Cảnh báo nạn quấy rối tổng đài 114

Chủ Nhật, 11/10/2020, 18:32 [GMT+7]
In bài này
.

Chỉ cần để sót một tin báo cháy thật thì hậu quả khôn lường, thế nhưng tổng đài 114 - Công an tỉnh lại đang bị các cuộc gọi rác quấy rối, chọc phá, trong đó không ít cuộc gọi báo cháy giả. Việc làm này không chỉ vi phạm pháp luật mà có thể gây ra hậu quả khôn lường, thiệt hại đến công tác PCCC.

Cán bộ trực Tổng đài 114 thuộc Phòng PC07-Công an tỉnh.
Cán bộ trực Tổng đài 114 thuộc Phòng PC07-Công an tỉnh.

Theo cán bộ trực Tổng đài 114 (số điện thoại khẩn cấp về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của Cảnh sát PCCC và CNCH), các cuộc gọi chọc phá, gọi nhầm diễn ra nhiều nhất từ 22 giờ đến 24 giờ hằng ngày. Trung sỹ Bùi Thiện Phú, đã 2 năm trực Tổng đài 114 cho hay, rất nhiều cuộc gọi đến Tổng đài 114 không phải là tin báo cháy. Nhấc máy lên chỉ nghe tiếng cười khúc khích hoặc im lặng. Thậm chí, có người gọi đến chỉ để “tâm sự lúc nửa đêm”.

“Trong các trường hợp gọi báo cháy, nếu cán bộ trực nghi ngờ là báo cháy giả sẽ dùng một số câu hỏi nghiệp vụ xác minh nhanh. Thông thường các vụ cháy thật sẽ có nhiều cuộc gọi báo cháy cùng lúc, giọng hốt hoảng, xung quanh có nhiều tiếng la hét. Còn báo tin cháy giả thường nói với giọng cười cợt, thông tin không cụ thể, rõ ràng về địa điểm xảy ra cháy”, Thượng sỹ Phú phân biệt rành rẽ.

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tham gia chữa cháy rừng phi lao tại phường 10, TP.Vũng Tàu.
Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tham gia chữa cháy rừng phi lao tại phường 10, TP.Vũng Tàu.

Còn Hạ sĩ Phạm Ngọc Khải, cán bộ trực Tổng đài 114 kể: Cách đây 2 tháng, một người liên tục gọi đến Tổng đài 114 báo có vụ cháy nhà trong hẻm 888 đường 30/4, phường 11, TP.Vũng Tàu. Khi cán bộ trực hỏi số nhà thì người này không cung cấp địa chỉ cụ thể mà huyên thuyên đủ thứ chuyện. “Dù báo cháy nhưng người gọi tới đầu số 114 không có thái độ khẩn trương mà cố tình quấy phá. Khi tôi nhắc nhở sẽ báo công an địa phương xác minh, xử lý thì người này vội vàng cúp máy”, hạ sĩ Khải kể. 

Tin báo cháy giả là hành vi hết sức nguy hiểm bởi các cuộc gọi đến Tổng đài sẽ chiếm dụng đường dây. Dẫn đến tổng đài không thể tiếp nhận được những cuộc báo cháy thật để có phương án chữa cháy kịp thời. Do đó, những cá nhân có hành vi báo cháy giả, gọi điện quấy nhiễu Tổng đài 114 là trực tiếp gây cản trở đến thông tin báo cháy.

Thượng tá Nguyễn Ngọc Phi, Trưởng phòng PC07 cho biết, thời gian tới, PC07 sẽ phối hợp với các nhà mạng để tìm ra phương án xử lý các cuộc gọi đến Tổng đài 114 mà không liên quan đến việc báo cháy. “Chúng tôi cho rằng, để hạn chế tình trạng vi phạm cũng như tái phạm, cần điều chỉnh mức xử phạt đối với những trường hợp cố tình quấy rối, báo tin cháy giả. Các trường hợp tái phạm nhiều lần, mức độ nghiêm trọng thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự”, Thượng tá Nguyễn Ngọc Phi đề xuất.

Hành vi gọi điện báo cháy giả sẽ bị xử phạt hành chính theo Khoản 3, Điều 40 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013, của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; PCCC; phòng, chống bạo lực gia đình. Theo đó phạt tiền từ 2-5 triệu đồng đối với cá nhân và 4-10 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi báo cháy giả, không báo cháy hoặc ngăn cản, gây cản trở việc thông tin báo cháy.

Bài, ảnh: SƠN KHÊ

;
.