Tạo sự đồng thuận cao nhờ "3 tốt"

Thứ Năm, 03/09/2020, 18:09 [GMT+7]
In bài này
.

Thấm nhuần lời dạy của Bác “dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, các mô hình dân vận khéo tại huyện Châu Đức được cụ thể hóa tiêu chí "3 tốt": tuyên truyền tốt, vận động tốt, thực hiện tốt, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.

Chị Đào Thị Lạ (Chi hội trưởng Hội Phụ nữ ấp Kim Bình, xã Bình Giã, huyện Châu Đức) điển hình về gương làm ăn phát triển kinh tế, thực hiện tốt mô hình “Dân vận khéo” tổ hợp tác nuôi bò, nuôi dê sinh sản tại ấp Kim Bình.
Chị Đào Thị Lạ (Chi hội trưởng Hội Phụ nữ ấp Kim Bình, xã Bình Giã, huyện Châu Đức) điển hình về gương làm ăn phát triển kinh tế, thực hiện tốt mô hình “Dân vận khéo” tổ hợp tác nuôi bò, nuôi dê sinh sản tại ấp Kim Bình.

Từ năm 2018, gia đình ông Trần Đăng Lượng (thôn Trung Sơn, xã Suối Nghệ, huyện Châu Đức) đầu tư chăn nuôi heo để phát triển kinh tế. Với đàn heo nái 50 con, mỗi năm xuất chuồng 2 lần, ông thu lãi hơn 300 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, phế thải từ heo gây ô nhiễm, bốc mùi hôi thối khiến người dân sống xung quanh bức xúc. Được sự vận động của Hội Nông dân xã, cùng với sự hỗ trợ kinh phí 5 triệu đồng, ngày  15/8/2020 ông Lượng đã đầu tư thêm 9 triệu đồng xây dựng hầm biogas. Từ đó giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi heo.

Bà Lê Thị Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch xã Suối Nghệ cho biết, thực hiện mô hình dân vận khéo vận động người dân làm tốt công tác vệ sinh môi trường, đến nay trên địa bàn xã có 7 hộ xây dựng hầm biogas và có thêm 6 hộ khác cũng đăng ký thực hiện mô hình này. Để đạt được kết quả này, theo bà Lê Thị Ngọc Lâm là nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, đặc biệt là nêu cao tinh thần đoàn kết, khơi gợi ý thức vì cộng đồng trong nhân dân. Ngoài ra, Suối Nghệ cũng là địa phương đầu tiên của tỉnh thực hiện mô hình dân vận khéo “Chung tay đóng góp và vận động mạnh thường quân mua thẻ BHYT để tặng các trường hợp khó khăn, người nghèo, bệnh hiểm nghèo”. Trong năm 2019 và 8 tháng đầu năm 2020, 50 thẻ BHYT đã được trao tới tay các đối tượng cần giúp đỡ.

Không chỉ thực hiện tốt phong trào dân vận khéo trong bảo vệ môi trường, các tổ chức thành viên như Hội Phụ nữ, MTTQ còn tập trung tuyên truyền, hướng dẫn và nhân rộng các mô hình điển hình, kinh nghiệm sản xuất. Chị Đào Thị Lạ (dân tộc Châu Ro, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ ấp Kim Bình, xã Bình Giã, huyện Châu Đức) là một ví dụ điển hình trong phong trào dân vận khéo. Chị Lạ không chỉ nỗ lực vươn lên thoát nghèo mà còn giúp đỡ nhiều chị em dân tộc thiểu số khác làm ăn kinh tế. 

Nhận thấy các chị em dân tộc thiểu số tại ấp Kim Bình còn nhiều khó khăn, được Hội Phụ nữ huyện giao nhiệm vụ làm Tổ trưởng Tổ phụ nữ hợp tác nuôi bò, nuôi dê sinh sản, chị Lạ mạnh dạn vận động các chị em đồng bào thuộc diện khó khăn cùng tham gia vào tổ hợp tác chăn nuôi bò và dê. Tổ hợp tác nuôi bò, dê của Chi hội Phụ nữ ấp Kim Bình đã có 10 hội viên. Các thành viên được Ngân hàng Chính sách Xã hội, Quỹ khởi nghiệp cho vay từ 15-20 triệu đồng để đầu tư nuôi bò, dê. Bên cạnh đó, hội viên còn được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm.

Theo ông Nguyễn Tấn Bản, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Châu Đức, trên địa bàn huyện có 242 mô hình dân vận khéo. Các mô hình, điển hình dân vận khéo tạo sức lan tỏa trong mọi tầng lớp nhân dân. Huyện Châu Đức cũng thường xuyên kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm để nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả. Qua đó, nêu cao tinh thần đoàn kết, khơi gợi ý thức vì cộng đồng trong nhân dân chung tay vì sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. “Trong thời gian tới, huyện Châu Đức tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp nhằm đẩy mạnh việc thực hiện phong trào một cách sâu rộng, đem lại hiệu quả thiết thực; tập trung đổi mới phương thức dân vận theo hướng cụ thể, rõ nội dung, rõ việc, không để xảy ra việc thực hiện các mô hình một cách hình thức, chạy theo thành tích”, ông Nguyễn Tấn Bản cho biết thêm.

Bài, ảnh: HUYỀN TRANG

;
.