Trong suốt 113 năm (1862-1975), thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã xây dựng ở Côn Đảo hệ thống nhà tù quy mô lớn nhằm giam giữ những người yêu nước và các chiến sĩ cách mạng. Dù chưa có dịp đến di tích nhà tù Côn Đảo nhưng du khách sẽ phần nào hình dung được nơi từng là “địa ngục trần gian” qua mô hình sa bàn giới thiệu các di tích tiêu biểu: Cầu tàu 914, Banh I, Banh II, Chuồng Cọp, Chuồng Bò, Chuồng Cọp Mỹ… qua bộ sưu tập hiện vật ở Bảo tàng tỉnh.
Khách tham quan tổ hợp trưng bày Chuồng Cọp Pháp ở Bảo tàng tỉnh. |
GIAI ĐOẠN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP (1862-1954)
Giới thiệu nhóm tư liệu, hình ảnh: 39 đời chúa đảo, sơ đồ hệ thống quản lý tù nhân, một số chí sĩ yêu nước bị đày ra đảo trong phong trào chống thực dân Pháp đầu thế kỷ XX như: Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Văn Trường, Phạm Thận Duật, Nguyễn Quyền… Hình ảnh các thế hệ tù nhân chính trị giai đoạn 1930-1945 tiêu biểu là các đồng chí: Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Lê Hồng Phong, Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng… Những hình ảnh này tái hiện giai đoạn khủng bố dã man của kẻ thù và tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên trung của các chiến sĩ cộng sản và người yêu nước trong nhà tù Côn Đảo với các nhóm tổ hợp dưới đây.
Hầm xay lúa: Tổ hợp tái hiện sinh động hình thức lao động khổ sai gồm 4 tù nhân xay lúa và vác lúa, cùng với 2 tên cặp rằng (chính và phụ) là những tên được chọn từ nhóm thường phạm, từng phạm tội trộm cướp, giết người, để quản lý tù nhân chính trị làm khổ sai… với âm mưu đánh đập, hãm hại, thủ tiêu tù nhân cộng sản. Năm 1933, thực dân Pháp từng bố trí đồng chí Tôn Đức Thắng làm “cặp rằng” nhưng trong thời gian này, đồng chí đã sắp xếp lại từng công việc để phù hợp cho từng người, cải thiện được đời sống và làm việc hợp lý, đoàn kết được tập thể tù nhân và cảm hóa được những tên cặp rằng phụ.
Tổ hợp Chuồng Cọp Pháp: Được xây dựng năm 1941, sử dụng hết công năng vào thời Mỹ. Kẻ thù dùng nơi này để tra tấn, đàn áp dã man các thế hệ tù nhân chính trị. Khi tù nhân đấu tranh, chúng dùng sào chọc xuống, rải vôi bột lên người, sau đó dùng nước lạnh dội xuống, làm anh em tù nhân bị phỏng, nhiều ngày vết thương bị lở loét, nhức nhối, hay ban đêm giá lạnh chúng dùng nước từ trên dội xuống làm tù nhân bị lạnh cóng… Những hành động man rợ của kẻ thù tại Chuồng Cọp Pháp vẫn không làm khuất phục được ý chí, tinh thần đấu tranh kiên cường, niềm tin tất thắng, tương lai tươi sáng… của những người chiến sĩ cộng sản.
GIAI ĐOẠN CHỐNG MỸ (1954-1975)
Du khách sẽ được chiêm ngưỡng bộ sưu tập gồm những tư liệu, hình ảnh quý giá như: 5 bức ký họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh do anh em tù nhân chính trị bí mật vẽ. Những nét vẽ tuy đơn giản, chất phác mà chân thực, thể hiện lòng tin tưởng tuyệt đối đi theo con đường cách mạng của Người. Những bức họa đã được người tù bí mật lưu giữ trong những ngày tháng đấu tranh ác liệt với kẻ thù trong ngục, có ý nghĩa động viên, khích lệ anh em tù nhân chính trị đoàn kết một lòng. Ngoài ra, bảo tàng còn giới thiệu một số bản bút tích ly khai. Đây thực sự là những báu vật vô giá, là bằng chứng sinh động về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khí phách kiên cường của thế hệ tù nhân trong giai đoạn 1954-1975. Tiêu biểu là 6 ngôi sao sáng trong phong trào này gồm các đồng chí: Phan Trọng Bình, Nguyễn Một, Nguyễn Đức Thuận, Nguyễn Minh, Phạm Quốc Sắc…
Ngoài ra, phòng trưng bày còn có các hiện vật: còng tay, còng chân, xiềng xích tù nhân chính trị, các sản phẩm khăn tay, túi vải, túi xách, chiếc đàn do tù nhân chính trị gò bằng tôn kẽm để biểu diễn văn nghệ giai đoạn 1954-1975…
Phòng trưng bày Nhà tù Côn Đảo sử dụng ánh sáng nghệ thuật, có nơi tạo nên một không gian âm u, trầm lắng gợi cảm giác như đang trải nghiệm giữa “địa ngục trần gian”, có nơi ánh sáng rực rỡ, lung linh, gợi nên niềm lạc quan...
Tham quan tổ hợp trưng bày này, du khách càng cảm thấy giá trị, ý nghĩa của cuộc sống hiện tại mà biết bao thế hệ chí sĩ yêu nước, chiến sĩ cách mạng đã hy sinh để mang lại cho chúng ta hôm nay.
NGUYỄN DUYÊN TÂM
(Còn nữa)