Gieo ánh sáng trong đêm

Thứ Tư, 18/11/2020, 20:20 [GMT+7]
In bài này
.

Vào các buổi tối trong tuần, tại nhiều trường TH, THCS, trung tâm văn hóa học tập cộng đồng, những lớp học phổ cập vẫn đều đặn sáng đèn. Những lớp học này có sự cống hiến thầm lặng của những người thầy và sự nỗ lực của những học trò đặc biệt trong cuộc hành trình đi tìm ánh sáng tri thức.

Lớp học phổ cập tại Trường TH Phước Thắng (TP. Vũng Tàu) do cô Bàn Thị Khuyên đứng lớp.
Lớp học phổ cập tại Trường TH Phước Thắng (TP. Vũng Tàu) do cô Bàn Thị Khuyên đứng lớp.

NHỮNG LỚP HỌC ĐẶC BIỆT

Trời nhá nhem, cô bé Nguyễn Thị Quỳnh Anh (10 tuổi) đã có mặt tại cổng Trường TH Phước Thắng (TP. Vũng Tàu). Đôi mắt trong veo, mái tóc kẹp nơ gọn gàng, Quỳnh Anh xúng xính trong bộ đồng phục sơ mi trắng, chân váy màu xanh tím than. Nhà cách trường hơn 1 cây số và mặc dù 19 giờ lớp học mới bắt đầu nhưng ngày nào cũng vậy, chưa đến 18 giờ, Quỳnh Anh đã đạp xe tới trường. “Con thích tới trường sớm để không bị muộn học. Trong  lúc chờ đợi, con ngồi xem các lớp học võ hoặc trò chuyện với các bạn cùng lớp”, Quỳnh Anh giải thích. 

Quê ở Kiên Giang, khi đang học lớp 4, em Nguyễn Thị Quỳnh Anh, theo cha mẹ tới TP. Vũng Tàu sinh sống. Quỳnh Anh kể: “Ba mẹ đi làm cá từ 4 giờ sáng, không đưa con tới trường được nên con phải nghỉ học. Nhìn các bạn trong xóm trọ được đi học, con thích lắm. Con xin mẹ cho con đi học lại. Mẹ được người quen chỉ cho lớp học buổi tối ở Trường TH Phước Thắng nên đến xin cho con học lại từ lớp 3”. Từ khi được đi học lại, cô bé 10 tuổi không còn theo cha mẹ đi làm. Em ở nhà đưa đón em gái 7 tuổi đi học, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa. Chiều đến, sau khi ăn cơm, em lại vui vẻ cắp sách đến trường. “Đi học biết nhiều thứ và để có thể dạy lại cho em con”, Quỳnh Anh hồn nhiên chia sẻ.

Đúng 19 giờ, chúng tôi vào lớp học cùng Quỳnh Anh. Lớp học do cô Bàn Thị Khuyên, GV Trường TH Phước Thắng giảng dạy. Cô Khuyên giản dị trong chiếc áo sơ mi, quần tây. Sau thời gian dạy ban ngày ở trường, khoảng 17 giờ chiều, cô Khuyên về nhà lo cơm nước cho chồng cùng hai con nhỏ, ăn vội bữa tối rồi lại tất tả đến trường. 

Đó là một lớp học đặc biệt, bởi HS ở những lứa tuổi khác nhau. Lớp có 3 dãy bàn, tương ứng với vị trí của HS lớp 3, 4, 5. Tấm bảng cũng được chia 3 phần cho bài học của 3 khối. Trong một buổi học chừng 2 tiếng, cô Khuyên dường như không có phút nghỉ ngơi khi vừa giao bài tập cho nhóm này, vừa tranh thủ hướng dẫn, kiểm tra nhóm khác, rồi nhận xét, giao bài tập mới… Cô Khuyên cười hiền: “Ở nhà, các em không có người kèm cặp bởi cha mẹ bận rộn lo miếng cơm manh áo. Có em cả cha lẫn mẹ đều không biết chữ. Ban ngày, nhiều em còn đi làm để phụ giúp gia đình. Thời gian học tập của các em chỉ gói gọn trong hơn 2 tiếng ở lớp học này. Vì vậy, tôi phải cố gắng hết mức có thể để không lãng phí khoảng thời gian của các em!”.

Rời lớp học của cô Khuyên, chúng tôi đến với những lớp học bổ túc văn hóa tại Trường THCS Phước Thắng (TP. Vũng Tàu). Năm học này, trường có 3 lớp cho HS lớp 6-7, lớp 8 và lớp 9 với tổng số gần 50 HS. 

Đang giảng bài, thầy Lương Hữu Phương (dạy lớp 9) phát hiện T. hút thuốc nên tạm dừng phân tích cho T. hiểu ra sai phạm của mình. Khi T. đứng lên trước lớp xin lỗi thầy và hứa không tái phạm, thầy Phương đề nghị cả lớp vỗ tay động viên em. Thầy Phương chia sẻ: “Càng là lớp học bổ túc văn hóa thì phải quan tâm nhiều hơn đến việc uốn nắn, giáo dục HS. Bởi để trở thành người có ích, bên cạnh việc có kiến thức, các em còn phải là người có đạo đức, có kỷ luật. Vậy nên, trong những tiết dạy của mình, tôi luôn cố gắng để các em học được nhiều điều hơn ngoài sách vở”.

