Giúp việc gia đình là một nghề đã được quy định trong Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2012 và các quy định khác liên quan. Tuy nhiên, đến nay giúp việc gia đình vẫn chưa có trong chương trình đào tạo chính thức. Cùng với nguồn cung thiếu hụt thì nghề này cũng đang đặt ra cho xã hội nhiều vấn đề cần giải quyết.
Lao động giúp việc nhà cần được đào tạo để có kỹ năng làm việc chuyên nghiệp hơn. |
“TAY NGANG” VÀO NGHỀ
Một ngày làm việc của chị T.T.H. (47 tuổi) giúp việc cho gia đình chị L.Y.L (phường 3, TP.Vũng Tàu) bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Hết dọn dẹp, vệ sinh làm sạch nhà cửa, giặt quần áo rồi tới phụ sơ chế đồ ăn... tới trưa mọi người đi ngủ thì chị H. vẫn loay hoay dọn dẹp, rửa chén bát. Chị H. cho biết, chị làm giúp việc 17 năm nay với mức lương hiện tại 6 triệu đồng/tháng. “Tôi chủ yếu tự học hỏi, đúc rút kinh nghiệm chứ không qua trường lớp nào dạy cả. Từ dọn dẹp vệ sinh, sắp đặt các vật dụng trong nhà ngăn nắp thì tôi còn phải học sử dụng, thao tác các vật dụng hiện đại trong gia đình. Nhờ làm lâu, có kinh nghiệm, lại chịu khó, thật thà nên tôi được gia chủ quý mến, tin tưởng”, chị H. cho biết. Theo chị, đó cũng là lý do giữa chị và chủ nhà chỉ giao kết hợp đồng miệng chứ không có giấy tờ gì.
Không được đào tạo bài bản về kỹ năng trong khi nhu cầu lao động ở lĩnh vực này ngày càng tăng, dẫn tới xảy ra nhiều chuyện “dở khóc, dở cười” khi lao động không đáp ứng được yêu cầu gia chủ. Chị T.T.N (50 tuổi) đang làm giúp việc theo giờ trên địa bàn TP.Vũng Tàu cho biết, sau khi công việc bị cắt giảm vì ảnh hưởng dịch COVID-19 tại công ty du lịch, chị quyết định đi giúp việc nhà. Do chưa có kinh nghiệm trong việc vệ sinh đồ dùng, sử dụng thiết bị điện tử... nên chị không tránh khỏi làm hỏng tài sản của gia chủ.
Ông Nguyễn Trọng Huy, Phó Trưởng Phòng tư vấn việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết, hầu hết lao động giúp việc gia đình là phụ nữ và khoảng hơn 90% chưa được đào tạo.
Ông Huỳnh Việt Triều, Trưởng Phòng Quản lý giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐTBXH cho biết, giúp việc gia đình đã được pháp luật công nhận là nghề chuyên nghiệp và có chính sách bảo hộ, nên người lao động có quyền lợi và nghĩa vụ tương tự như các nghề khác. Song nhiều lao động giúp việc gia đình khi được hỏi về các quyền lợi như: giao kết hợp đồng lao động, hưởng BHXH... thì không hay biết. Người sử dụng lao động vì nhiều lý do cũng ít quan tâm đến việc ký kết hợp đồng lao động, nên công việc này vẫn mang tính chất mùa vụ, thiếu tính chuyên nghiệp. Tình trạng đó dẫn đến hệ quả là đa số lao động giúp việc gia đình chưa được hưởng các chính sách an sinh xã hội. Khi xảy ra tranh chấp giữa người lao động và người sử dụng lao động, các cơ quan chức năng thiếu căn cứ để giải quyết.
CẦN ĐÀO TẠO BÀI BẢN
Để có thể thích ứng với xu thế phát triển, đồng thời bảo đảm quyền lợi cho người lao động, một số đơn vị đã chủ động đào tạo nghề cho người lao động. Cụ thể, Trường TC Kỹ thuật Công nghệ Phước Lộc (TX.Phú Mỹ) là nơi đầu tiên đào tạo nghề quản gia và cung cấp lao động giúp việc chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nắm bắt nhu cầu thực tế của nghề này, trường đã xây dựng chương trình đào tạo nghề từ năm 2003. Mỗi năm, trường tổ chức đào tạo cho khoảng 35-40 lao động. Trong vòng 1 năm, học viên được đào tạo dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, chăm sóc em bé... và giới thiệu việc làm phù hợp.
Ông Trần Quang Liêm, Giám đốc Trường TC Kỹ thuật Công nghệ Phước Lộc cho biết: “Nhận thấy nhu cầu thực tế về nghề này, trường đã tìm hiểu và mời chuyên gia về triển khai đào tạo nghề quản gia. Việc đào tạo nhằm xây dựng một đội ngũ lao động giúp việc gia đình chuyên nghiệp, cung ứng cho thị trường lao động. Tuy vậy, lực lượng lao động qua đào tạo mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu thực tiễn. Ngoài thị trường BR-VT thì 70% gia chủ từ TP.Hồ Chí Minh hằng năm đều đặt hàng từ trước khi học viên tốt nghiệp”.
Thực tế, nhu cầu cần lao động giúp việc gia đình rất lớn nhưng cung không đủ cầu. Bà Phạm Thị Hảo, Giám đốc Công ty CP Nhà sạch Vũng Tàu (36, Huyền Trân Công Chúa, phường 8, TP.Vũng Tàu) cho biết: “Trung bình mỗi tháng, số lượng đăng ký tuyển dụng lao động tại Trung tâm lên đến hơn 50 người, nhưng Trung tâm chỉ có thể cung ứng được 50% nhu cầu. Đa số lao động đều được trung tâm tự tổ chức đào tạo, huấn luyện kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp”.
Ông Huỳnh Việt Triều cho biết, BR-VT đã triển khai thử nghiệm đào tạo nghề giúp việc cho lao động nông thôn nhưng không hiệu quả. Nguyên nhân do tâm lý, nhận thức về nghề này còn hạn chế. “Người lao động không muốn mất thời gian học nghề. Trong khi, để lao động làm được nghề này thì chương trình đào tạo lên tới 1.000 giờ. Hơn nữa, người lao động cũng không muốn ký kết ràng buộc hợp đồng lao động mà chỉ muốn làm tự do. Đó là những nguyên nhân rất khó để triển khai chương trình đào tạo nghề cho lao động giúp việc”.
Ông Huỳnh Việt Triều nhấn mạnh: “Nghề giúp việc gia đình cần được đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo chương trình thống nhất. Đây cũng là nghề nghiệp có tiềm năng giải quyết việc làm cho lao động thiếu việc làm, nhất là lao động nữ vùng nông thôn hiện nay. Do đó, ngành, nghề đặc thù này cần nhận được sự quan tâm nhiều hơn của các cấp, các ngành chức năng”.
Bài, ảnh: NHÃ UYÊN