Không ngừng đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy

Thứ Năm, 19/11/2020, 21:36 [GMT+7]
In bài này
.

Thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT, thời gian qua, các cơ sở giáo dục và bản thân mỗi nhà giáo đã phát huy sự chủ động, sáng tạo, không ngừng đổi mới để từng bước nâng cao chất lượng dạy và học.

Bài “Đặc điểm loại hình ngôn ngữ tiếng Việt” do cô Vũ Thị Đức Hạnh giảng dạy bằng tiếng Anh.
Bài “Đặc điểm loại hình ngôn ngữ tiếng Việt” do cô Vũ Thị Đức Hạnh giảng dạy bằng tiếng Anh.

NHỮNG GIỜ HỌC ĐẦY HỨNG KHỞI

Trước khi bắt đầu bài học mới môn tiếng Việt, cô Trần Thị Hồng Liên, GV lớp 1 Trường TH Lý Tự Trọng (TP. Vũng Tàu) cho HS khởi động bằng trò chơi giao bóng. HS nào được giao bóng sẽ giành quyền những từ của bài học trước do cô giáo đưa ra và được tự chọn một bạn khác để trao lại bóng. Cả lớp nhao nhao giơ tay, ai cũng muốn dành quyền nhận và trao bóng như thể nhận được một món quà. Bài kiểm tra bài cũ diễn ra nhẹ nhàng và đầy hứng khởi như thế. Bài học mới cũng diễn ra rất khác lạ. Cô Hồng Liên cho cả lớp xem một bức tranh trên màn hình rồi yêu cầu các nhóm thảo luận để chỉ ra những chi tiết trong tranh. Sau đó, từng nhóm lên trình bày để các bạn nhận xét, bổ sung. Những chi tiết trong tranh được HS tự tìm ra  cũng chính là những “từ khóa” để cô Liên đưa HS đến với bài học chữ V trong chủ đề Bé và Bà. Giữa giờ, cô Hồng Liên còn cho HS cả lớp đứng lên vận động tại chỗ theo điệu nhạc để các em có được một giờ học thực sự thoải mái.

Theo cô Thạch Kim Phượng, Phó Hiệu trưởng Trường TH Lý Tự Trọng, thời gian qua, nhà trường luôn chú trọng việc sáng tạo, đổi mới trong giảng dạy đối với tất cả các khối lớp. Ngay cả khối lớp 1, dù là năm đầu tiên thực hiện chương trình SGK lớp 1 mới nhưng nhà trường đã có những sáng tạo trong giảng dạy để HS tiếp thu bài một cách nhẹ nhàng, hiệu quả. Trong mỗi bài học, GV lại có những sáng tạo riêng cho phù hợp. Đơn cử như trong bài 3 môn Tự nhiên xã hội với chủ đề Nơi gia đình chung sống, GV nhờ phụ huynh HS chụp hình ngôi nhà của các em gửi vào zalo lớp, GV lấy nguồn tư liệu từ đó thay thế hình ảnh trong SGK để các em HS giới thiệu về chính ngôi nhà của mình. Từ đó giúp các em phát triển năng lực và phẩm chất cần thiết. 

Tại Trường MN Ánh Dương (TP. Vũng Tàu), chúng tôi cũng cảm nhận được “không khí đổi mới” trong những giờ học ở đây. “Bây giờ, chúng ta cùng chơi trò “Chiếc hộp thông minh” nhé!”, cô giáo Vũ Thị Lương, GV lớp mầm 4 Trường MN Ánh Dương nói. Cô Lương lấy ra “Chiếc hộp thông minh”, một trong những mô hình độc đáo do cán bộ, GV nhà trường sáng tạo ra trong tiếng reo háo hức của HS trong lớp. Mô hình được làm từ những nguyên vật liệu tái chế như bìa các tông, đĩa CD cũ, nắp chai… Trẻ được tự lựa chọn những thẻ bài theo từng chủ đề rồi tìm và di chuyển những nắp chai có gắn các chữ số, chữ cái, các dấu thanh trên mô hình để sắp xếp các chữ cái thành từ hợp lý có trong thẻ bài. Cô Vũ Thị Lương cho hay, trò chơi đã giúp các bé khám phá những hình học hoặc cho trẻ ôn luyện lại các con số, cách tách, gộp con số ra thành nhiều cách khác nhau. Ngoài mô hình Chiếc hộp thông minh, GV của trường còn sáng tạo ra các mô hình khác như Bàn xoay kì diệu, Bàn bida đa năng… để phục vụ cho việc giảng dạy. Sự sáng tạo này giúp trẻ cảm thấy hào hứng với bài học, được tạo điều kiện để phát triển vận động cùng sự khéo léo của bàn tay, phát triển chú ý quan sát và tư duy. Bên cạnh đó, đây cũng là hình thức tuyên truyền đến các bậc phụ huynh tự tạo đồ chơi thông minh mà không độc hại từ vật liệu tái chế.

