Chia sẻ, nhân rộng thành tựu y khoa

Chủ Nhật, 25/10/2020, 17:34 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 24/10, Bệnh viện Lê Lợi tổ chức Hội nghị Khoa học kỹ thuật năm 2020. Hội nghị thu hút 250 bác sĩ, nhân viên y tế đến từ các bệnh viện ở BR-VT, TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực phía Nam. Tại hội nghị, nhiều đề tài chuyên sâu, kỹ thuật tiên tiến và sáng kiến trong công tác chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân đã được giới thiệu.

Hội nghị Khoa học kỹ thuật là cơ hội để bác sĩ, nhân viên y tế trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong áp dụng các sáng kiến,  kỹ thuật mới vào công tác chuyên môn. Trong ảnh: Nhân viên y tế Bệnh viện Lê Lợi cấp cứu bệnh nhân.
Hội nghị Khoa học kỹ thuật là cơ hội để bác sĩ, nhân viên y tế trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong áp dụng các sáng kiến, kỹ thuật mới vào công tác chuyên môn. Trong ảnh: Nhân viên y tế Bệnh viện Lê Lợi cấp cứu bệnh nhân.

ỨNG DỤNG THÀNH CÔNG NHIỀU KỸ THUẬT

Bác sĩ Nguyễn Văn Bình, Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp (Bệnh viện Lê Lợi) đã giới thiệu đến các đại biểu về những kết quả của kỹ thuật phẫu thuật nội soi khâu lỗ thủng dạ dày - tá tràng. Kết quả này được đánh giá dựa trên 9 bệnh nhân bị thủng ổ loét dạ dày - tá tràng được phẫu thuật nội soi tại Bệnh viện Lê Lợi từ tháng 1/2018 đến tháng 1/2020. Bệnh nhân được đặt Sonde dạ dày và làm các xét nghiệm tiền phẫu cấp cứu, gây mê. Bệnh nhân được đặt ở tư thế nằm ngửa, đầu cao, nghiêng trái nhẹ. 

“Kỹ thuật này đã mang lại hiệu quả cao và an toàn. Bệnh nhân không bị tai biến hay các biến chứng sau mổ; không có trường hợp nào mổ lại hay tử vong; thời gian mổ trung bình 45 đến 90 phút; thời gian nằm viện 5 - 15 ngày. Phương pháp này còn cho kết quả điều trị tốt, thời gian nằm viện và hồi phục sức khỏe cho bệnh nhân ngắn và có tính thẩm mỹ cao”, bác sĩ Nguyễn Văn Bình cho hay.

Cử nhân Nguyễn Trọng Hiệp, Phó Trưởng Khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức (Bệnh viện Lê Lợi) cho biết, trong phẫu thuật nội soi, phương pháp gây mê nội khí quản thường được sử dụng nhất, bởi kiểm soát chắc chắn đường hô hấp, tránh nguy cơ trào ngược trong phẫu thuật. Song phương pháp này có các nhược điểm như: rối loạn huyết động trong khi đặt và rút ống, có thể bị tổn thương dây thanh âm, đau họng hậu phẫu. 

Năm 1981, mặt nạ thanh quản (MNTQ) ra đời và sử dụng lần đầu tiên do bác sĩ người Anh thực hiện. MNTQ có ưu điểm dễ đặt, ít xâm lấn, ít tổn thương hầu họng và thanh quản, ít rối loạn huyết động so với ống đặt nội khí quản trong phẫu thuật nội soi viêm ruột thừa. Ngày nay, với sự phát triển của khoa học ứng dụng, MNTQ Proseal là một trong những loại mặt nạ đạt nhiều tiêu chuẩn như đáp ứng kiểm soát thông khí tốt hơn, chịu áp lực cao khi thông khí áp lực dương và tách đường thở với đường tiêu hóa. Hiện phương pháp gây mê bằng MNTQ Proseal trong phẫu thuật nội soi cho các bệnh lý khác nhau đã được nhiều bệnh viện tuyến trên tại TP.Hồ Chí Minh thực hiện và cho kết quả cao. 

Do đó, Bệnh viện Lê Lợi đã tiến hành thực hiện phương pháp gây mê với MNTQ Proseal trong phẫu thuật nội soi ruột thừa. Bệnh viện tiến hành nghiên cứu trên 27 bệnh nhân được mổ nội soi cắt ruột thừa có sử dụng MNTQ tại Khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức từ tháng 2 đến tháng 10/2020. Kết quả, 100% ca gây mê MNTQ đều thành công, không có ca nào bị tắc nghẽn đường hô hấp; không có ca trào ngược, nôn ói; không có ca đau họng, khàn tiếng sau mổ; chỉ có 2 ca tổn thương họng nhẹ. “MNTQ Proseal là phương pháp gây mê đơn giản, dễ thực hiện, không cần đèn soi thanh quản, có tính an toàn, tỷ lệ thành công cao”, cử nhân Trọng Hiệp nói thêm.

 

 

Tại hội nghị, có 13 đề tài, báo cáo được trình bày, trong đó có 6 báo cáo của các bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện Lê Lợi. Trong số đó, có nhiều đề tài có tính ứng dụng, mang lại hiệu quả cao khi áp dụng trong công tác chuyên môn như: Mối liên quan của trị số áp lực ổ bụng  với mức độ tổn thương cơ quan ở bệnh nhân viêm tụy cấp nặng; nghiên cứu giá trị chụp cắt lớp vi tính trong chẩn đoán viêm ruột thừa; kiến thức thực hành an toàn phản vệ khi thực hiện kỹ thuật tiêm của điều dưỡng; uốn ván với khởi phát liệt dây thần kinh số VII - báo cáo ca lâm sàng và tổng hợp từ y văn...

