Lộn xộn quảng cáo ngoài trời

Thứ Ba, 24/11/2020, 18:52 [GMT+7]
In bài này
.

Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời (QCNT) đã được UBND tỉnh ban hành từ giữa năm 2019, nhưng việc quản lý hoạt động này vẫn còn nhiều bất cập.

Nhiều biển quảng cáo trên tuyến đường vào Dự án Nhà máy hóa dầu Long Sơn (xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu) xây dựng không phép.
Nhiều biển quảng cáo trên tuyến đường vào Dự án Nhà máy hóa dầu Long Sơn (xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu) xây dựng không phép.

VI PHẠM CÒN PHỔ BIẾN

Tổ kiểm tra liên ngành về QCNT của tỉnh vừa kiểm tra hoạt động QCNT tại khu vực xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu và ghi nhận, trên đoạn đường khoảng 2km dẫn vào Dự án Nhà máy hóa dầu Long Sơn có 38 bảng quảng cáo, kích thước từ 20 đến 40m2. Hầu hết các bảng quảng cáo này đều vi phạm quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; một số bảng quảng cáo vi phạm quy định về quy chuẩn kỹ thuật thiết kế xây dựng, độ cao cũng như địa điểm dựng đặt. Thanh tra Sở VH-TT đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 4 hộ kinh doanh ăn uống tại các làng bè, nhà hàng với tổng số tiền 14 triệu đồng có biển quảng cáo nhưng không có văn bản thông báo về nội dung quảng cáo đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; yêu cầu các cơ sở tháo dỡ bảng quảng cáo vi phạm quy định về hành lang an toàn giao thông hoặc đã hết thời hạn cấp phép quảng cáo.

Khảo sát trên tuyến QL51, phóng viên cũng ghi nhận nhiều bảng QCNT đang trong tình trạng trơ khung sắt, kích thước không đồng đều, đặt tại những vị trí không phù hợp hoặc bị che lấp bởi các công trình xây dựng, cây xanh.

Bên cạnh đó, tình trạng biển hiệu của các cơ sở kinh doanh vi phạm Luật Quảng cáo cũng khá phổ biến. Cụ thể, Điều 18, Luật Quảng cáo quy định: biển hiệu phải viết bằng chữ Việt Nam, trường hợp muốn thể hiện tên viết tắt, tên giao dịch quốc tế, tên, chữ nước ngoài phải ghi ở phía dưới, kích thước nhỏ bằng 3/4 chữ Việt Nam. Tuy nhiên, tại các tuyến đường: 2/9, Bacu, Nguyễn Văn Trỗi, Trương Công Định, 30/4… (TP. Vũng Tàu); Cách Mạng Tháng Tám, Bạch Đằng (TP. Bà Rịa)… nhiều biển hiệu, bảng quảng cáo bằng tiếng Anh, Nga, Nhật, Hàn, không có dòng chữ tiếng Việt nào hoặc nếu có thì chữ Việt thường rất nhỏ so với chữ nước ngoài.

Ngoài ra, một số bảng quảng cáo thương mại mới xây dựng, nhưng được đặt ở những vị trí chưa phù hợp, hình thức và kiểu dáng không đồng bộ. Bảng quảng cáo tấm nhỏ trên các quốc lộ, tỉnh lộ, các tuyến đường trung tâm huyện, thị xã, thành phố nhằm chỉ đường đến các khu du lịch, khách sạn, nhà hàng được đặt gần nhau nhưng kích thước không đồng đều, làm mất mỹ quan đô thị.