Có thể nói, từ lâu, với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ GV, những tiết dạy mới mẻ, lý thú đã không còn xa lạ ở tất cả các bậc học. Tại Trường THPT Châu Thành (TP. Bà Rịa), trong 5 năm trở lại đây, những tiết dạy chuyên đề bằng tiếng Anh đã trở thành điểm sáng trong công tác GD-ĐT. Một số chuyên đề phù hợp của các bộ môn tự nhiên, xã hội được giảng dạy bằng tiếng Anh. Thầy Lại Định Quốc, Hiệu trưởng Trường THPT Châu Thành cho hay, ý tưởng dạy học văn hóa bằng tiếng Anh ra đời từ mục tiêu đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy và yêu cầu nâng cao năng lực ngoại ngữ của HS. Những tiết dạy học văn hóa bằng tiếng Anh như một luồng gió mới, khiến cho các môn học văn hóa trở nên thú vị hơn, đồng thời tạo điều kiện cho cả GV và HS được rèn luyện kỹ năng giao tiếp, tìm kiếm tư liệu bằng tiếng Anh.

Cô Nguyễn Thị Phương, Hiệu trưởng Trường MN Ánh Dương cùng HS chăm sóc cây xanh trong trường. Ảnh: HUYỀN TRANG
Cô Nguyễn Thị Phương, Hiệu trưởng Trường MN Ánh Dương cùng HS chăm sóc cây xanh trong trường. Ảnh: HUYỀN TRANG

ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO LÀ ƯU TIÊN HÀNG ĐẦU

Cô Nguyễn Thị Phương, Hiệu trưởng Trường MN Ánh Dương chia sẻ, trong GD-ĐT, việc đổi mới phương pháp giảng dạy luôn được nhà trường ưu tiên hàng đầu. Ban Giám hiệu nhà trường luôn khích lệ đội ngũ GV phát huy khả năng sáng tạo của từng cá nhân trong giảng dạy thông qua việc tổ chức chuyên đề tổ khối, sân chơi sáng tạo, hoạt động trải nghiệm cho trẻ với nhiều hình thức phong phú. Nhà trường cũng động viên GV nghiên cứu để có được những sáng kiến mới, phù hợp với tình hình thực tế của trường lớp và có tính ứng dụng cao. Cùng với đó, nhà trường còn tạo điều kiện cho GV ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Đến nay, 100% GV của trường có khả năng vận dụng sáng tạo, hiệu quả các hoạt động theo chương trình đổi mới, thực hiện soạn bài trên máy vi tính và dạy giáo án điện tử, đồng thời biết sử dụng các phần mềm khác để hỗ trợ cho cho việc dạy và học.

Cô Thạch Kim Phượng, Phó Hiệu trưởng Trường TH Lý Tự Trọng cho biết, để thực hiện có hiệu quả việc đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy, tại các buổi sinh hoạt chuyên môn cấp trường, Ban Giám hiệu luôn chú ý các nội dung thiết thực, cấp thiết nhằm giúp giáo viên toàn trường có những kĩ năng, kinh nghiệm trong việc sử dụng Học liệu điện tử khi giảng dạy, sử dụng nguồn tư liệu thay thế khi SGK có nội dung chưa phù hợp. Ban chuyên môn của trường không bắt buộc giáo viên cứng nhắc tuân thủ theo SGK mà luôn linh hoạt, sáng tạo và chủ động điều chỉnh tư liệu dạy học, kế hoạch dạy học của lớp theo tình hình thực tế.

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, vai trò và yêu cầu về năng lực của đội ngũ cán nhà giáo càng được nâng cao. Ngoài những kiến thức và kỹ năng về chuyên môn chung thì cán bộ quản lý và giáo viên cần tự trang bị cho mình kỹ năng phát triển chương trình kỹ năng nghiên cứu khoa học, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin và ngoại ngữ trong học thuật và trong quản lý. Ngành cũng sẽ thường xuyên tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ quản lý đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm ở các địa phương trong nước và quốc tế để tăng cường kiến thức thực tiễn và kỹ năng quản lý. Đồng thời xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, đủ sức, đủ tầm, đủ tâm, đủ chí để đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT.

BÀ TRẦN THỊ NGỌC CHÂU, GIÁM ĐỐC SỞ GD-ĐT
Nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch,
tuyển chọn cán bộ quản lý
Thời gian qua, ngành GD-ĐT tỉnh đã đạt được những thành tựu nổi bật như trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, điểm trung bình bộ môn Toán, tiếng Anh đứng thứ 3 toàn quốc 3 năm liên tục kể từ năm học 2018-2019 đến nay. Cùng với đó, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp vượt chỉ tiêu đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI. Tỷ lệ trẻ ra nhà trẻ đạt 34,04% (Nghị quyết 30%), trẻ ra mẫu giáo đạt 95,55% (Nghị quyết 92,5%), riêng trẻ 5 tuổi 100%. Giáo dục mũi nhọn cùng từng bước được nâng lên và khẳng định chất lượng…
Để đạt được kết quả kể trên, đội ngũ GV đã nỗ lực hết mình trong công tác giảng dạy; tự học tập, nghiên cứu; tìm tòi đổi mới các phương pháp giảng dạy, tích cực giao lưu học hỏi để nâng cao năng lực.
Thời gian tới, để phát triển và nâng cao năng lực và chất lượng đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp giáo dục cũng như yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ngành giáo dục tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng đối với việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo. Cùng với đó là việc nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch, tuyển chọn cán bộ quản lý, tuyển dụng GV; nhằm phát hiện người có “tâm”, “tầm” và “tài” để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
 

Bài, ảnh: KHÁNH CHI

;
.