Thị Xuân (TP. Vũng Tàu) cũng phải có đủ các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Thầy Hùng cho biết thêm: “Trong quá trình giảng dạy, tôi không phải sử dụng ngoại ngữ, chỉ sử dụng tin học thiết kế bài giảng nhưng lại không phải là những kiến thức có được từ việc học chứng chỉ”. Thầy Hùng phân tích thêm, thông thường giáo viên cần kỹ năng về Power Point, Microsoft Office… Thế nhưng, chương trình học để lấy chứng chỉ tin học chỉ là các kiến thức tin học văn phòng chứ không có kiến thức dành riêng cho GV. Vì những lý do trên, thầy Hùng, cô H. và nhiều GV khác bày tỏ sự vui mừng trước thông tin yêu cầu về những chứng chỉ này sắp bị bãi bỏ.

BÃI BỎ LÀ HỢP LÝ

Cô Trần Thị Cúc, Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Thị Minh Khai (TX. Phú Mỹ) cho hay, các chứng chỉ trên chỉ mang tính hình thức, bởi thực tế, khi còn học ở trường CĐ, ĐH, sinh viên đã được học những kiến thức căn bản để đáp ứng yêu cầu công việc khi ra trường. Do đó, việc học thêm chỉ để được cấp chứng chỉ là không cần thiết, gây lãng phí. GV cũng phải mất nhiều thời gian, công sức để “làm đẹp” hồ sơ. Ngoài ra, GV có thâm niên cũng gặp bất lợi khi tham gia đánh giá chuẩn nghề nghiệp hay đảm bảo hồ sơ thi nâng hạng. Hơn nữa, quy định này cũng tạo điều kiện để các tiêu cực nảy sinh, đơn cử như việc mua, bán, làm giả chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. 

Theo Thông tư liên tịch số 20/2015/TTLT-BGDĐT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp GV MN thì GV MN hạng II, III phải có trình độ ngoại ngữ bậc 2, GV MN hạng VI có trình độ ngoại ngữ bậc 1 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc.
Theo Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp GV TH, THCS, THPT công lập thì GV THCS hạng I, THPT hạng I phải có trình độ ngoại ngữ bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc; GV dạy ngoại ngữ thì trình độ ngoại ngữ thứ 2 phải đạt bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. GV THCS hạng II, GV THPT hạng II, III, GV TH hạng II, III phải có trình độ ngoại ngữ bậc 2 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu tiếng dân tộc; đối với GV dạy ngoại ngữ, trình độ ngoại ngữ thứ 2 phải đạt bậc 2 khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. 
Giáo viên TH hạng IV, THCS hạng III có trình độ ngoại ngữ bậc 1 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc; Đối với giáo viên dạy ngoại ngữ thì trình độ ngoại ngữ thứ 2 phải đạt bậc 1 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Tất cả GV MN, phổ thông phải có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014 của Bộ TT-TT quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin.

Một số ý kiến cũng cho rằng, yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đã khiến ngành GD-ĐT tự “mua dây buộc mình” trong điều kiện tuyển dụng GV ngày càng khó khăn. Ông Nguyễn Quý Phúc, Trưởng Phòng GD-ĐT TX. Phú Mỹ cho biết, trong tuyển dụng viên chức ngành giáo dục, nếu không có đủ 2 chứng chỉ nêu trên, ứng viên bị loại ngay từ vòng xét tuyển hồ sơ vì không đủ điều kiện. Trong bối cảnh nguồn tuyển GV ngày càng khan hiếm như hiện nay, việc tuyển dụng GV càng khó khăn hơn. Cụ thể, trong đợt tuyển dụng vào tháng 5/2020, ngành GD-ĐT thị xã chỉ tuyển được 49 người trên tổng số 76 chỉ tiêu do không có nguồn tuyển, nhiều trường hợp bị loại vì không đáp ứng đủ yêu cầu bằng cấp, chứng chỉ. 

Ông Nguyễn Quý Phúc khẳng định: “Quan điểm của tôi là nên bỏ yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Tuy vậy, GV cần có trình độ tin học để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, do đó, trong cơ chế tuyển dụng, cần điều chỉnh nhất định để ứng viên chứng minh trình độ công nghệ thông tin”. 

Theo ông Nguyễn Thiện Thắng, Trưởng phòng Đào tạo và Hợp tác quốc tế, Trường CĐ Sư phạm BR-VT, bản thân chứng chỉ không có lỗi. Tuy nhiên, thực tế thực hiện đã phát sinh nhiều hệ lụy, nhiều khi chỉ mang tính hình thức, không thực chất, thậm chí nó còn là một trong những nguyên nhân dẫn đến những tiêu cực trong giáo dục, gây phiền toái cho GV và bức xúc cho xã hội. Như vậy, việc loại bỏ yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ và tin học đối với GV cũng giống như loại bỏ một giấy phép con trong kinh doanh.

Đại diện Trường CĐ Sư phạm BR-VT cho biết thêm, chương trình đào tạo GV của các trường Sư phạm, SV đã được trang bị kiến thức về ngoại ngữ, tin học căn bản để ứng dụng vào công tác giảng dạy. Từ năm 2010, nhà trường đã quy định chuẩn đầu ra cho tất cả các ngành đào tạo (quy định về kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp). Ngoài ra, để được công nhận tốt nghiệp, SV còn phải đạt chuẩn về ngoại ngữ và tin học. “Tới đây, dù không quy định về chứng chỉ ngoại ngữ và tin học đối với GV nữa thì chuẩn đào tạo của trường CĐ Sư phạm BR-VT vẫn không vì thế mà hạ xuống. Với những quy định như vậy, hiện tại và tương lai SV Trường CĐ Sư phạm BR-VT khi được công nhận tốt nghiệp hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng”, ông Thắng khẳng định.

Bài, ảnh: KHÁNH CHI

;
.