Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là loại hình bảo hiểm dành cho mọi người dân tham gia và được Nhà nước hỗ trợ mức đóng.
Bà Nguyễn Thanh Mỹ (58 tuổi, ngụ 225/14, Lưu Chí Hiếu, phường 10, TP Vũng Tàu) được lãnh lương hưu sau khi đóng đủ BHXH tự nguyện. |
Bà Vũ Thị Hồng (49 tuổi, ngụ phường Kim Dinh, TX. Bà Rịa) sinh sống bằng nghề nông, chồng bà làm thợ hồ, thu nhập cả hai vợ chồng khoảng 11 triệu đồng/tháng. Tất cả thu nhập đều dồn vào chi tiêu sinh hoạt gia đình và lo cho con ăn học nên hai vợ chồng bà không có dư dả. Điều bà lo nhất là tuổi tác hai vợ chồng đã cao, sức khỏe giảm sút sẽ không duy trì được thu nhập như hiện tại để lo cho tương lai về già khi không còn sức lao động. Giữa năm 2020, qua xem một chương trình thời sự về chính sách BHXH tự nguyện, giúp những người như bà có lương hưu, bà quyết định tham gia với mức đóng 154 ngàn đồng/tháng. Nhờ chính sách hỗ trợ cho những người tham gia BHXH tự nguyện 10% nên bà chỉ phải đóng 138 ngàn đồng/tháng.
Bà Nguyễn Thanh Mỹ (58 tuổi, ngụ 225/14, Lưu Chí Hiếu, phường 10, TP Vũng Tàu) tham gia BHXH tự nguyện do đã đến tuổi về hưu nhưng còn thiếu 6 tháng đóng BHXH khi làm việc ở Công ty CP Phát triển Công viên Cây xanh Vũng Tàu. Nhờ đó, đến tháng 11/2020, bà đã được lãnh mức lương hưu hơn 3 triệu đồng/tháng.
Theo thống kê của BHXH tỉnh, đến tháng 10/2020, toàn tỉnh có 5.895 trường hợp tham gia BHXH tự nguyện, đạt 36,8% kế hoạch. Phân tích về lợi ích của chính sách bảo hiểm này, ông Đặng Hồng Tuấn, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho hay, BHXH tự nguyện giúp cho các đối tượng không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, những người nông dân, lao động tự do… cũng có được khoản lương hưu khi về già. Theo quy định, họ sẽ được hưởng lương hưu khi đủ 60 tuổi (nam), đủ 55 tuổi (nữ) và tham gia đủ 20 năm đóng BHXH trở lên. Trong trường hợp, NLĐ đã đủ điều kiện về tuổi theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được đóng cho đến khi đủ 20 năm để hưởng lương hưu. Còn nếu họ chưa tham gia BHXH bao giờ thì phải có ít nhất 20 năm đóng BHXH. Theo quy định của pháp luật về BHXH hiện hành, nếu NLĐ đã đủ tuổi nghỉ hưu mà còn thiếu chưa đến 10 năm đóng BHXH thì được đóng BHXH tự nguyện 1 lần cho đủ những năm còn thiếu để đủ 20 năm đóng BHXH.
Theo Nghị định 134/2015 quy định từ năm 2016, có nhiều mức đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn. Mức đóng thấp bằng 22% mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Ví dụ, mức đóng thấp nhất hiện nay là 700.000 đồng x 22% = 154.000 đồng/tháng và mức cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở. Người dân nếu muốn tham gia BHXH tự nguyện có thể liên hệ với bưu điện gần nhất để đăng ký. |
Bên cạnh đó, từ 1/1/2018, Nhà nước hỗ trợ kinh phí đóng BHXH tự nguyện cho người tham gia: hộ nghèo được hỗ trợ 30%, hộ cận nghèo được hỗ trợ 25%, các đối tượng còn lại được hỗ trợ 10%. Số % này dựa trên mức đóng của chuẩn nghèo khu vực nông thôn, do Chính phủ quy định. Mỗi tháng, người dân có thể đóng ở mức thấp nhất là 154 ngàn đồng. Mức đóng có thể thay đổi theo lựa chọn của người tham gia. Ngoài ra, người tham gia BHXH tự nguyện có thể đóng 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng, hoặc đóng 1 lần cho nhiều năm, nhưng không quá 5 năm. Người tham gia BHXH đóng đủ 10 năm BHXH sẽ được đóng 1 lần cho 10 năm tiếp theo để đủ điều kiện đóng BHXH 20 năm để nhận lương hưu.
Theo đánh giá của BHXH tỉnh, mặc dù đem lại nhiều lợi ích song số lượng người tham gia chính sách bảo hiểm này chưa nhiều. Do đó, trong 2 tháng cuối năm 2020, BHXH đang tích cực tuyên truyền qua nhiều kênh để người dân, đặc biệt là người lao động tự do biết đến những lợi ích ưu việt của BHYT tự nguyện để hưởng ứng tham gia. “Thời gian tới, BHXH Việt Nam sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin mà chỉ với chiếc điện thoại thông minh, người dân có thể tham gia BHXH, đọc các chính sách BHXH. Với những người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, không có điện thoại thông minh, BHXH tiếp cận thông tin về quyền lợi của người dân”, ông Đặng Hồng Tuấn cho biết thêm.
Bài ảnh: HUYỀN TRANG