Tự nguyện "bào mòn" cá tính để phù hợp với nhau
Trong đời sống vợ chồng, đâu phải ai cũng có cơ may được chung sống hòa hợp, hạnh phúc để mỗi ngày, từng ngày mở mắt ra, ngủ dậy có thể ưỡn ngực hài lòng: “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/Ta có thêm ngày nữa để yêu thương” (Kahlil Gibran - Nguyễn Nhật Ánh dịch). Mà hầu như, đáng tiếc thay, thỉnh thoảng hoặc thường xuyên giữa vợ và chồng có những cuộc cãi vã nhau: nhẹ thì mặt nặng mày nhẹ, đá thúng đụng nia, chửi chó mắng mèo; nặng thì chén dĩa bay vèo vèo, rơi loảng xoảng trong nhà cứ như “vật thể lạ” đáp xuống nhà mình!
MInh họa: MINH SƠN |
Nhiều người nghĩ rằng, sự hòa hợp, ăn ý, hợp cạ, hợp gu, khắng khít như răng với môi, dính như sam trong thời gian thả thính yêu đương, về sau sẽ là yếu tố quyết định hạnh phúc. Điều này, có thể đúng nhưng chưa chắc. Tình yêu là tình yêu. Hôn nhân là hôn nhân. Hai lĩnh vực này cứ tưởng chỉ là một, nhưng thật ra một là một mà hai là hai. Khó có thể liệt kê ra hết những chênh lệch trong đời sống vợ chồng, từ sở thích mua sắm, chưng diện… đến ăn uống, du lịch… Ủa, sao lạ thế? Họ cứ tưởng người của mình thời say đắm, nay đã “lột xác” trở thành người khác hẳn. Nghĩ đến mà rầu.
Khác thế nào?
Trước, dù không thích ăn món Tây, món Tàu nhưng hễ “đối tượng” thích là chiều, dẫu “đau” tiền, dẫu ngồi ăn cứ như nhai sạn, nhai đá nhưng vẫn cười hơn hớn khen ngon, khen lấy khen để rồi sau đó, lúc quay về nhà ăn cơm nguội chan nước mắm cũng phơi phới tâm hồn. Nay, hễ nghe nhắc tới là chối phắt, không là không. Trước, dẫu mưa gió dầm dề, bão bùng rét buốt, đang nằm trong chăn êm nệm ấm nhưng “đối tượng” chỉ cần nhắn tin ỡm ờ: “Ước gì có chè, làm sao đây ta?”, lập tức đội gió đội mua tếch ngay xuống phố và… cảm thấy hãnh diện vì được tin cậy (!). Nay, đừng hòng. Biết bao chuyện thay đổi cái xoạch!
Đành rằng, mỗi người có mỗi sở thích, không ai giống ai. Thế nhưng khi đang say đắm mơ mơ màng màng, với họ thế giới xung quanh chẳng là “cái đinh rỉ” gì cả. Thời gian đằm thắm ấy, cả hai như hòa nhập vào nhau từ mỗi một sở thích đến suy nghĩ: “Để nghe tơ liễu run trong gió/Và để xem trời giải nghĩa yêu” (Hàn Mặc Tử). Nếu mãi mãi như thế, tốt quá, hỡi ôi, đời không như là mơ. Lúc đã cơm chung mâm, ngủ chung giường lại có nhiều tình huống, nhiều nhu cầu, nhiều vấn đề nảy sinh mà trước đó cả hai đều không thể lường hết. Này, cơm áo gạo tiền cho sinh hoạt trong nhà; này, bỉm sữa cho con; này, ứng xử họ hàng đôi bên; này, các quan hệ bạn bè; này, cái điện thoại những tin nhắn gì đã đến; này, cuộc điện thoại nào gọi đi; này, rồi này, cứ mỗi ngày lại phát sinh thêm những cái lằng nhằng khác nữa.
Mệt cả đầu.
Đơn giản chỉ vì cả hai không tìm được tiếng nói chung. Trước đó, sở sĩ mọi việc dẫu có lấp sông, dời núi nhưng họ vẫn xem “nhẹ như lông hồng”, chỉ vì lấy mục tiêu đại khái: “Ối dào, miễn sao chàng/nàng hài lòng là happy”. Không so đo tính toán gì sất. Nhưng một khi đã thành chồng thành vợ, đã thấu hiểu tận chân tơ kẽ tóc thì mọi sự lại dần dần thay đổi. Thay đổi ở đây, tức là do họ xác lập vị trí của mình trong quan hệ này, trong cái nhà cụ thể này. Tớ là vợ thì tớ phải thế này, thế này, thế này. Nhớ chửa? Tớ đã là chồng thì tớ phải thế nọ, thế kia, thế này. Nhớ chửa? Nhấn mạnh đến thế, nhưng rồi người kia thèm nhớ cho đâu, lúc thích thì nhớ, lại có khi cố tình quên.
Tất cả “sinh sự sự sinh” xảy ra, nói lên điều gì?
Là cái tôi của mỗi người to tổ chảng như tảng đá đang chình ình che trước mắt, không còn thấy gì xung quanh mình nữa, dẫu sát sàn sạt đó là vợ/chồng. Không ai chịu nhường nhịn ai. Họ quên đi rằng, vợ và chồng là hai cá thể khác nhau, rất khác nhau nếu soi rọi từ tâm lý đến tính cách, từ sở thích đến phép ứng xử… Do đó, cần phải tự ý thức từ đây mình không thể làm mọi thứ, mọi việc như lúc độc thân. Nói cách khác cả hai phải biết nhượng bộ, kiềm chế và nhất là phải tự nguyện “bào mòn” bớt cá tính để phù hợp với nhau.
Khó quá đi mất. Chẳng khó gì, vì “đối tượng” trong tình huống này, không ai khác mà chính là “một nửa” - một phần cần thiết máu thịt trong cuộc đời của mình. Nếu suy nghĩ được như thế, tự khắc mỗi người sẽ có cách “hóa giải” dễ như lật bàn tay. Tôi chỉ dám nói quả quyết như vậy, chứ không dám bàn sâu vào trường hợp cụ thể nào, bởi “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Tóm lại, điều quan trọng nhất để dung hòa, hòa hợp chung thì cốt lõi nhất vẫn là quên mình đi, quên đi cái tôi mà quan tâm nhiều hơn cảm xúc của vợ/chồng. Nghĩ cho cùng, hôn nhân không phải kết thúc, đã chạm đến mục tiêu săn đuổi thời yêu nhau là có thể ngủ ngon trên “chiến thắng”, không, đây chính là lúc mở ra giai đoạn mới mà cả hai còn “nai tơ” lắm, còn phải ý thức tự điều chỉnh chán chê, nếu muốn thật sự có được mái ấm.
Rằng thưa, nhân vô thập toàn. Ta hãy chấp nhận những gì đang có, đã có theo hướng nhìn tích cực hơn chứ trên đời làm gì có mẫu người sinh ra đời hoàn toàn hợp ý, hợp gu, hợp cạ với mình mãi đâu.
LÊ MINH QUỐC