Diễn đàn “Lắng nghe trẻ em nói” năm 2020 được tổ chức theo hình thức mới, giúp trẻ em được chia sẻ nhiều hơn về những băn khoăn trong cuộc sống và học tập…
Các em đội Vũng Tàu 2 trình bày quan điểm về bạo lực học đường, bạo lực trong gia đình. |
Diễn đàn do Tỉnh Đoàn phối hợp Sở LĐTBXH tổ chức cuối tuần qua. 240 thiếu nhi đại diện các địa phương trong toàn tỉnh tham dự. Diễn đàn năm nay được thiết kế như một sân chơi. Các em được chia thành 8 đội thi, trình bày quan điểm về các nhóm vấn đề: bệnh thành tích trong học tập và thi cử; bạo lực trẻ em; vấn nạn xâm hại trẻ em - cách phòng chống… Đại diện của các đội thi sẽ nêu suy nghĩ về các vấn đề và các đội thi khác sẽ cùng trao đổi, tranh luận. Theo cách như vậy, các vấn đề được bàn luận sôi nổi, được “mổ xẻ” đa góc cạnh bằng suy nghĩ chân thật của trẻ thơ.
Nêu ý kiến tại diễn đàn về áp lực học tập và sự thiếu hụt về kỹ năng sống, em Lương Bảo Thy, HS lớp 8A1, Trường THCS Võ Văn Kiệt (phường Phú Mỹ, TX. Phú Mỹ) cho rằng: “Chính người lớn, với cách suy nghĩ bao bọc đã làm nhiều bạn cùng trang lứa không có được những kỹ năng sống cần thiết”. “Vì sao, có bạn đã học đến lớp 8 vẫn không biết phụ ba mẹ việc nhà, bởi toàn bộ thời gian là học. Mọi việc đã có ba mẹ lo toan nên bạn ấy sinh ra thói thụ động và ỷ lại. Em nghĩ, đây là chuyện người lớn nên suy nghĩ lại. Và cũng đừng gây áp lực cho chúng em về điểm số ở trường”, Thy nói.
Các em thiếu nhi tham gia trò chơi vận động tại Hội trại kỹ năng do Nhà thiếu nhi tỉnh tổ chức, ngày 20/9. |
Chia sẻ của Thy ngay lập tức nhận được sự hưởng ứng của Võ Nguyễn Anh Thư (lớp 8A1, Trường THCS Phan Bội Châu, thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức). Thy còn cho rằng, chính áp lực về thành tích nên ở lứa tuổi các em đã phải học quá nhiều. “Đừng tạo áp lực cho chúng con. Chúng con gần như không có thời gian để vui chơi, giải trí. Người lớn phần nhiều chỉ quan tâm làm thế nào để các con học giỏi hết các môn, con của mình liệu có học giỏi như các bạn trong lớp không… Tất cả những điều đó tạo nên áp lực”, Thư phân tích.
Cũng tại diễn đàn, nhiều HS đã tự thấy được những ảnh hưởng lớn đến từ việc sử dụng quá nhiều điện thoại. Tkachev Timur (mẹ là người Việt, cha là người Nga, HS lớp 8/8, Trường THCS Duy Tân, TP. Vũng Tàu) chia sẻ, phần lớn các bạn trong lớp đều có điện thoại riêng. Nhiều bạn dường như quá đam mê với mạng xã hội. Khi tham gia các buổi sinh hoạt chung, các bạn chỉ chăm chú bấm điện thoại, không quan tâm người xung quanh, thậm chí có bạn mê thế giới ảo dẫn đến học hành sa sút. “HS dùng mạng xã hội không xấu nhưng các bạn nên dùng ở mức độ vừa phải. Và chuyện này, chỉ khuyên can của ba mẹ là chưa đủ đâu”, Tkachev Timur lưu ý các bậc cha mẹ ngoài những khuyến cáo cần có cách quản lý phù hợp.
Những ý kiến của các em cho thấy, trẻ em chỉ phát triển một cách toàn diện khi có sự đồng hành hỗ trợ từ nhà trường, gia đình và xã hội. Cha mẹ cần lắng nghe con, làm bạn với con. Nhà trường cần thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa lồng ghép các chương trình dạy kỹ năng sống, cung cấp cho HS kiến thức cơ bản về quyền của trẻ em, không tạo áp lực trong học tập để các em thỏa sức sáng tạo, vui chơi đúng với lứa tuổi của mình. Các cơ quan Nhà nước cần có thái độ quyết liệt, giúp đỡ, bảo vệ trẻ em, tạo nên hệ sinh thái an toàn cho các em phát triển toàn diện về thể chất, nhân cách và trí tuệ.
(Tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A, Trường CĐ Sư phạm Trung ương TP. Hồ Chí Minh)
|
Anh Lê Văn Minh, Bí thư Tỉnh Đoàn cho rằng, những suy nghĩ mà các em đưa ra tại diễn đàn rất đáng lưu tâm. Đây đều là những vấn đề “nóng”, đã được xã hội cảnh báo nhiều, nhưng không phải lúc nào người lớn cũng được nghe chính các em nói ra...
Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH