XÃ BÌNH CHÂU, HUYỆN XUYÊN MỘC

"Đổi đời" nhờ phát huy hiệu quả nguồn vốn

Thứ Năm, 17/09/2020, 20:00 [GMT+7]
In bài này
.

Tại xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc nhiều năm qua đã triển khai hiệu quả nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân, vốn tín dụng chính sách gắn với tiềm năng, thế mạnh sản xuất của địa phương. Nhờ có vốn và được hướng dẫn cách làm kinh tế, nhiều hộ nông dân vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ông Lâm Quang Long (ấp Bình Tiến, xã Bình Châu) khá lên từ mô hình nuôi nai lấy nhung, với mức thu nhập mỗi năm khoảng 300 triệu đồng.
Ông Lâm Quang Long (ấp Bình Tiến, xã Bình Châu) khá lên từ mô hình nuôi nai lấy nhung, với mức thu nhập mỗi năm khoảng 300 triệu đồng.

Sau khi đến tận các cơ sở nuôi lươn giống tại các tỉnh miền Tây, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi lươn do Hội Nông dân xã, huyện tổ chức, đầu năm 2018, ông Nguyễn Văn Lợi, ấp Thèo Nèo, xã Bình Châu quyết định đầu tư nuôi lươn sinh sản trên diện tích 1.000m2 ngay trong vườn nhà. Từ các nguồn vốn vay ưu đãi, ông Lợi đầu tư gần 200 triệu đồng xây bể lắng, lọc nước, máy bơm, hồ nuôi lươn giống và lươn thương phẩm. Bước đầu ông đã thành công với mô hình nhân giống lươn đồng, thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.

“Hiện tôi đang ươm hơn 500kg lươn bột, khoảng 2 tháng nữa là có thể xuất bán, nhiều hộ dân trong xã đã đến đặt cọc tiền trước để mua lươn con về nuôi. Sắp tới tôi sẽ mở rộng thêm 1.000m2 ao nuôi lươn sinh sản để cung cấp lươn giống cho bà con trong vùng”, ông Lợi thông tin thêm.

Ông Lâm Quang Long, chủ trại nuôi nai Ba Long, ấp Bình Tiến cũng “đổi đời” nhờ mô hình này. Năm 2013, ông bắt đầu mày mò tìm hiểu về kỹ thuật nuôi nai qua mạng Internet, sách, báo và thực tế các hộ đang nuôi nai ở các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình… Sau đó, ông gom góp số vốn 200 triệu đồng từ gia đình và vốn vay ưu đãi để mua 5 con nai từ xã Hòa Bình về nuôi. Từ hộ chăn nuôi nai nhỏ lẻ năm nào, hiện nay ông Lâm Quang Long đã phát triển thành cơ sở nuôi nai Ba Long, thu hút rất nhiều khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, tiêu thụ sản phẩm. Nhờ nuôi nai mà từ một hộ cận nghèo, gia đình ông Long đã có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo. Hiện cơ sở nuôi nai Ba Long có 16 con nai, trong đó 14 con nai đang cho thu hoạch nhung, 2 con nai sinh sản. Nai trưởng thành cho thu hoạch từ 3-4kg nhung/năm, giá bán 14 triệu đồng/kg. “3 năm trở lại đây, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình tôi thu lãi khoảng 300 triệu đồng từ bán nhung nai. Tôi vừa mới xây được căn nhà mới khang trang gần 1 tỷ đồng, con cháu có điều kiện học tập, có việc làm ổn định”, ông Long vui vẻ nói.

Theo UBND xã Bình Châu, nuôi nai lấy nhung, nuôi lươn sinh sản, nuôi ong Dú… là những mô hình phát triển kinh tế hộ gắn với du lịch đã và đang phát huy hiệu quả tại địa bàn xã. Nếu như đầu năm 2016, Bình Châu có hộ nghèo chiếm tỷ lệ khá cao, thì nay giảm xuống chỉ còn dưới 1%; thu nhập bình quân đầu người hơn 50 triệu đồng/năm. Để đạt kết quả đó, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể địa phương đã quan tâm, tập trung các nguồn lực và đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ người dân phát triển kinh tế.

Cùng với đó, Hội Nông dân các cấp đã tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho hàng ngàn lượt hội viên nông dân tham gia; phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện xét duyệt cho 646 hộ vay với tổng số tiền gần 17 tỷ đồng. Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp đã giải ngân 3 dự án (nuôi bò sinh sản, đánh bắt hải sản và nuôi nai lấy nhung), với số tiền gần 1 tỷ đồng. Các mô hình mới không chỉ tăng năng suất, chất lượng nông sản mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho các hộ gia đình.

Ông Đinh Văn Dậu, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu, hiện địa phương đã hình thành vùng cây ăn trái tập trung khoảng 700ha gắn với phát triển dịch vụ, du lịch. Song song đó, xã còn phối hợp với các cơ quan chức năng giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp. Nhờ đó, các sản phẩm của Bình Châu như nhung nai, xoài, nhãn xuồng cơm vàng, dưa lưới… ngày càng được nhiều người biết đến, góp phần giúp người dân nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

“Giai đoạn 2016-2020, từ nguồn ngân sách Nhà nước và xã hội hóa, nhiều dự án về kết cấu hạ tầng cơ sở như: điện, đường, trường, trạm, công trình thủy lợi, nước sinh hoạt... đã làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn, là tiền đề quan trọng để Đảng bộ và nhân dân xã Bình Châu phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng xã đạt chuẩn NTM trong nhiệm kỳ 2020-2025”, ông Đinh Văn Dậu nói thêm.

Bài, ảnh: TRẦN THANH HẢI

;
.