Gieo ánh sáng trong đêm
Từ những lớp học phổ cập ban đêm, cuộc đời của nhiều người đã rẽ sang trang mới.
THẮP LÊN NIỀM TIN VÀ MƠ ƯỚC
Chị Phạm Thị Tuyết Mai là cựu HS lớp phổ cập Trường THCS Phước Thắng (TP. Vũng Tàu). Chị Mai không may mắn khi mắc bệnh lùn ngắn chi và phải nghỉ học từ sớm. Cuộc đời của chị tưởng chừng sẽ là chuỗi ngày buồn tẻ với công việc mưu sinh, thì cơ hội thay đổi đã mở ra. Một phụ nữ tới mua vải và bỏ quên bọc tiền tại sạp. Chị đã cất giữ giùm và trả lại khi người phụ nữ ấy - một GV Trường THCS Ngô Sĩ Liên (TP. Vũng Tàu). Biết được hoàn cảnh và mong muốn đi học của chị, cô đã đưa chị tới gặp thầy Lương Hữu Phương, GV phụ trách lớp học phổ cập ban đêm ở Trường THCS Phước Thắng để xin học.
Anh Lâm Thành Sơn (đứng giữa hàng trên) từng đảm nhiệm chức vụ Chỉ huy trưởng BCH Quân sự phường và hiện là Phó Chủ tịch UBND phường 11 (TP. Vũng Tàu). |
Chị Tuyết Mai rưng rưng: “Thầy rất yêu thương chúng tôi. Đó là tình cảm của người cha yêu thương những đứa con thiệt thòi, thiếu may mắn trong cuộc sống”.
Từ lớp học ban đêm đó, chị Mai đã tìm thấy niềm tin, vượt qua nỗi bất hạnh của bản thân và đã có được hạnh phúc riêng. Chị gọi thầy là “người thắp sáng tương lai” của những học trò kém may mắn. “Những ai có cùng cảnh ngộ như tôi thì đừng buồn bã. Sau lưng chúng ta luôn có người tốt”, chị Mai gửi gắm.
Không chỉ thắp lên niềm tin, những lớp học phổ cập ban đêm còn là nơi nuôi dưỡng ước mơ cho những HS có hoàn cảnh đặc biệt. Nhà có 3 anh em, cha mẹ làm phụ hồ, cuộc sống khốn khó khiến em Lê Tâm Như (trú TP. Vũng Tàu) phải bỏ học giữa chừng vào năm lớp 8. Nghỉ học gần 1 năm, em xin đi học lại tại lớp phổ cập của Trường THCS Vũng Tàu. “Ở lớp, các thầy cô quan tâm và cảm thông với hoàn cảnh của những HS như em. Ban đầu, em chỉ định học hết lớp 9 rồi đi xin việc làm. Nhưng nghe em chia sẻ, các thầy cô đã động viên em nên cố gắng học tiếp, ít nhất là xong chương trình lớp 12”, Tâm Như kể. Hiện tại, Tâm Như đang học THPT hệ GDTX. Tâm Như đang ấp ủ ước mơ trở thành nhà biên kịch. Cô bé chia sẻ: “Em từng nghĩ đơn giản là hoàn cảnh khó khăn thì nghỉ học để kiếm việc làm phụ giúp gia đình. Nhưng sau này, em mới hiểu được rằng bỏ học là tự đánh mất tương lai của chính mình. Được đi học tiếp giúp em nhận ra mình có đam mê viết lách. Mỗi ngày, ngoài giờ học, em còn đọc sách, đọc truyện và luyện viết để có thể biến ước mơ của mình thành hiện thực”.
NHỮNG CUỘC ĐỜI TƯƠI SÁNG
Đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch UBND phường 11 TP. Vũng Tàu ở tuổi 35, anh Lâm Thành Sơn là một trong những lãnh đạo cấp xã trẻ tuổi trên địa bàn tỉnh. Chúng tôi rất bất ngờ khi được biết anh là một HS trưởng thành từ những lớp học phổ cập. Sinh ra trong gia đình nông dân nghèo, học hết lớp 7, anh Sơn phải nghỉ học mưu sinh. Anh đã được GV Trường THCS Phước Thắng và cán bộ khu phố đến tận nhà “tổng động viên” đi học trở lại. Quay lại với trường lớp, nhận thức của anh cũng có nhiều thay đổi. Anh nhận ra để có cuộc sống tốt hơn thì không có con đường nào khác ngoài học tập.
Vừa đi học, vừa trang trải cuộc sống, anh Sơn đã lăn lộn với đủ thứ nghề, từ chạy xe ôm, sửa xe cho tới làm công nhân… Tốt nghiệp THCS, THPT, rồi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, năm 2004, anh Sơn về công tác tại phường 11 và đảm nhiệm chức vụ Trung đội trưởng dân quân cơ động phường. Tại đây, anh tiếp tục theo học trung cấp quân sự, rồi CĐ quân sự và ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh. Nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc, anh từng được tín nhiệm giữ các vị trí: Phó Bí thư Đoàn phường, Chỉ huy phó rồi Chỉ huy trưởng BCH Quân sự phường và được bầu làm đại biểu HĐND phường 11. Năm 2020, anh được bổ nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND phường. Vượt lên gian khó để thành công, anh Lâm Thành Sơn đã trở thành tấm gương truyền cảm hứng cho những HS ở các lớp học phổ cập. Anh chia sẻ: “Nếu như khát vọng vươn lên trong tôi không được khơi dậy, thì có lẽ cuộc đời tôi đã đi theo những ngã rẽ khác. Tôi mong các bạn trẻ đừng cam chịu số phận, hãy cố gắng học tập, sống có định hướng để không lãng phí cuộc đời mình”.
Chị Nguyễn Thị Long (SN 1982) hiện là GV Trường MN Happy Kids (TP. Vũng Tàu) là một cựu HS của lớp học phổ cập buổi tối tại trường THPT Vũng Tàu. Học hết lớp 9, chị Long phải nghỉ học để đi làm phụ giúp gia đình. Không nguôi khát khao được tiếp tục tới trường, chị tìm đến với lớp học phổ cập để học hết chương trình phổ thông. Chị Long cho hay, vừa đi học, chị vừa lo kiếm tiền gửi về phụ giúp cha mẹ và lo cho các em ăn học bằng nghề giúp việc. Các bạn trong lớp cũng cùng hoàn cảnh. Thầy cô không chỉ nhiệt tình giảng dạy mà còn động viên chúng tôi cố gắng học tập để hoàn thành chương trình”, chị cho hay. Tốt nghiệp THPT, rồi CĐ Sư phạm BR-VT ngành Giáo dục MN hệ Trung cấp, chị Long trở thành cô giáo. “Với tôi, việc trở thành GV là một cái duyên và cũng như lời tri ân của tôi với cuộc đời. Tôi muốn đem tất cả nhiệt huyết của mình để dạy dỗ các em HS như những gì tôi đã nhận được từ những người thầy trong cuộc đời mình”, chị Long tâm sự.
Bài, ảnh: KHÁNH CHI