"Tám" chuyện phiên âm

Thứ Hai, 28/09/2020, 20:46 [GMT+7]
In bài này
.

- Clốt Béc-na, Hăng-ri Đuy-năng…

- Ông đọc cái gì nghe giống thần chú thế?

- Thần chú gì đâu, tui đang học cách phiên âm tiếng Anh “thuần Việt”. Clốt Béc-na (Claude Bernard) là nhà sinh lý học người Pháp, còn Hăng-ri Đuy-năng (Henry Dunant) là nhà kinh doanh và nhà hoạt động xã hội người Thụy Sĩ.

- Lâu nay ông vẫn đọc tiếng nước ngoài theo nguyên bản và đọc rất nhanh. Sao bữa nay lại khổ sở như thế?

- Tui cũng đâu muốn đọc phiên âm đến líu lưỡi vậy đâu. Nhưng tui phải học cách phiên âm tiếng Anh “thuần Việt” để mà còn hướng dẫn cho thằng cháu nội học.

- Sách giáo khoa các bậc học phổ thông hiện nay đều có phiên âm tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, ông cần gì phải học.

- Nhưng cách phiên âm lại không thống nhất, quá rắc rối, gây nhiều khó khăn cho học sinh trong phát âm, nhất là các địa danh và nhân vật lịch sử…

- Đúng là quá rắc rối, nhiêu khê! Kiểu phiên âm như thế thì đến “chú” Gú-gồ cũng bó tay chứ đừng nói mấy cháu học sinh.

- Theo tui thì hiện nay dân trí đã được nâng lên, tốt nhất là cứ giữ nguyên Claude Bernard, Henry Dunant, không nên “phiên” ra làm gì cho rắc rối.

- Nhưng, nhiều người bảo cần phiên âm để người Việt đại chúng đọc ai cũng hiểu, thế mới gay!

- Ừ, gay thật! Vậy thì ông tiếp tục đọc… “thần chú” đi, tui về.

- Về sớm vậy, ở lại “tám” chuyện phiên âm chơi đã?

- Thôi, “tám” một hồi, không khéo tui lại bị líu lưỡi như ông.

SÁU BẾN ĐÌNH

;
.