Trao "cần câu" giúp người nghèo vươn lên

Thứ Tư, 02/09/2020, 19:35 [GMT+7]
In bài này
.

Với phương châm trao “cần câu” giúp các hộ khó khăn có điều kiện thoát nghèo bền vững, UBMTTQVN các cấp TP. Bà Rịa đã hỗ trợ con giống, giúp vốn, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống.

Bà Nguyễn Thị Năm (giữa) bên đàn thỏ được trao tặng làm kế sinh nhai.
Bà Nguyễn Thị Năm (giữa) bên đàn thỏ được trao tặng làm kế sinh nhai.

HỖ TRỢ CON GIỐNG, VẬT NUÔI

Năm giờ sáng mỗi ngày, ông Nguyễn Văn Mười (tổ 16, ấp Đông, xã Hòa Long, TP. Bà Rịa) thức dậy, mở cửa chuồng thả đàn gà ra cho ăn trước khi đi làm việc khác để kiếm thu nhập. Khoảng sân bên hông nhà được ông quây lưới làm không gian cho đàn gà chạy nhảy. Gia đình ông Mười đã thoát nghèo được mấy năm, nhưng cuộc sống của vợ chồng ông vẫn khó khăn vì sức khỏe vợ ông yếu, hay đau ốm, gia đình lại không có đất canh tác.  

Hơn 2 tháng trước, UBMTTQVN xã đã hỗ trợ gia đình ông Mười 100 con gà ta. Hôm mới trao, đàn gà con được 2 ngày tuổi, bằng nắm tay trẻ em. Đến nay, con nào con nấy đã trổ mã, cân nặng đạt chừng 1 kg/con. Ông Mười cho hay, ngay khi được hỗ trợ đàn gà, ông còn được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi một cách chi tiết, tỉ mỉ cho từng giai đoạn, độ tuổi của gà. “Khoảng 2 tháng nữa, tôi sẽ xuất bán nửa đàn, còn lại để gà đẻ trứng, ấp lấy gà con để tái đàn. Gia đình từ từ có thu nhập thêm”, ông Mười nhẩm tính. 

Tương tự, gia đình ông Ngô Quang Cường (ấp Bắc 3, xã Hòa Long)- một hoàn cảnh khó khăn khác của xã, cũng được tặng 100 con gà giống. Ông Cường mượn đất của người quen để phát triển mô hình kinh tế vườn ao chuồng và trồng lúa. Sẵn kiến thức từ những lớp tập huấn chăn nuôi do địa phương tổ chức, ông tự mua thuốc kháng sinh, chích ngừa cho gà đầy đủ và khử trùng, vệ sinh chuồng trại định kỳ. “Nhà có sẵn lúa nên không lo nguồn thức ăn cho gà. Đây là lứa gà thứ hai của gia đình. Lứa trước tôi thu lãi hơn 10 triệu đồng sau 3 tháng nuôi. Nhờ địa phương quan tâm hỗ trợ con giống, vợ chồng tôi bảo ban nhau chịu khó chăm sóc đàn gà, sau này đời sống đỡ vất vả”, ông Cường nói.

Mẹ con bà Nguyễn Thị Năm (tổ 1, khu phố 4, phường Phước Hưng) thì được hỗ trợ thỏ giống. Chồng bà Năm đã qua đời, các con có gia đình và ở riêng nhưng kinh tế cũng khó khăn, không có điều kiện giúp đỡ mẹ. Trong khi đó, bà còn phải nuôi người con trai bị ảnh hưởng chất độc da cam. Vì vậy, tuy đã thoát nghèo nhưng cuộc sống 2 mẹ con bà rất chật vật. Tháng 6/2020, bà được UBMTTQVN phường hỗ trợ 20 con thỏ, trong đó có 3 cặp thỏ trưởng thành, 7 cặp thỏ con. Bà Năm còn chịu khó tìm đến một số hộ nuôi thỏ học hỏi kinh nghiệm. “Nuôi thỏ dễ lắm, chỉ cần cho ăn rau, cỏ khô và giữ ấm, vệ sinh chuồng sạch sẽ là được. Nhà tôi trồng rau nên không mất tiền mua thức ăn cho chúng. 2 tháng nữa, 3 cặp thỏ lớn sinh sản là tôi có thỏ con để mở rộng quy mô chăn nuôi”, bà Năm cho hay. 

Ông Nguyễn Văn Mười phấn khởi vì được cấp gà giống.
Ông Nguyễn Văn Mười phấn khởi vì được cấp gà giống.

NHÂN RỘNG NHỮNG MÔ HÌNH HIỆU QUẢ

“Hỗ trợ con giống giúp hộ thoát nghèo cải thiện đời sống” là mô hình UBMTTQVN xã Hòa Long đang triển khai. Bà Đặng Hồ Vân Tuyền, Chủ tịch UBMTTQVN xã cho hay, từ đầu năm đến nay, xã đã trao gà giống đến 6 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi hộ được trao 100 con gà ta, trị giá 1,5 triệu đồng từ nguồn kinh phí vận động và kinh phí thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Cùng với việc trao con giống, xã còn tổ chức các lớp tập huấn về chăn nuôi, thú y giúp người dân có thêm kiến thức chăn nuôi. UBMTTQVN xã còn kết hợp với đơn vị cung cấp con giống hỗ trợ kỹ thuật ấp trứng, tái đàn để tiếp tục phát triển chuồng nuôi, từ đó phát triển kinh tế gia đình cho các hộ.

Bà Lương Thị Kiều Trang, Chủ tịch UBMTTQVN TP. Bà Rịa cho biết, nhằm giúp đỡ các hộ gia đình còn khó khăn, hộ mới thoát nghèo có nguồn lực để thoát nghèo bền vững, các xã, phường trên địa bàn thành phố đã khảo sát, triển khai mô hình phù hợp với điều kiện của từng hộ dân. Hình thức hỗ trợ người dân cũng khá đa dạng, từ hỗ trợ con giống (gà, thỏ, heo) đến hỗ trợ vay vốn để phát triển kinh tế. Đến nay, đã có 38 hộ được hỗ trợ gần 150 triệu đồng, trích từ nguồn vốn của UBMTTQVN các cấp hoặc vận động nhà tài trợ. 

“Các hộ được hỗ trợ vốn, vật nuôi đều rất phấn khởi, cố gắng tận dụng nguồn trợ giúp để sản xuất, chăn nuôi nhằm cải thiện thu nhập. Hết năm 2020, chúng tôi sẽ đánh giá lại hiệu quả các mô hình, từ đó tiếp tục triển khai, nhân rộng những mô hình phù hợp nhằm tạo kế sinh nhai cho những hộ nghèo, hộ khó khăn, giúp họ ổn định cuộc sống”, bà Kiều Trang nhấn mạnh.

Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH 

 
;
.