Ngoài các nguy cơ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa phương thì những năm gần đây nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước còn xuất phát từ phía các địa phương giáp ranh với BR-VT. Do đó, BR-VT đã phối hợp với các địa phương để triển khai các giải pháp bảo vệ nguồn nước.
Phía BR-VT thường xuyên phối hợp với tỉnh Đồng Nai kiểm tra các điểm có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt là các nguồn chảy về hồ Đá Đen. Trong ảnh: Các đơn vị chức năng tỉnh BR-VT kiểm tra phần giáp ranh với khu xử lý chất thải Thiên Phước (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai). |
KIỂM SOÁT CÁC NGUY CƠ Ô NHIỄM
Tháng 5/2017, Khu xử lý chất thải Thiên Phước, do Công ty TNHH thương mại Thiên Phước làm chủ đầu tư được đưa vào hoạt động, có diện tích 20ha tại ấp Cẩm Sơn, xã Xuân Mỹ, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai, nơi đầu nguồn suối Chà Răng. Con suối này chảy về suối Sông Xoài (TX. Phú Mỹ), sau đó đổ vào hồ Đá Đen. Khu xử lý chất thải Thiên Phước có một lò đốt chất thải nguy hại 24 tấn/ngày, một khu chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt 2.000m2, hệ thống xử lý nước rỉ rác (đang vận hành thử nghiệm) và một khu chôn lấp chất thải rắn. Những diễn biến trên cho thấy các vấn đề môi trường không giới hạn theo địa giới hành chính giữa các địa phương. Vì vậy, Sở TN-MT tỉnh BR-VT đã kiến nghị Bộ TN-MT không cấp phép cho chôn lấp chất thải rắn tại khu xử lý Thiên Phước, đề xuất chỉ cho phép xử lý chất thải rắn theo công nghệ đốt hiện đại, yêu cầu Công ty Thiên Phước bốc dỡ toàn bộ khối lượng chất thải rắn sinh hoạt đang chôn lấp tại đây để tránh nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến hồ Đá Đen.
Được biết, hồ Đá Đen có dung tích 34 triệu m3 nước, cung cấp nước sinh hoạt cho 90% hộ dân sinh sống trên địa bàn tỉnh BR-VT. Tỉnh ủy BR-VT đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận, công văn yêu cầu các cơ quan của tỉnh phải bảo vệ nghiêm ngặt hồ Đá Đen, tuyệt đối không để các nguồn nước thải chảy vào hồ. UBND tỉnh BR-VT cũng đã có nhiều cuộc khảo sát và làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai về Khu xử lý chất thải tập trung Thiên Phước nhằm ngăn ngừa nước thải từ khu xử lý rác này đổ về hồ Đá Đen. Theo ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT, đến nay, nguy cơ ô nhiễm từ Khu xử lý chất thải Thiên Phước cơ bản được kiểm soát. Cụ thể, khu xử lý này đã chặn các đường ống thoát nước mưa ra suối Chà Răng, nơi đầu nguồn nước dẫn về hồ Đá Đen...
Bên cạnh đó, ngày 22/11/2019, UBND tỉnh BR-VT và tỉnh Đồng Nai đã ký kết Quy chế phối hợp quản lý nhà nước về đất đai, bảo vệ môi trường, tài nguyên nước và tài nguyên khoáng sản vùng giáp ranh địa giới hành chính giữa hai tỉnh Đồng Nai và BR-VT. Trong đó, Điều 6 của Quy chế về phối hợp quản lý nhà nước về tài nguyên nước đã chỉ rõ: Đối với các loại hình dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, lưu lượng khai thác, xả thải lớn, có khả năng cạn kiệt tầng khai thác chung của khu vực liên vùng, ảnh hưởng đến sông, suối là nguồn cung cấp nước của 2 tỉnh thì phải trao đổi, lấy ý kiến của các địa phương chịu ảnh hưởng trước khi cấp phép.
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHỐI HỢP
Lưu vực sông Đồng Nai chảy qua 11 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, trong đó có BR-VT, cung cấp nước cho khoảng 17 triệu dân. Tuy nhiên, hệ thống sông Đồng Nai đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm bởi tình trạng nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt; dòng chảy bị nạo vét, lấn chiếm tràn lan và tình trạng nuôi cá bè, lấp sông gây ùn ứ chất thải. Theo báo cáo của Văn phòng Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, trong những năm qua, các bộ, ngành, BR-VT và địa phương có liên quan đã triển khai nhiều giải pháp tích cực, chủ động nhằm bảo vệ nguồn nước bằng các giải pháp như: Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, giúp nâng cao nhận thức cho người dân, DN; đầu tư hệ thống quan trắc, giám sát môi trường trên hệ thống sông Đồng Nai.
Tháng 5/2020, Sở TN-MT tỉnh BR-VT có Công văn số 2754/STNMT-BVMT gửi Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai về việc triển khai quy chế phối hợp vùng giáp ranh. Theo Sở TN-MT tỉnh BR-VT, đến nay, 2 tỉnh đã rà soát, thống kê, giám sát các nguồn thải thuộc quy mô cấp tỉnh quản lý vùng giáp ranh địa giới hành chính 2 tỉnh. Đồng thời trao đổi, lấy ý kiến trong việc phát triển mới các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đô thị, dân cư tập trung trong phạm vi lưu vực sông tại khu vực giáp ranh để được xem xét trong tổng thể toàn lưu vực, có tính đến các yếu tố dòng chảy, chế độ thủy văn, sức chịu tải, khả năng tự làm sạch của dòng sông; hiện trạng sản xuất kinh doanh, dịch vụ và phát triển đô thị trên toàn lưu vực… Phối hợp thực hiện chương trình quan trắc môi trường nước tại các sông suối chảy qua địa giới hành chính 2 tỉnh.
Phía tỉnh BR-VT đã lắp đặt, vận hành 6 Trạm quan trắc môi trường tự động tại các hồ cấp nước Đá Đen, Sông Ray, Sông Hỏa; tại hồ Châu Pha, An Hải và suối Sông Xoài (TX. Phú Mỹ) chảy về hồ Đá Đen để theo dõi nguồn nước phía thượng nguồn (nơi có Khu xử lý chất thải Thiên Phước). Hàng tháng 2 tỉnh chia sẻ thông tin về quan trắc chất lượng nước từ các báo cáo quan trắc, giám sát định kỳ trong phạm vi lưu vực sông tại khu vực giáp ranh. Đồng thời phối hợp thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch hoặc đột xuất đối với các hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh vùng giáp ranh…
Bài, ảnh: QUANG VŨ