THAY ĐỔI HÌNH THỨC KỶ LUẬT HỌC SINH

Tránh những "bản án cuộc đời" vội vã

Chủ Nhật, 11/10/2020, 18:34 [GMT+7]
In bài này
.

Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo Thông tư Quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với HS trong các cơ sở giáo dục phổ thông, thay thế Thông tư số 08, ban hành hơn 30 năm qua. Điểm đáng lưu ý, Dự thảo này đã thay đổi, thậm chí xóa bỏ một số hình thức kỷ luật như cảnh cáo trước lớp, cảnh cáo trước toàn trường, buộc thôi học. Dự thảo đã và đang nhận được những luồng ý kiến góp ý.

Học sinh lớp 10A1, Trường THPT Trần Nguyên Hãn (TP. Vũng Tàu) trong một tiết học.
Học sinh lớp 10A1, Trường THPT Trần Nguyên Hãn (TP. Vũng Tàu) trong một tiết học.

CHÚ TRỌNG GIÁO DỤC TÍCH CỰC

Điểm mới của Dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật HS là có bổ sung các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực. Cụ thể, Điều 9 của Dự thảo quy định GV thu thập các thông tin khách quan, xác định đúng nguyên nhân, tính chất, mức độ, hậu quả và đặc điểm tâm lý của HS mắc khuyết điểm để lập kế hoạch giáo dục cho HS sửa chữa. GV và nhà trường có thể lựa chọn áp dụng một số biện pháp để giáo dục kỷ luật tích cực phù hợp đối với từng HS như: khuyên bảo động viên; phê bình riêng; phối hợp với cha mẹ để cùng thực hiện các kế hoạch giáo dục; tư vấn tâm lý cho HS.

GV cũng có thể yêu cầu HS thực hiện một số nhiệm vụ học tập và rèn luyện theo nội quy của nhà trường như: Hoàn thành bài tập còn thiếu, viết lại bài cần học thuộc, viết lại nội quy; viết cảm nhận, kiểm điểm; sưu tầm, tìm hiểu sách, tài liệu, phim ảnh hoặc câu chuyện thực tế đã được trải nghiệm, có nội dung liên quan đến khuyết điểm của HS, sau đó trình bày suy nghĩ, cảm nhận về nội dung và bài học rút ra cho bản thân; lao động công ích như trực nhật, vệ sinh khuôn viên trường...

TS. Nguyễn Chí Tăng, giảng viên Trường CĐ Sư phạm BR-VT cho rằng, những điểm mới của dự thảo trong việc xử lý kỷ luật HS trong các cơ sở giáo dục phổ thông rất nhân văn, phù hợp với quan điểm giáo dục hiện đại và chủ trương của ngành giáo dục. Dự thảo Thông tư đã chú trọng đến việc giáo dục đạo đức trong các cơ sở giáo dục và hiệu quả của công việc này. Việc kỷ luật nhằm tạo cơ hội cho HS sửa chữa sai lầm để hoàn thiện bản thân, tạo điều kiện cho HS phát triển tốt nhất, không tước mất quyền học tập, tu dưỡng, rèn luyện của HS trong trường học. “Những điểm mới này tạo điều kiện thuận lợi cho GV và nhà trường lựa chọn áp dụng các biện pháp để giáo dục kỷ luật tích cực phù hợp đối với từng HS”, TS. Nguyễn Chí Tăng phân tích.

Chung quan điểm, thầy Phan Ngọc Tấn, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nguyên Hãn (TP. Vũng Tàu) cũng ủng hộ mục tiêu chú trọng giáo dục HS. Một trong những thay đổi được thầy Tấn đánh giá tích cực là Dự thảo không yêu cầu nhà trường ghi những khuyết điểm, sai phạm của HS vào học bạ. Thầy Tấn lý giải: “Học bạ cũng là tài sản riêng của HS, là nơi lưu lại dấu ấn riêng của các em trong suốt năm tháng học đường. Nếu những sai phạm của các em lưu vào học bạ thì không khác gì bản án trong cuộc đời HS. Điều đó không chỉ đồng nghĩa với việc không cho HS cơ hội sửa chữa sai sót mà nó còn đeo đẳng và để lại những dấu ấn không mấy tốt đẹp cho các em”. Ngoài ra, Dự thảo còn hạn chế được tình trạng lạm dụng các biện pháp xử lý kỷ luật HS, góp phần bảo vệ danh dự, lòng tự trọng cho các em. Đặc biệt, Dự thảo thay thế hình thức “đuổi học” bằng “tạm dừng học tập trên lớp”, thể hiện tính giáo dục một cách nhân văn. “Đuổi học HS thể hiện sự thất bại trong giáo dục. Hình thức kỷ luật này bị bãi bỏ là một sự thay đổi rất tích cực”, thầy Tấn nhấn mạnh.

