Nguồn gốc của món hủ tiếu vốn là của người Trung Hoa, được đưa đến Mỹ Tho (Tiền Giang) vào nửa cuối thế kỷ 17 và nhanh chóng phổ biến khắp Nam Kỳ lục tỉnh. Tại thành phố biển Vũng Tàu, hủ tiếu được chế biến “đa phong cách”: hủ tiếu sườn, hủ tiếu hải sản, hủ tiếu lòng non… Món nào cũng có phong vị riêng biệt.
Tô hủ tiếu với những sợi hủ tiếu dai ngon, nước lèo đậm đà, hòa quyện cùng hải sản tươi ngon, thịt heo thơm béo tại hủ tiếu Nam Vang Nhân. |
Có địa chỉ tại 118, Lê Lai (TP.Vũng Tàu), quán hủ tiếu Nam Vang Nhân luôn tấp nập khách. Không gian quán khá nhỏ, có phòng lạnh, mát mẻ, sạch sẽ, bài trí gọn gàng. Theo anh Nhân chủ quán, để chế biến được món ăn ngon, phải chọn những thực phẩm, gia vị phù hợp. Chẳng hạn, thịt và xương phải chọn những phần ngon, chặt ra từng miếng vừa phải, ngâm muối, sau đó vớt ra ướp gia vị, chế biến theo phương pháp truyền thống. Muốn có nồi nước dùng ngon, đậm đà, thịt mềm, sau khi ướp đầy đủ gia vị thì thịt và xương được ninh khoảng 90 phút. Sợi hủ tiếu khô chần sơ rồi cho thêm giá, hẹ, thịt băm và lòng heo. So với nhiều loại, món này có phần khác biệt hơn nhờ mùi thơm phức của tỏi phi. Đặc biệt, sợi hủ tiếu được đặt hàng từ miền Tây nên dai. Ngoài hủ tiếu nước, quán còn còn có hủ tiếu khô. Thành phần cũng giống như hủ tiếu nước bình thường, chỉ khác là hủ tiếu được trộn khô, nước súp để riêng biệt.
Là một trong những quán hủ tiếu lâu năm nhất tại TP. Vũng Tàu với thương hiệu hơn 50 năm, hủ tiếu mì sườn Tùng Hưng (144, Lý Tự Trọng, TP.Vũng Tàu) đã trở thành một phần ký ức của người dân thành phố biển. Điều làm nên sự khác biệt của tô hủ tiếu ở đây là tô nước lèo được nấu từ sườn cho vị ngọt tự nhiên. Sườn tại quán được chọn từ sườn non và sườn sụn, mềm, đưa vào miệng như tan chảy. Tô hủ tiếu thơm lừng sóng sánh với nước dùng và xanh tươi màu rau sống, sợi dai.
Ngoài hủ tiếu nước còn có món hủ tiếu khô rất bắt mắt. |
Ngoài những quán hủ tiếu phổ biến thì tại TP. Vũng Tàu, với lợi thế hải sản tươi ngon, các đầu bếp tài ba đã chế biến ra món hủ tiếu mực đặc trưng, trở thành món ăn luôn níu lòng du khách phương xa khi đến đây. Nguyên liệu chính của một tô hủ tiếu mực sẽ bao gồm mực tươi được chọn lựa cẩn thận, thịt băm viên tròn cùng với trứng cút luộc nhỏ xinh và các gia vị khác như hành lá, lá hẹ… Mực được lựa chọn từ những loại mực tươi nhất, rất giòn và ngọt nước. Đặc biệt nhất có lẽ là nước dùng, nước được hầm từ xương và mực, ngọt thanh và tự nhiên. Tô hủ tiêu hội tủ đủ sắc màu với khoanh mực tròn tròn, vài sợi mực khô có trong nước dùng, thịt viên băm, hành lá xanh mướt thái nhỏ cùng với các loại rau sống tươi mát, khiến thực khách luôn muốn thưởng thức thêm lần nữa.
Theo các chủ quán, chế biến hủ tiếu cũng chẳng có gì cầu kì nhưng cách nêm nếm chuẩn vị và đặc biệt của người dân miền biển đã tạo nên sức hấp dẫn riêng cho món ăn phổ biến này. Tuy mỗi quán có một bí quyết khác nhau, nhưng nét chung nhất của tô hủ tiếu chính là cách phối trộn gia vị, món ăn được nêm nếm pha chế bởi nhiều loại gia vị khác nhau như tỏi, hành tím, gừng, sả, đại hồi, tiểu hồi, quế, ớt, đậu phộng, mè rang…
Ngoài 2 địa chỉ trên, ở Vũng Tàu còn có nhiều quán hủ tiếu chuẩn vị và đặc biệt của người dân miền biển đã tạo nên sức hấp dẫn riêng cho món ăn phổ biến này. Đó là: Hủ tiếu hải sản Thuận Phúc (73, Hoàng Hoa Thám); Hủ tiếu (376, Trương Công Định); Hủ tiếu mực Ông Già Cali (113, Hoàng Hoa Thám); Hủ tiếu Trang (52, Xô Viết Nghệ Tĩnh)…
Bài, ảnh: THỤY NHIÊN