BẤT CẬP TRONG XỬ LÝ

Tình trạng biển hiệu, bảng quảng cáo vi phạm quy định diễn ra khá phổ biến, nhưng công tác xử lý còn nhiều khó khăn. Theo ông Đinh Thanh Tân, Phó Chủ tịch UBND xã Long Sơn, địa phương đang vận động, hướng dẫn các hộ, cơ sở kinh doanh lập hồ sơ xin phép lắp, dựng bảng quảng cáo và sẽ giám sát chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, ông Tân cũng thừa nhận do lực lượng của xã khá mỏng nên gặp nhiều khó khăn trong khâu hậu kiểm. Tương tự, ông Nguyễn Văn Vượng, Trưởng Phòng VH-TT TP. Bà Rịa cũng cho hay, địa phương mới chỉ dừng ở việc nhắc nhở các hộ kinh doanh, còn việc thanh tra, xử phạt thì “chờ” phối hợp từ thanh tra Sở VH-TT.

Ông Hồ Thành Hưng, Chánh Thanh tra Sở VH-TT cho biết, mỗi năm, Sở VH-TT tiến hành 10 đến 12 lượt kiểm tra hoạt động quảng cáo. Nội dung kiểm tra tập trung vào các bảng quảng cáo, pano, băng rôn không có giấy phép; bảng hiệu, biển quảng cáo tại các cửa hàng không đúng quy chuẩn về kích thước, kết cấu, nội dung... Ông Hưng cho rằng khó khăn lớn nhất là việc xử lý các biển quảng cáo tấm lớn trên các tuyến quốc lộ do đa số chủ sở hữu có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội, Đồng Nai…

Ông Nguyễn Đình Trung, Giám đốc Sở VH-TT thông tin, Quy chế quản lý hoạt động QCNT trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 11/2019/QĐ-UBND ngày 12/6/2019 quy định khá rõ trách nhiệm của các sở, ngành liên quan trong hoạt động quảng cáo. Theo đó, Sở VH-TT cấp phép vị trí, kích thước, nội dung và ma-két quảng cáo; Sở Xây dựng cấp phép xây dựng về hình thức chất liệu và an toàn kết cấu xây dựng; Sở Tài chính quản lý tiền thuê đất của các DN hoạt động quảng cáo, hằng năm bố trí vốn cho công tác tuyên truyền cổ động nhiệm vụ chính trị và quảng cáo không có mục đích sinh lời; UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các sở, ngành thanh tra, kiểm tra quảng cáo được duyệt, cấp phép...

Theo thống kê của Sở VH-TT, trên địa bàn tỉnh có 22 quảng cáo tấm lớn trên 40m2 trên QL51; hơn 3.000 bảng quảng cáo nhỏ, hộp đèn, các bảng quảng cáo được lắp đặt tại các khuôn viên công ty, nhà máy, cửa hàng, cửa hiệu, trên dải phân cách các tuyến đường đô thị. Từ năm 2013 đến nay, Sở VH-TT tiến hành 104 lượt kiểm tra về hoạt động quảng cáo trên địa bàn tỉnh, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, với số tiền hơn 60 triệu đồng; buộc tháo dỡ 251 băng rôn quảng cáo, 22 hộp đèn quảng cáo, 42 biển hiệu không đúng kích thước, nội dung.

Tuy nhiên, ông Trung cũng cho rằng, công tác phối hợp trong khâu hậu kiểm, phân loại các hình thức QCNT còn nhiều bất cập. Đặc biệt, các bảng quảng cáo, biển hiệu sai phạm liên quan đến lĩnh vực thanh tra chuyên ngành chưa được xử lý tận gốc. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động QCNT tại các địa phương còn hạn chế vì thiếu nhân lực. “Sở VH-TT phối hợp các sở, ngành, địa phương đang kiểm tra, rà soát, đánh giá hiệu quả của hoạt động QCNT, sau đó sẽ đề xuất UBND tỉnh chấp thuận chủ trương bổ sung Quy hoạch QCNT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025, nhằm khắc phục những vấn đề tồn tại hiện nay, đưa hoạt động QCNT đi vào nề nếp và bảo đảm mỹ quan đô thị”, ông Nguyễn Đình Trung nhấn mạnh.

Bài, ảnh: HUYỀN TRANG

;
.