Còn theo thầy Nguyễn Thừa Lợi, Hiệu trưởng Trường THPT Võ Thị Sáu (huyện Đất Đỏ), Dự thảo không nặng nề về hình thức xử phạt, mà hướng tới thay đổi nhận thức của HS. Dự thảo đã khắc phục được những nhược điểm của Thông tư 08. Bởi nếu chỉ chú trọng xử phạt HS có thể dẫn đến những tổn thương tâm lý, thậm chí khiến các em trở nên chai lỳ, chống đối, khiến cho mục tiêu giáo dục không đạt được như mong muốn.

Theo Dự thảo Thông tư về khen thưởng và kỷ luật HS, HS sẽ không còn bị phê bình, nhắc nhở trước lớp, trước toàn trường. Trong ảnh: Học sinh Trường TH Lý Tự Trọng (TP. Vũng Tàu) trong một tiết học.
Theo Dự thảo Thông tư về khen thưởng và kỷ luật HS, HS sẽ không còn bị phê bình, nhắc nhở trước lớp, trước toàn trường. Trong ảnh: Học sinh Trường TH Lý Tự Trọng (TP. Vũng Tàu) trong một tiết học.

VẪN CẦN CÓ NHỮNG QUY ĐỊNH NGHIÊM KHẮC

Cô Bùi Thị Hậu, Hiệu trường Trường TH Lý Tự Trọng (TP. Vũng Tàu) cho biết, Dự thảo chưa có hiệu lực nhưng trên thực tế, phần lớn GV và các nhà trường đã cơ bản thực hiện những nội dung này. Việc phê bình, nhắc nhở HS không thực hiện trước lớp, trước toàn trường mà được GV trao đổi riêng với các em và gia đình. Các hình thức xử phạt HS cũng khá nhẹ nhàng. Dự thảo đã đưa ra những biện pháp cụ thể để GV, nhà trường lựa chọn nên tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện, giúp nhà trường giáo dục HS hiệu quả hơn. Tuy vậy, cô Bùi Thị Hậu cũng đặt ra vấn đề việc xử phạt HS quá nhẹ, có cũng như không sẽ khiến các em không sợ bị xử lý kỷ luật, dễ tái phạm và khó đi vào nề nếp.

Cô Huỳnh Kim Thành, Hiệu trưởng Trường THCS Kim Đồng (TP. Bà Rịa) thì cho rằng bên cạnh những tác động tích cực, Dự thảo cũng sẽ gây khó khăn cho nhà trường khi giáo dục những HS có ý thức kém, vi phạm nhiều lần. Theo cô Kim Thành để thực hiện những quy định mới của Dự thảo, nhà trường sẽ phải áp dụng đồng thời nhiều biện pháp để giáo dục HS, đặc biệt là biện pháp tư vấn tâm lý, giáo dục tư tưởng đạo đức lối sống…

Hình thức kỷ luật có nhiều thay đổi
Thông tư 08 có 5 hình thức kỷ luật HS gồm: Khiển trách trước lớp; khiển trách trước hội đồng kỷ luật trường; cảnh cáo trước toàn trường; đuổi học một tuần lễ; đuổi học một năm. Trong khi đó, Dự thảo thông tư mới chỉ còn 3 hình thức kỷ luật gồm: khiển trách; cảnh cáo; tạm dừng học tập trên lớp để thực hiện kế hoạch giáo dục riêng với HS vi phạm.
Hình thức kỷ luật cao nhất theo Thông tư 08 là “đuổi học một năm”, nhưng trong dự thảo thông tư mới đã thay từ “đuổi học” thành “tạm dừng học tập trên lớp” với mức tối đa giảm xuống còn 2 tuần đối với những vi phạm như ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng.

Thầy Phan Ngọc Tấn thì cho hay, hình thức kỷ luật Dự thảo đưa ra khó có hiệu quả với những HS vi phạm nhiều lần, bởi hành vi vi phạm nghiêm trọng cũng không bị xử lý mạnh tay, dẫn tới HS coi thường quy định, dễ tái phạm. Thầy Tấn chia sẻ: “Thực tế, không có nhà trường, hay thầy cô nào muốn xử lý kỷ luật học sinh. Nên thường các quy định về kỷ luật chỉ có tính răn đe nhiều hơn là vận dụng xử lý. Dù vậy, vẫn cần có những quy định nghiêm khắc, giúp HS tự biết điều chỉnh bản thân.”.

Trao đổi với phóng viên, phần lớn GV ghi nhận những thay đổi tích cực của Dự thảo. Tuy nhiên, các thầy cô cũng bày tỏ sự e ngại về độ mạnh của chế tài xử lý. Thầy Lê Phương Nam, GV chủ nhiệm lớp 11A2, Trường THPT Trần Nguyên Hãn phân tích, việc nhắc nhở, phê bình HS trước tập thể khác hẳn với việc xỉ vả, xúc phạm các em. Trong một số trường hợp, đây cũng là cách giáo dục cho nhiều HS để các em nhận thức được sai phạm, có trách nhiệm với hành vi của mình. “Trong môi trường giáo dục, các biện pháp giáo dục bên cạnh tính nhân văn còn phải đủ sức răn đe mới phát huy được hiệu quả”, thầy Phương Nam nói.

Bài, ảnh: KHÁNH CHI

 
;
.