Vỡ bàng quang, vỡ lá lách do đường trơn, do áo mưa cuốn vào bánh xe gây tai nạn xe máy không hiếm gặp trong mùa mưa. Đây đều là những tình huống cần phải can thiệp phẫu thuật kịp thời. Tuy vậy, do chấn thương gây vỡ tạng kín, không phải ai cũng sớm nhận biết các chấn thương nguy hiểm này để đến bệnh viện sớm.
Phẫu thuật nội soi cho bệnh nhân tại bệnh viện Bình Dân (TP.HCM). |
VỠ LÁCH SAU TNGT DO ÁO MƯA CUỐN VÀO BÁNH XE MÁY
Để kịp thời cứu tính mạng của ông L.H.H (35 tuổi, Đồng Nai), các bác sĩ trực cấp cứu của BV.Bình Dân đã phẫu thuật cắt bỏ lách của nạn nhân khi toàn bộ lá lách đã vỡ hoàn toàn khiến máu chảy nhiều trong ổ bụng, ngăn chặn nguy cơ sốc mất máu.
Kể về tai nạn của mình, ông H. cho biết: Ông chở vợ và con trai đi khám bệnh tại TP.HCM, trên đường về gặp mưa nên cả gia đình quyết định mặc áo mưa và tiếp tục chạy về nhà. Vừa chạy thêm được một đoạn thì áo mưa vướng vào bánh khiến ông mất tay lái, ngã đập ngực và sườn trái xuống lề đường. Rất may, vợ và con ông đều an toàn. Bản thân ông cũng chỉ bị đau ê ẩm, hầu như không có trầy xước, không có vết thương chảy máu. Ông tiếp tục điều khiển xe máy đưa vợ con về nhà. Tuy nhiên, cảm giác đau ê ẩm tăng dần, và đến nửa đêm ông H. đã phải đi cấp cứu tại BV.Bình Dân vì đau đớn.
Ông không thể ngờ rằng tai nạn lại khiến ông phải cắt bỏ đi lá lách, cơ quan có chức năng miễn dịch, bảo vệ cơ thể và tạo máu, lọc máu để loại bỏ vi trùng và ký sinh trùng cùng các tác nhân gây viêm nhiễm khác.
Ngay khi thăm khám lâm sàng, các bác sĩ trực cấp cứu đã nghi ngờ ông H. bị tổn thương lách. Kết quả X quang bụng cho thấy có dịch trong ổ bụng, siêu âm bụng và MS-CT Scan bụng phát hiện lách đã vỡ hoàn toàn và dịch trong ổ bụng lượng nhiều đã khẳng định chẩn đoán. Với tình trạng huyết động học đang có những dấu hiệu cho thấy có chảy máu trong, các bác sĩ khẩn trương phẫu thuật mở cắt bỏ toàn bộ lá lách, chặn đứng tình trạng máu ồ ạt ổ bụng và giữ an toàn tính mạng.
Ca phẫu thuật được tiến hành lúc 4 giờ sáng với kíp mổ gồm các bác sĩ ngoại tổng quát BV.Bình Dân trong khoảng 1 giờ đồng hồ đã cứu tính mạng bệnh nhân. Với lượng máu chảy trong ổ bụng lên tới 1500ml, bệnh nhân H. đã được truyền tổng cộng 2 đơn vị máu trong lúc phẫu thuật.
ThS. BS Dương Bá Lập, Phó trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa, BV.Bình Dân cho biết: Với tình trạng như bệnh nhân H. đòi hỏi ê kíp phẫu thuật có kinh nghiệm để tránh việc gây tổn thương các tạng lân cận, đặc biệt là vùng đuôi tụy nối với cuống lách trong thao tác phẫu thuật do phẫu thuật cắt lách cấp cứu thường diễn ra trong tình trạng mô lách dập nát, máu xòa ra phẫu trường, gây khó khăn trong xác định ranh giới với các tạng xung quanh. Đồng thời, gây mê hồi sức kinh nghiệm cũng đóng vai trò rất quan trọng vì người bệnh đang chảy máu lượng nhiều, cần nhanh chóng bồi hoàn lượng máu mất cho người bệnh và ngăn chặn các diễn tiến xấu của tình trạng sốc mất máu xảy ra.
Khi đã cắt bỏ lách, người bệnh dễ bị viêm, nhiễm trùng hơn bình thường. Để hạn chế nguy cơ viêm, nhiễm trùng, các bác sĩ BV.Bình Dân khuyến cáo bệnh nhân đã bình phục sau cắt lách nên tiêm vaccine phế cầu (Streptococcus pneumoniae) và tiêm nhắc lại mỗi 5 năm.