Lớp học phổ cập buổi tối tại Trường THCS Phước Thắng do thầy Lương Hữu Phương, GV bộ môn Ngữ văn đứng lớp.  Ảnh: HOÀNG DƯƠNG
Lớp học phổ cập buổi tối tại Trường THCS Phước Thắng do thầy Lương Hữu Phương, GV bộ môn Ngữ văn đứng lớp. 

MẸ VÀ CON CÙNG ĐẾN LỚP

Ở những lớp học phổ cập, HS trong lớp không phải là bạn bè cùng trang lứa như trong các lớp học phổ thông. Điểm chung của các em là không thể theo học chương trình phổ thông chính khóa vì nhiều lý do như hoàn cảnh gia đình khó khăn, trí tuệ chậm phát triển… Tuy nhiên, vượt lên mọi trở ngại, các em đã nỗ lực hết mình để nối lại “con đường học tập”.

Là bạn cùng lớp với Quỳnh Anh, Dương Thành Nghĩa đã 14 tuổi, nhưng mới học tới lớp 3. Ba mẹ em đều là người khuyết tật, đi bán vé số để nuôi sống gia đình 6 miệng ăn. Nghĩa học Trường TH Hải Nam (TP. Vũng Tàu) đến hết lớp 3. Thương cha mẹ, em xin nghỉ học đi bán vé số phụ giúp gia đình. Nghĩa kể: “Dù nghỉ học đã hơn 2 năm nhưng khi đi qua trường học, em hay nhìn vào, thấy nhớ trường, nhớ lớp và rất hối hận. Nghe em nói muốn đi học lại, mẹ xin cho em vào đây học từ lớp 1”. Để có thể vừa đi học, vừa san sẻ gánh nặng cho gia đình, ban ngày, Nghĩa ở nhà trông 2 đứa em mới 11 và 22 tháng tuổi, đồng thời còn giúp đỡ cha mẹ việc nhà. Cuối tuần được nghỉ học, em lại tranh thủ đi bán vé số. “Được đi học lại, em vui lắm! Dù nhà em ở phường 12, đường đến lớp khá xa nhưng em tự nhủ mình phải cố gắng thì cuộc sống sau này mới có thể tốt hơn”.

Đến tháng 12/2019, tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục (PCGD) TH mức độ 3; 8/8 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn PCGD TH mức độ 3; tỉnh đạt chuẩn PCGD TH mức độ 3. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 38 xã, phường, thị trấn duy trì đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 2, 44 xã, phường, thị trấn duy trì đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 3; 6 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 2, 2 huyện, thị xã, thành phố đạt PCGD THCS mức độ 3 và tỉnh đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 2.

Ở một số lớp học phổ cập, bên cạnh những học viên chính thức còn có những “nhân vật” rất đặc biệt. Đó là những cô bé, cậu bé theo cha mẹ tới lớp học buổi tối. Có học viên vừa nghe giảng, vừa tranh thủ hướng dẫn con tập viết, tập đánh vần. Chị Phan Thị Trúc Ly (25 tuổi), HS lớp 9 phổ cập Trường THCS Phước Thắng là một trong những HS như thế. Trúc Ly quê ở Gò Công (Tiền Giang), khi vừa học hết lớp 7, chị bị liệt nửa người do tai nạn nên phải nghỉ học. Ly bình phục thì ba mất khiến chị phải bỏ học để đi làm. Đến nay, dù đã có gia đình và con gái 5 tuổi, ban ngày đi làm công nhân trong khu công nghiệp nhưng chị chưa bao giờ nguôi ước mơ được đến trường. Trúc Ly chia sẻ: “Tôi đi học trước hết là để dạy dỗ con và sau đó là có cơ hội tìm công việc tốt hơn. Ước mơ của tôi là được học ngành du lịch nên sau khi tốt nghiệp THCS, tôi sẽ tiếp tục theo học chương trình GDTX”.

Thầy Nguyễn Phúc Đức, GV bộ môn Ngữ văn, Trường THCS Vũng Tàu (TP. Vũng Tàu) cho hay, gắn bó với những lớp học phổ cập hàng chục năm, tôi cũng học được nhiều điều từ HS. Có cặp vợ chồng đã thu xếp công việc, gia đình để cùng được đến lớp; có chị tạp vụ ban ngày đi làm, tối về lại cần mẫn cắp sách tới trường; nhiều HS đã có gia đình, con cái vẫn tiếp tục đến trường, có trường hợp con học lớp 7, mẹ mới bắt đầu vào lớp 6… “Với tôi, những HS ở lớp phổ cập đều là những tấm gương đáng trân trọng về nghị lực và tinh thần học tập, vượt khó. Đó là những câu chuyện đẹp mà chỉ những GV dạy phổ cập mới cảm nhận được”.

Bài, ảnh: HOÀNG DƯƠNG

(Còn nữa)

;
.