Bác sĩ Hồ Sĩ Thông, Trưởng Khoa Khám bệnh - Cấp cứu, Bệnh viện Tâm thần tỉnh được biết đến là một trong những bác sĩ tận tâm, tận tụy với nghề, coi bệnh nhân như người thân để chăm sóc, điều trị đến nơi, đến chốn.
Bác sĩ Hồ Sĩ Thông dặn dò bệnh nhân sau khi khám bệnh. |
Sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Quân y TP. Hồ Chí Minh, anh về nhận công tác tại Bệnh viện Bà Rịa (Khoa cấp cứu). Trong quá trình công tác, anh Hồ Sĩ Thông được cử đi học, dần nâng cao trình độ chuyên môn. Năm 2009, anh chuyển về công tác tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh và tiếp tục được cử đi học định hướng chuyên khoa tâm thần tại Bệnh viện Tâm Thần Trung ương II, sau đó học tiếp Chuyên khoa I chuyên ngành Y học gia đình tại ĐH Y Dược Cần Thơ.
Vừa làm Trưởng khoa Khám bệnh - Cấp cứu, bác sĩ Thông còn kiêm nhiệm Trưởng Khoa Điều trị Nữ, quản lý, điều trị 50 bệnh nhân nội trú tại đây. Dù công việc bận rộn, vất vả, nhưng anh luôn tận tụy, mềm mỏng với bệnh nhân.
Bà Lê Thị Ân, huyện Xuyên Mộc chia sẻ “Tôi có con gái mắc bệnh tâm thần phân liệt gần 10 năm nay. Trước đây, tôi từng đưa cháu đi khám và điều trị ở nhiều nơi, song thực sự chưa có nơi nào bác sĩ lại quan tâm, chăm sóc bệnh nhân chu đáo như ở đây. Tại Khoa Điều trị Nữ, con tôi được các cán bộ y tế chăm sóc như người nhà, từ bữa ăn đến giấc ngủ… Riêng bác sĩ Thông không những thăm khám mà còn hỏi han, trò chuyện động viên tinh thần. Hy vọng với chuyên môn và tấm lòng của bác sĩ Thông cùng các các y bác sĩ tại đây, con gái tôi sẽ mau chóng khỏi bệnh”.
Theo bác sĩ Thông, điều trị cho bệnh nhân tâm thần là một nghệ thuật. “Các ống nghe, máy đo huyết áp, búa phản xạ… chỉ dùng để phát hiện bệnh lý đi kèm. Không có một máy móc, phương tiện nào để phụ giúp trong việc phát hiện bệnh lý tâm thần bởi các xét nghiệm có thể cho kết quả bình thường. Nếu ai thực hiện liệu pháp tâm lý không thành công thì sẽ làm chậm kết quả điều trị”, anh chia sẻ sự khác biệt về nghề nghiệp của mình.
Hơn 10 năm chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân tâm thần, có nhiều trường hợp được bác sĩ Thông chữa trị khỏi bệnh. Anh kể: “Đó là một bệnh nhân nữ, cũng đã ngoài 50 tuổi, gia đình sinh sống ở gần khu vực nhà tôi ở. Khi mới bị bệnh, gia đình đều nghĩ chị bị “ma hành” hoặc là bị “vong” nhập, nên không chịu đưa chị vào bệnh viện để thăm khám. Gia đình cúng bái khắp nơi… nhưng càng cúng, bệnh tình càng nghiêm trọng. Biết được căn bệnh của bệnh nhân, tôi đã đến tận nhà thuyết phục gia đình đưa bệnh nhân vào bệnh viện khám, điều trị. Hiện nay bệnh nhân đã khỏi bệnh, trở lại với cuộc sống bình thường và sau đó còn tự giác vào bệnh viện để tái khám và lấy thuốc uống thường xuyên.
“Còn gì vui hơn, hạnh phúc hơn khi người bệnh khỏi bệnh, trở về đoàn tụ với gia đình, hòa nhập với cộng đồng và trở thành những người có ích cho xã hội”, bác sĩ Thông nói.
Tuy công tác quản lý, điều hành, khám chữa bệnh rất bận rộn, nhưng bác sĩ Thông vẫn tích cực tham gia nghiên cứu khoa học. Từ năm 2015 đến nay, anh đã thực hiện thành công 3 đề tài nghiên cứu khoa học. Các đề tài này đã và đang được ứng dụng vào thực tế, góp phần nâng cao chất lượng điều trị bệnh cho bệnh nhân. Đó là các đề tài được đánh giá cao như: “Khảo sát sự tuân thủ rửa tay của nhân viên y tế tại Bệnh viện Tâm thần”; “Đặc điểm lâm sàng rối loạn lo âu điều trị tại Bệnh viện Tâm thần”; “Khảo sát tỷ lệ rối loạn tâm thần do sử dụng các chất dạng thuốc phiện điều trị nội trú tại Bệnh viện Tâm thần”. Và hiện nay anh đang thực hiện đề tài: “Đặc điểm rối loạn chuyển hóa trên bệnh nhân rối loạn tâm thần điều trị tại khoa Điều trị Nữ Bệnh viện Tâm thần”.
Bác sĩ Ngô Thành Phong, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần nhận xét: “Bác sĩ Hồ Sĩ Thông là người có trình độ chuyên môn, có năng lực công tác, hết lòng vì công việc, không quản khó khăn, cố gắng để chăm sóc sức khỏe bệnh nhân tốt nhất. Trong quá trình công tác, bác sĩ đã có nhiều ý kiến đóng góp phát triển cơ quan, đơn vị. Cá nhân bác sĩ Thông nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở”.
Bài, ảnh: MỸ DINH