TRUNG TÂM XÃ HỘI TỈNH

Học và làm theo Bác để lan tỏa tình yêu thương

Thứ Hai, 07/09/2020, 19:25 [GMT+7]
In bài này
.

Với phương châm “nói đi đôi với làm”, thời gian qua, Trung tâm xã hội (TTXH) tỉnh (xã Tóc Tiên, TX.Phú Mỹ) đã vận dụng linh hoạt và sáng tạo Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong quản lý, chăm sóc đối tượng. Nhờ đó, TTXH trở thành chỗ dựa vững chắc cho nhiều trường hợp yếu thế.

Chị Nguyễn Thị Ngát cẩn thận đút từng muỗng cơm cho các đối tượng đang sinh sống ở TTXH tỉnh.
Chị Nguyễn Thị Ngát cẩn thận đút từng muỗng cơm cho các đối tượng đang sinh sống ở TTXH tỉnh.

Hàng ngày, ông Phạm Thanh Nghị (50 tuổi) cùng nhiều trường hợp khác đang được quản lý, chăm sóc tại TTXH tỉnh đến Phòng Phục hồi chức năng để tập luyện, cải thiện sức khỏe. Tại đây, điều dưỡng mở những bản nhạc trữ tình với giai điệu nhẹ nhàng để mọi người vừa tập vừa nghe nhạc. Ông Nghị cho biết, ông được nuôi dưỡng ở TTXH tỉnh 4 năm nay. Ông bị bệnh tai biến, chân tay co quắp nên việc đi lại rất khó khăn, trước đây ông lang thang khắp nơi, không nhớ mình là ai, từ đâu đến… và may mắn, ông được đưa vào TTXH tỉnh. “Tôi được hướng dẫn tập luyện hàng ngày, nên sức khỏe có cải thiện. Tôi đi lại dễ dàng, nói chuyện hoạt bát, trí nhớ ngày càng tốt hơn”, ông Nghị nói. 

Mô hình phục hồi chức năng kết hợp âm nhạc trị liệu được TTXH tỉnh thực hiện từ năm 2015 đến nay. Đây là một trong những mô hình tiêu biểu được Trung tâm nghiên cứu, tìm tòi để giúp những trường hợp yếu thế mắc các bệnh về thần kinh, di chứng của tai biến dẫn đến khó khăn trong vận động được phục hồi chức năng. 

Hiện, Trung tâm có 2 phòng tập dành cho nam và nữ, mở cửa từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần. Các đối tượng đến Phòng Phục hồi chức năng tập luyện sẽ được các điều dưỡng kiểm tra sức khỏe, hướng dẫn các động tác tập cũng như cổ vũ, động viên tinh thần cho người tập. Điều dưỡng Tống Văn Hùng cho biết, Phòng Phục hồi chức năng mở cửa hơn 6 giờ/ngày. Phần lớn đối tượng được hướng dẫn tập luyện bị bại liệt, tai biến hay teo cơ. 

Đây cũng là một trong những mô hình được TTXH tỉnh gắn với phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thông qua các buổi tập, cán bộ, nhân viên và người yếu thế gần gũi, chia sẻ với nhau hơn.

Bên cạnh đó, việc chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ hàng ngày của các đối tượng cũng được cán bộ, viên chức và người lao động của TTXH tỉnh học tập theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, coi người yếu thế như người thân ruột thịt của mình. Chị Nguyễn Thị Ngát đã gắn bó với TTXH tỉnh 10 năm nay. Khi mới vào làm việc, chị rất ái ngại khi phải hằng ngày tiếp xúc, chăm sóc hàng chục đối tượng, nhất là những bệnh nhân bị bại liệt, bại não phải nằm một chỗ, khi mọi sinh hoạt vệ sinh cá nhân, ăn uống đều do chị thực hiện. Nhưng càng gần gũi với các đối tượng, chị đồng cảm và thương họ nhiều hơn, khi họ có số phận không may mắn. 

Các đối tượng được hướng dẫn tập luyện tại Phòng Phục hồi chức năng.
Các đối tượng được hướng dẫn tập luyện tại Phòng Phục hồi chức năng.

Ông Trần Thanh Hồng, Giám đốc TTXH tỉnh cho biết, hiện Trung tâm đang nuôi dưỡng, chăm sóc cho 537 đối tượng, trong đó có 443 người tâm thần, đến từ nhiều địa phương trong cả nước. Thời gian qua, Trung tâm đã nỗ lực chăm sóc các đối tượng. Trong đó, Trung tâm đã triển khai, quán triệt Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến đội ngũ quản lý, công chức, người lao động; đồng thời, vận dụng Chỉ thị này vào chăm sóc, quản lý các đối tượng. 

Trung tâm đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo như: Phục hồi chức năng kết hợp âm nhạc trị liệu cho đối tượng; xử lý mùi hôi ở khu lưu bệnh, nhà ở của đối tượng; vận dụng kiến thức nghề công tác xã hội vào tư vấn, kết nối cho các đối tượng ở ngoài tỉnh được hòa nhập cộng đồng. Có sự gần gũi, sát sao trong quá trình chăm sóc đã giúp cán bộ, nhân viên của Trung tâm phát hiện và chuyển viện cấp cứu kịp thời hơn 50 ca nguy kịch như: nhồi máu cơ tim, động kinh, co giật... 

Mặt khác, Trung tâm còn tổ chức các hoạt động như: thể dục dưỡng sinh, hướng nghiệp, vui chơi giải trí tạo niềm vui cho người bệnh. Trung tâm còn kết nối với nhiều địa phương trong cả nước để tìm người thân và đã đưa 235 đối tượng có thời gian nuôi dưỡng tại trung tâm từ 2-13 năm về với gia đình. “Chúng tôi luôn quán triệt đến cán bộ, công chức, người lao động về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chúng tôi thường xuyên tổ chức các hội thi về học Bác để đội ngũ quản lý, công chức, người lao động thấm nhuần và vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào việc phục vụ, chăm sóc các đối tượng ngày càng tốt hơn”, ông Hồng nói. 

Bài, ảnh: TUỆ LÂM

 
;
.