Tạo điểm tựa cho người nghèo vươn lên

Chủ Nhật, 08/11/2020, 18:20 [GMT+7]
In bài này
.

Cùng với việc triển khai các chế độ, chính sách hỗ trợ hộ nghèo để đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo và tránh tái nghèo, UBMTTQVN huyện Đất Đỏ đang tập trung hỗ trợ vốn, vật nuôi giúp các hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế.

Đại diện UBMTTQ Việt Nam xã Lộc An, huyện Đất Đỏ trao 5 triệu đồng giúp gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc Nga mở tiệm tạp hóa.
Đại diện UBMTTQ Việt Nam xã Lộc An, huyện Đất Đỏ trao 5 triệu đồng giúp gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc Nga mở tiệm tạp hóa.

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Hoàng-Nguyễn Thị Gái (tổ 19, ấp An Bình, xã Lộc An, huyện Đất Đỏ) rất phấn khởi khi vừa được UBMTTQVN huyện cấp cho con bò giống sinh sản để chăn nuôi phát triển kinh tế. Con bò được ông bà ưu tiên cho ở trong nhà kho cũ, có mái che. Mỗi sáng, bà Gái cùng cô con gái 15 tuổi (chậm phát triển trí não) đi cắt cỏ về cho bò ăn. “Sau mấy ngày lạ lẫm với chủ mới, đến nay bò đã dần quen và ăn nhiều hơn. Mẹ con tôi vừa cắt cỏ, vừa làm đất trồng cỏ để tạo nguồn thức ăn lâu dài cho bò”, bà Gái nói.

Ông Hoàng năm nay 57 tuổi, bị bệnh suy thận nên sức khỏe yếu. Ông bà có 4 người con (đứa nhỏ nhất đang học mẫu giáo, hai con lớn đã lập gia đình nhưng cũng khó khăn và một cô con gái bị chậm phát triển trí não). Trước đây, ông Hoàng đi biển, bà phụ làm cá nên kinh tế tạm ổn. Có thời điểm, gia đình bà nuôi được 2 con bò. Năm 2015, ông Hoàng được phát hiện bị bệnh suy thận, rồi mẹ chồng đau bệnh nên bà phải bán hết tài sản có giá trị để chữa trị cho mẹ, cho chồng. Bà trở thành trụ cột của gia đình, nhưng công việc làm thuê bấp bênh nên gia đình bà lâm cảnh nghèo túng.

Năm 2019, gia đình bà được chính quyền địa phương vận động xây tặng căn nhà đại đoàn kết. Cuối tháng 10/2020, ông bà được hỗ trợ con bò giống (trị giá 16 triệu đồng). Nhận bò từ đại diện UBMTTQVN huyện, ông bà vui mừng đến mất ngủ. “Con bò này là tài sản lớn nhất của gia đình nên ai cũng quan tâm, chăm chút nó. Hy vọng bò mau lớn, khỏe mạnh và sinh sản tốt, giúp gia đình tôi ổn định kinh tế, có tiền trang trải chi phí cho chồng tôi chữa bệnh và bé út đi học”, bà Gái bày tỏ.

Gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc Nga (tổ 7, ấp An Hòa, xã Lộc An) thuộc diện khó khăn. Chồng chị - anh Nguyễn Thanh Thảo mới 34 tuổi nhưng đã mất sức lao động vì bị suy thận 4 năm nay. Người con lớn mới học lớp 7 cũng bị xơ gan, hàng tháng phải lên TP. Hồ Chí Minh lấy thuốc. Tháng 9 vừa qua, gia đình chị được UBMTTQVN xã cấp vốn 5 triệu đồng để mở rộng kinh doanh. Có vốn, chị mua thêm hàng cho tiệm tạp hóa nhỏ và đi bỏ mối nước uống và bia cho mọi người trong xóm, kiếm thêm đồng ra đồng vào để lo cho chồng, con. Năm 2019, gia đình chị đã được hỗ trợ xây tặng căn nhà đại đoàn kết. “Sự quan tâm kịp thời của MTTQ và chính quyền địa phương là nguồn động viên để tôi cố gắng vươn lên. Dù khổ cực nhưng tôi vẫn ráng làm ăn, mong một tương lai tốt đẹp hơn”, chị Nga nói.

Rời nhà chị Nga, chúng tôi đến thăm gia đình bà Đỗ Thị Trầm-hộ nghèo chuẩn quốc gia ở xã Long Mỹ. 2 sào đậu phộng của bà đã thu hoạch được phân nửa. Bà nhẩm tính, khi thu hoạch hết, sau khi trừ chi phí, bà còn được khoảng 5 triệu đồng. Với một gia đình khó khăn như nhà bà Trầm, số tiền này rất ý nghĩa. Bà Trầm cho biết, chồng bà đi làm thuê làm mướn nhưng công việc và thu nhập bấp bênh, còn bà phải chăm lo cho người con bị khuyết tật nên không thể đi làm xa. Tháng 3/2020, được UBMTTQVN huyện hỗ trợ 4 triệu đồng để phát triển sản xuất, bà trồng đậu phộng trên mảnh đất của gia đình. “Được hỗ trợ vốn, tôi cố gắng vươn lên thoát nghèo, lo cho con ăn học chứ để nghèo hoài sao được” bà Trầm chia sẻ.

Xác định đặc thù là huyện thuần nông, UBMTTQVN huyện Đất Đỏ đã triển khai các mô hình hỗ trợ phù hợp, chủ yếu là hỗ trợ vốn để mua cây giống, phân bón và hỗ trợ vật nuôi cho các hộ nghèo nhằm giúp họ có sinh kế để vươn lên.

Bà Huỳnh Thị Ngọc Điệp, Phó Chủ tịch UBMTTQVN huyện Đất Đỏ cho hay, thời gian qua, 8 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã hỗ trợ vốn, cây con giống cho 18 hộ nghèo phát triển kinh tế với tổng số tiền 469 triệu đồng từ các nguồn. Các hộ được cấp vốn đã sử dụng nguồn vốn vào việc chăn nuôi bò, gia cầm, buôn bán nhỏ, bước đầu ổn định kinh tế. Tuy nhiên, hoạt động này còn gặp khó khăn do các hộ nghèo đa phần thiếu đất sản xuất, thiếu lao động. “Tháng 12/2020, UBMTTQVN huyện sẽ tổ chức tổng kết mô hình, từ đó tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn duy trì hoạt động mô hình giảm nghèo bền vững trong các năm tiếp theo để giúp hộ nghèo có cần câu cơm”, bà Điệp nhấn mạnh.

Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH

;
.