NHIỀU ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU CHUYÊN SÂU 

Hội nghị còn có sự góp mặt của giáo sư, bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam - chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực ung thư. Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng đã chia sẻ phương pháp làm nhẹ gánh nặng ung thư. Đây là một trong những đề tài chuyên sâu được ông nghiên cứu và in thành sách. Theo bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng, ngày nay y học tiến bộ vượt bậc trong hiểu biết căn bệnh, nguyên nhân gây bệnh và cách phòng ngừa, xử lý bệnh ung thư. Các yếu tố nguy cơ gây ung thư liên quan đến hút thuốc lá, béo phì, ít vận động, uống rượu, bệnh nhiễm, bức xạ, dinh dưỡng, ô nhiễm môi trường… Hiện có hơn 100 loại ung thư, mỗi loại có những biểu hiện khác nhau, nhưng điểm chung là có các triệu chứng báo động ung thư như: xuất hiện cục u ở vú hoặc nơi nào đó; ăn không tiêu, khó nuốt; ho dai dẳng, khàn tiếng; chỗ lở loét không chịu lành; tiêu chảy, táo bón; tiểu nhiều lần, tiểu khó; suy nhược cơ thể, sụt cân, không thèm ăn. 

Do vậy, để giảm gánh nặng ung thư, giáo sư Nguyễn Chấn Hùng cho rằng cần phải phòng ngừa các nguy cơ nêu trên. Nếu phòng ngừa tốt có thể giảm 40% các ung thư. Tiến hành tầm soát để rà tìm, phát hiện bệnh sớm một số loại ung thư chưa có triệu chứng. Đối với phụ nữ cần tầm soát cổ tử cung, tuyến vú, tuyến giáp; đàn ông thì phổi và tuyến tiền liệt. Ngày nay, y học đã có “mắt thần” nhìn sâu nhìn suốt qua nội soi, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm máu, chẩn đoán phân tử và bệnh học để xác định bệnh ung thư. Hiện có nhiều phương pháp điều trị ung thư, gồm: phẫu trị, xạ trị, hóa trị, liệu pháp nội tiết, ghép tủy xương, sinh trị. 

“Chiến lược phòng chống ung thư cần có phòng ngừa để không gây bệnh, phát hiện sớm để chữa trị lành bệnh và chăm sóc giảm nhẹ đối với bệnh nhân phát hiện bệnh trễ, không còn cơ hội chữa trị”, bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng nhấn mạnh.

Ở lĩnh vực khác, PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên, Chủ nhiệm bộ môn Nhi, đại diện nhóm nghiên cứu đến Trường ĐH Y Dược TP.Hồ Chí Minh cho rằng, tình trạng sốc nhiễm khuẩn ở trẻ em Việt Nam còn rất nhiều, tuy nhiên chưa có công trình nào nghiên cứu về vấn đề này. Do vậy, nhóm nghiên cứu của trường đã tiến hành khảo sát nồng độ Albumin máu ở trẻ sốc nhiễm khuẩn được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1. 

Hội nghị Khoa học kỹ thuật năm 2020 là hoạt động thường niên được Bệnh viện Lê Lợi tổ chức hàng năm. Đây là dịp để các bác sĩ chia sẻ những thành tựu trong công tác nghiên cứu khoa học của các bệnh viện trong lĩnh vực y khoa; đồng thời còn là cơ hội để đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện Lê Lợi giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm áp dụng các sáng kiến của các bệnh viện bạn vào công tác chuyên môn nhằm mang lại lợi ích trong điều trị và chăm sóc sức khỏe cho người bệnh. 
(Bác sĩ Nguyễn Thanh Phước, Giám đốc Bệnh viện Lê Lợi)

Theo đó, nhóm tiến hành nghiên cứu, mô tả 45 trẻ sốc nhiễm khuẩn theo tiêu chuẩn của Hội Hồi sức tích cực Mỹ, được điều trị từ tháng 9/2017 đến 6/2018, có độ tuổi trung bình 44,2 tháng, trong đó trẻ em nam chiếm 57,8%. Qua nghiên cứu cho kết quả, nồng độ Albumin máu trung bình tại thời điểm 0 giờ, 6 giờ, 24 giờ lần lượt là 2,4 g/dl; 2,3g/dl và 2,3 g/dl. Điểm cắt nồng độ Albumin máu có thể ảnh hưởng đến Albumin máu đo tại thời điểm 0 giờ, 24 giờ là 2,6 g/dl và 2,3 g/dl. Tỷ lệ tử vong ở nhóm Albumin máu <2,6 g/dl cao hơn nhóm Albumin máu >2,6 g/dl. Thời gian dùng vận mạch ở nhóm Albumin thấp dài hơn nhóm Albumin thông thường 2 ngày. 

PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên khẳng định: “Albumin máu giảm trong sốc nhiễm khuẩn do thất thoát ra gian bào, suy gan và bù dịch. Giảm Albumin máu ảnh hưởng tiên lượng của trẻ bị sốc nhiễm khuẩn. Albumin máu thấp có thể là yếu tố làm tăng nguy cơ tử vong ở trẻ bị sốc nhiễm khuẩn”.

Nghiên cứu nhằm hỗ trợ bác sĩ xác định ngưỡng Albumin thấp đến mức nào để bổ sung cho trẻ, giúp điều trị bệnh cho trẻ đạt hiệu quả cao hơn. 

Bài, ảnh: TUỆ LÂM

 
;
.