NHỮNG BỘ SƯU TẬP TIÊU BIỂU Ở BẢO TÀNG BÀ RỊA - VŨNG TÀU

Kỳ 10: Bộ sưu tập thời kỳ chống Mỹ

Thứ Sáu, 11/09/2020, 15:53 [GMT+7]
In bài này
.

Gian trưng bày các tư liệu, hiện vật, hình ảnh thời kỳ chống Mỹ cứu nước tại Bảo tàng tỉnh đã tái hiện phần nào những địa danh nổi tiếng trong chiến tranh, từng làm kẻ thù khiếp sợ mỗi khi nhắc đến. Qua gian trưng bày này, người xem hiểu thêm về một thời đấu tranh gian lao mà anh dũng của các thể hệ cha anh.

Khách tham quan tổ hợp trưng bày chiến dịch Bình Giã.
Khách tham quan tổ hợp trưng bày chiến dịch Bình Giã.

Tổ hợp địa đạo Long Phước: Mô hình trưng bày tái hiện sinh động một đoạn địa đạo dưới lòng đất, bên ngoài giới thiệu mặt cắt của địa đạo, phía trên là những mái nhà tranh đơn sơ, vườn chuối, xoài... Du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị khi được tìm hiểu về các địa điểm trong lòng địa đạo: phòng cứu thương, hầm chứa lương thực, vũ khí, đạn dược… Ngoài ra, tổ hợp còn trưng bày những hiện vật tiêu biểu: hũ gạo nuôi quân do Hội mẹ chiến sĩ Long Phước tiết kiệm để ủng hộ kháng chiến, những lưỡi cuốc, cuốc chim dùng để đào địa đạo; cuộn dây điện, công tắc của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 445 dùng để chống xe bọc thép M113 của địch khi chúng quét càn, đánh phá địa đạo.

Tổ hợp Bến Lộc An: Ngoài đường Hồ Chí Minh trên bộ (đường Trường Sơn), tháng 7/1959 Trung ương quyết định mở đường Hồ Chí Minh trên biển để vận chuyển vũ khí, thiết bị quân sự chi viện cho chiến trường miền Nam. Từ cuối năm 1963 đến giữa năm 1965, các chuyến tàu chi viện vũ khí cho Đông Nam Bộ đã cập bến Lộc An, cửa sông Ray và những chuyến hàng được chuyển tiếp từ Thạnh Phú (Bến Tre) qua cửa Cần Giờ, sông Đồng Tranh về căn cứ Hắc Dịch. Đêm 22/12/1964, một chuyến tàu chở 44 tấn vũ khí đã cập bến Lộc An, kịp thời bổ sung vũ khí cho các đơn vị ở miền Đông Nam Bộ. Những chuyến vũ khí này đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch Bình Giã và tạo điều kiện cho phong trào kháng chiến miền Đông Nam Bộ phát triển, với những trận thắng ở Ba Gia, Đồng Xoài, Dầu Tiếng, Bàu Bàng.

Tổ hợp trưng bày một số hiện vật là vũ khí tiêu biểu do quân và dân BR-VT tiếp nhận tại bến Lộc An: súng AK, B40, B41 và mô hình con tàu không số.

Tổ hợp chiến thắng Bình Giã: Nhằm đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ, Bộ chỉ huy Miền phối hợp với bộ đội địa phương tổ chức chiến dịch Bình Giã. Chiến dịch Bình Giã bắt đầu từ ngày 2/12/1964 và kết thúc vào ngày 3/1/1965. Tổ hợp trưng bày một số hiện vật: xe thồ của quân dân ta chở lương thực phục vụ chiến dịch Bình Giã, xác máy bay trực thăng địch do bộ đội chủ lực bắn rơi tại chiến trường Bình Giã. Ngoài ra còn có hộp hình tái hiện sinh động trận đánh ác liệt giữa bộ đội chủ lực và quân đội Mỹ tại Sở cao su, là trận đánh làm thất bại chiến thuật “trực thăng vận, thiết xa vận” dẫn đến sự phá sản chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ.

Tổ hợp giải phóng BR-VT: Tổ hợp tái hiện quá trình giải phóng BR-VT năm 1975. Sau khi chiến dịch giải phóng Xuân Lộc kết thúc thắng lợi ngày 21/4/1975, quân giải phóng làm chủ được tỉnh lỵ Long Khánh, mở cửa ngõ phía bắc cho các quân đoàn chủ lực tiến vào giải phóng Sài Gòn. Từ ngày 18/4/1975 Sư đoàn Sao vàng được điều động vào tham gia giải phóng tỉnh Phước Tuy (Bà Rịa), Vũng Tàu. Ngày 23/4/1975 đơn vị đầu tiên của Sư đoàn Sao Vàng đã tập kết tại rừng cao su Cẩm Mỹ, phối hợp cùng lực lượng vũ trang địa phương tiến công giải phóng BR-VT. 17 giờ ngày 26/4/1975, 19 khẩu trọng pháo của Sư đoàn Sao Vàng đồng loạt nổ súng vào chi khu Đức Thạnh, tiểu khu Phước Tuy và trung tâm huấn luyện Vạn Kiếp, mở màn cuộc tấn công giải phóng BR-VT. Ngày 27/4/1975 bộ đội chủ lực cùng bộ đội địa phương đã giải phóng các huyện Châu Đức, Bà Rịa, Xuyên Mộc, Long Đất. Đến 13 giờ 30 ngày 30/4/1975, Vũng Tàu được giải phóng. Tại Côn Đảo, rạng sáng ngày 1/5/1975 tù nhân chính trị trại VII đã nổi dậy. Đảng ủy lâm thời được thành lập chỉ đạo các trại chiếm các vị trí xung yếu của đảo, mở cửa giải phóng tù chính trị trong các trại, 9 giờ sáng ngày 1/5/1975, ta đã làm chủ hoàn toàn Côn Đảo. Như vậy, chỉ trong vòng 4 ngày, toàn tỉnh BR-VT được hoàn toàn giải phóng với mức tàn phá ít nhất, góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tổ hợp cũng trưng bày những bộ sưu tập súng bộ binh, súng ngắn, trang thiết bị, hậu cần… do bộ đội chủ lực sử dụng trong chiến dịch giải phóng BR-VT.

NGUYỄN DUYÊN TÂM

(Còn nữa)

;
.