VỠ BÀNG QUANG VÌ NGÃ XE SAU TIỆC RƯỢU ĐÊM MƯA
Ca phẫu thuật nội soi cấp cứu diễn ra trong 2 giờ đã giúp khâu lại vết rách dài hơn 6cm ở bàng quang và dẫn lưu hơn 3 lít dịch trong ổ bụng cho ông M.X.C (24 tuổi, Cần Giờ, TP.HCM). Ông C. đã gặp tai nạn do không làm chủ được tay lái sau khi tham dự buổi tiệc rượu nên đã tự ngã xe máy trong đêm mưa.
Sau ngã xe, ông đứng dậy tự kiểm tra chân tay và không phát hiện vết thương hở nào chảy máu, vài vết trầy nhẹ ở tay không đáng kể, chỉ hơi ê ê vùng bụng dưới nên chạy xe tiếp về nhà ngủ sớm. Ngày hôm sau, ông bắt đầu thấy đau bụng dữ dội, bí tiểu, có vết máu ở miệng niệu đạo. Đến chiều cùng ngày, ông được đưa đến một bệnh viện tuyến huyện khám rồi nhanh chóng được chuyển đến BV.Bình Dân trong tình trạng đau vùng hạ vị, bụng chướng căng, sốt cao…
Tại BV.Bình Dân, kết quả siêu âm của ông C. cho thấy ổ bụng có nhiều dịch, CT Scan vùng chậu có cản quang phát hiện vết rách bàng quang dài hơn 6cm, chất cản quang thoát từ bàng quang đã vỡ vào khoang bụng. Ê kíp các bác sĩ niệu khoa trực cấp cứu xác định bệnh nhân bị vỡ bàng quang trong phúc mạc và khẩn trương phẫu thuật nội soi để ngăn chặn viêm phúc mạc diễn tiến nặng dẫn tới nhiễm trùng máu gây nguy hiểm tính mạng người bệnh.
Sau phẫu thuật 1 tuần, ông C. đã hồi phục, các kết quả kiểm tra cho thấy tổn thương bàng quang đã lành tốt, ông đã có thể thực hiện các sinh hoạt bình thường và xuất viện.
Lưu ý cho người bệnh bị chấn thương bụng kín
* Người bệnh khó đánh giá được chấn thương bụng kín do không nhìn thấy thương tổn bằng mắt. Chấn thương bụng có nguy cơ gây mất máu nặng và nhiễm trùng. Chấn thương các tạng đặc như gan, lách, tụy khiến người bệnh sốc mất máu. Chấn thương tạng rỗng như dạ dày, ruột, bàng quang hoặc các thương tổn phối hợp khác thường gây viêm phúc mạc dẫn tới sốc nhiễm trùng nếu không được điều trị kịp thời.
* Khi gặp chấn thương bụng kín, người bị nạn cần đến các bệnh viện để kiểm tra các tổn thương bên trong ổ bụng để xử trí kịp thời.
Việc chẩn đoán có thể dựa vào xét nghiệm máu, siêu âm, X-quang, CT scan, thám sát, rửa ổ bụng…
Các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp bao gồm:
- Đau bụng, nhạy đau.
- Bụng cứng khi chạm vào, bầm tím ở bên ngoài bụng.
- Buồn nôn.
- Có máu trong nước tiểu.
|
ThS.BS Lê Nguyễn Minh Hoàng, Khoa Tiết niệu, BV.Bình Dân cho biết: Phẫu thuật nội soi khâu bàng quang là phẫu thuật ít xâm lấn, tránh cho người bệnh khỏi nguy cơ phải chịu đựng một cuộc phẫu thuật mở bụng với đường mổ lớn, thời gian lành thương lâu và nhiều nguy cơ tai biến đi kèm. Phẫu thuật này cũng cho phép thám sát ổ bụng hiệu quả, tránh bỏ các tổn thương khác trong ổ bụng.
Các bác sĩ khuyến cáo người đi xe máy, đặc biệt là xe máy trong mùa mưa cần đặc biệt cẩn trọng, tránh những tai nạn đáng tiếc do vạt áo mưa lòa xòa dễ cuốn vào bánh xe hoặc điều khiển xe trong lúc trời mưa lớn gây hạn chế tầm nhìn, đường trơn hoặc điều khiển xe khi không tỉnh táo.
TRẦN NHUNG