.

Công đoàn cần đổi mới để thu hút người lao động

Cập nhật: 21:52, 03/11/2020 (GMT+7)

Làm gì để thu hút người lao động tham gia công đoàn? Đó là nội dung chính tại Hội thảo “Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn cơ sở khu vực ngoài Nhà nước” do LĐLĐ tỉnh vừa tổ chức.

CNLĐ mua hàng trợ giá trong chương trình Tết sum vầy do LĐLĐ tỉnh tổ chức.
CNLĐ mua hàng trợ giá trong chương trình Tết sum vầy do LĐLĐ tỉnh tổ chức.

Tại hội thảo, đa số đại biểu có chung quan điểm “hoạt động công đoàn ở cơ sở cần phải đổi mới để thu hút người lao động làm việc ở khu vực ngoài Nhà nước tham gia công đoàn”. Đồng thời chỉ ra những hạn chế, yếu kém và đề xuất nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động của công đoàn cơ sở (CĐCS). 

CÒN NHIỀU HẠN CHẾ

Báo cáo đề dẫn hội thảo, bà Tạ Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh cho biết, tính đến tháng 10/2020 trên địa bàn tỉnh có 749 CĐCS (chiếm 48,66%) ngoài Nhà nước với 95.241 đoàn viên/104.334 người lao động (NLĐ). CĐCS nhiều nơi đã bám sát chức năng, nhiệm vụ và chỉ đạo của CĐ cấp trên để triển khai thực hiện tốt công tác chăm lo, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, NLĐ. Tuy vậy, hoạt động CĐCS ngoài Nhà nước còn những hạn chế, tồn tại như: hình thức, nội dung hoạt động của CĐCS chưa thực sự phù hợp và thích ứng với điều kiện sản xuất, hoàn cảnh sống của NLĐ; CĐCS một số nơi vẫn chưa làm tốt vai trò đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của NLĐ, chưa thu hút đông đảo NLĐ tham gia các hoạt động của tổ chức CĐ. 

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch LĐLĐ TP.Vũng Tàu cho rằng, vai trò của tổ chức CĐCS trong DN chưa tương xứng với kỳ vọng của NLĐ và nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới. Việc tuyên truyền, vận động người sử dụng lao động để họ hiểu đúng và ủng hộ hoạt động CĐ của cán bộ CĐCS còn hạn chế. Tình trạng người sử dụng lao động chưa thực hiện tốt chính sách, pháp luật, nhất là ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể, xây dựng thang bảng lương cũng như chế độ BHXH, BHYT... đối với NLĐ còn phổ biến. Nhiều DN chưa phối hợp với tổ chức CĐ trong việc tổ chức đối thoại, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; việc thành lập và tổ chức hoạt động CĐCS mang tính hình thức, đối phó. Ông Sơn nhấn mạnh: “Có nơi, hoạt động CĐCS bị tê liệt hoàn toàn, NLĐ không thiết tha gắn bó với tổ chức CĐ. Nguyên nhân là do hầu hết cán bộ CĐCS kiêm nhiệm, phụ thuộc vào chủ DN, không dám đấu tranh bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ; cán bộ CĐ phải kiêm nhiệm, bận việc chuyên môn nên không có thời gian nghiên cứu và tham gia hoạt động CĐ. Nội dung, phương thức hoạt động CĐCS thiếu đổi mới và chưa thiết thực, chưa thu hút NLĐ tham gia hoạt động CĐ”.

Cũng theo ông Nguyễn Thanh Sơn, qua khảo sát thực tế của LĐLĐ TP.Vũng Tàu, tại nhiều DN, việc thành lập tổ chức CĐ chỉ mang tính hình thức và trên thực tế không hoạt động. Vì vậy, ở những DN này chưa thu hút được NLĐ tham gia tổ chức CĐ. Điển hình như, Công ty TNHH Thương Mại và Sản xuất Sơn Đông Nam Á chỉ có 9/60 NLĐ tham gia CĐ); Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Vân Nam 9/15 NLĐ tham gia tổ chức CĐ... Trong khi, NLĐ tại các DN có nơi lên tới hàng trăm lao động đang làm việc. Khi được hỏi vì sao không muốn gia nhập tổ chức CĐ, nhiều lao động thẳng thắn chia sẻ, việc tham gia tổ chức CĐ với những hoạt động hình thức, mang tính phong trào khiến họ mất nhiều thời gian. Chị N.T.L, người lao động tại DN hoạt động trong lĩnh vực cung ứng lao động cho biết: “Mong muốn của tôi khi tham gia tổ chức CĐ là được hưởng đúng quyền lợi của mình, được tham gia những hoạt động thiết thực về đời sống tinh thần cũng như được quan tâm về đời sống vật chất. Tuy nhiên, ở DN chúng tôi rất ít các hoạt động vui chơi giải trí dành cho NLĐ nên mọi người chưa quan tâm tới việc tham gia tổ chức CĐ”.

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG 

Đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS, ông Nguyễn Đức Ý, Chủ tịch CĐ Các KCN tỉnh cho rằng, cần thường xuyên quan tâm tập huấn, trang bị nghiệp vụ CĐ cho đội ngũ cán bộ CĐCS. Cán bộ CĐ phải có kỹ năng hoạt động CĐ, kỹ năng đối thoại để xây dựng, thương lượng quy chế dân chủ, thỏa ước lao động tập thể. “Thời gian qua, CĐ Các KCN tỉnh thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng hoạt động CĐ cho cán bộ CĐCS. Qua đó, chúng tôi lựa chọn những đơn vị có thỏa ước lao động tốt, cách làm tốt để chia sẻ với những đơn vị khác. Cũng qua các buổi tập huấn, chúng tôi thành lập các nhóm zalo CĐCS để trực tiếp trả lời những thắc mắc và hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ CĐCS khi cần”, ông Nguyễn Đức Ý chia sẻ kinh nghiệm.

Ông Nguyễn Thanh Sơn đồng quan điểm khi cho rằng, cần nâng cao trình độ, năng lực và phẩm chất của đội ngũ cán bộ CĐ các cấp. Bên cạnh đó, hoạt động CĐ phải hướng tới chức năng cơ bản, cốt lõi là thỏa mãn nhu cầu về lợi ích của NLĐ, bảo vệ được NLĐ trong quan hệ lao động, mang lại lợi ích cho chủ sử dụng lao động thì hoạt động CĐ mới có tính bền vững, nhận được sự ủng hộ từ chủ sử dụng lao động và NLĐ. Mặt khác, tổ chức CĐ phải đổi mới công tác quản lý cán bộ CĐ, có nội dung, phương thức đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ CĐ. Đặc biệt, phải chú trọng xây dựng phẩm chất của cán bộ CĐ: bản lĩnh, chuyên nghiệp, tâm huyết, gắn bó với cơ sở, gần gũi với NLĐ. 

Còn theo ông Trần Văn Sáu, Phó Chủ tịch CĐCS Công ty CP Hải Việt (KCN Đông Xuyên, TP.Vũng Tàu), khi thành lập CĐCS phải chọn người có tâm huyết, nhiệt huyết, có năng lực và có sức ảnh hưởng trong DN. Đây là cầu nối hiệu quả nhất giữa người sử dụng lao động và NLĐ tại DN. “Theo tôi, việc tổ chức thương lượng cần đơn giản hóa các hình thức mang tính thủ tục hành chính mà tập trung vào kết quả cuối cùng là NLĐ được hưởng những điều khoản có lợi nào cao hơn so với quy định của luật. Đặc biệt, Ban Chấp hành CĐCS phải xây dựng được các kênh thông tin kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ để tổ chức các hoạt đồng phù hợp, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của NLĐ”, ông Sáu đề xuất.

Bài, ảnh: NHÃ UYÊN

 
.
.
.