BR-VT đang quản lý 39.800 hồ sơ người có công (NCC) với cách mạng và thân nhân, trong đó có hơn 7.000 người đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng. Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng DN tỉnh BR-VT luôn quan tâm, chăm lo toàn diện đến NCC, gia đình chính sách.
Ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thăm, tặng quà gia đình bà Nguyễn Thị Năm, thân nhân ông Đỗ Anh Minh, cán bộ lão thành cách mạng (phường 9, TP. Vũng Tàu) nhân Kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám (1945-2020). |
CHĂM LO TOÀN DIỆN
Từ nhiều năm nay, 100% Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) còn sống trên địa bàn tỉnh đều được các cơ quan, đơn vị, DN nhận phụng dưỡng suốt đời. Với Mẹ có con trai độc nhất hy sinh, không còn người thân, tỉnh hỗ trợ 1,5 triệu đồng/tháng để thuê người nuôi dưỡng, chăm sóc.
Mẹ VNAH La Thị Biên (thôn Quảng Tây, xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức) có con trai độc nhất là La Văn Thái, hy sinh năm 1968 lúc tròn 20 tuổi. Bản thân Mẹ cũng từng tham gia làm giao liên phục vụ chiến trường. Năm 2015, Mẹ vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Mẹ VNAH. Những năm qua, tỉnh cùng chính quyền địa phương và các DN trên địa bàn luôn dành cho Mẹ sự quan tâm sâu sắc. Ngoài chế độ, chính sách dành cho Mẹ VNAH, Mẹ Biên còn được xây tặng nhà tình nghĩa (từ năm 1993) và được Công ty Cao su Bà Rịa nhận phụng dưỡng suốt đời với mức 1 triệu đồng/tháng. Mẹ Biên chia sẻ: “Mẹ luôn nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, đoàn thể. Dịp lễ, Tết, các đoàn lãnh đạo tỉnh, địa phương và nhiều đơn vị tới thăm hỏi, chuyện trò, an ủi khiến Mẹ thấy ấm lòng”.
100% Mẹ VNAH còn sống trên địa bàn tỉnh đều được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng suốt đời. Trong ảnh: Các cơ quan, đơn vị đến thăm Mẹ VNAH Trần Thị Trinh (ấp Bắc 3, xã Hòa Long, TP. Bà Rịa). |
Chăm lo về nhà ở cho NCC với cách mạng và thân nhân là một trong những việc làm nổi bật của tỉnh BR-VT. Từ năm 2014, thực hiện chủ trương của Chính phủ, BR-VT đã xây dựng Đề án “Hỗ trợ nhà ở cho NCC với cách mạng”. Đến nay, đã có 381 căn nhà dành cho NCC được xây mới và hơn 1.500 căn được sửa chữa. Từ tháng 5/2015, UBND tỉnh quyết định nâng mức hỗ trợ xây dựng nhà cho NCC từ 50 triệu lên 60 triệu đồng/căn. Tỉnh còn điều chỉnh chính sách hỗ trợ nhà ở cho NCC theo hướng mở rộng sang đối tượng thương binh, gia đình liệt sĩ và các đối tượng khác. Nhờ đó, BR-VT đã cơ bản đáp ứng nhu cầu nhà ở cho gia đình chính sách, NCC.
Bà Nguyễn Thị Hạp (90 tuổi, ngụ ấp Mỹ An, xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ), là người hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày. Năm 2019, bà được Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” tỉnh và Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết tỉnh hỗ trợ 100 triệu đồng để xây nhà tình nghĩa. Ngoài các chính sách theo quy định, hàng tháng bà Hạp còn được theo dõi, chăm sóc sức khỏe tại nhà. Bà Hạp chia sẻ: “Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước khiến gia đình tôi rất xúc động”.
Thực hiện chính sách “Đền ơn đáp nghĩa”, tỉnh đã chú trọng công tác rà soát, xác nhận NCC. Trong 5 năm qua, hơn 16 ngàn NCC đã được xét duyệt hưởng chế độ ưu đãi. Đến nay, công tác giải quyết hồ sơ NCC trên địa bàn tỉnh đã cơ bản hoàn tất, bảo đảm NCC được hưởng đủ và đúng chế độ. Với những NCC lớn tuổi, đi lại khó khăn, cán bộ chính sách xã, phường, thị trấn trao tận nhà số tiền chế độ hàng tháng.
CẢI THIỆN ĐỜI SỐNG
Ngoài các chính sách chung theo quy định của Nhà nước dành cho NCC, tỉnh BR-VT còn ban hành nhiều chính sách riêng nhằm chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần NCC. Các chính sách điển hình như hỗ trợ NCC vay vốn; hỗ trợ giải quyết việc làm; hỗ trợ 100% tiền học nghề cho con thương binh, liệt sĩ, bộ đội xuất ngũ; miễn giảm tiền sử dụng đất; tặng sổ tiết kiệm; cấp thẻ BHYT cho NCC và thân nhân, hỗ trợ khó khăn đột xuất cho NCC bị ốm đau, bệnh tật. Các chính sách này khi triển khai đã tạo điều kiện và góp phần giúp gia đình chính sách, NCC thay đổi cuộc sống.
Để làm tốt công tác chăm sóc NCC, ngoài nguồn ngân sách Trung ương, các địa phương trong tỉnh còn huy động mọi nguồn lực xã hội. Tiêu biểu phải kể đến phong trào ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” với số tiền hàng chục tỷ đồng. Với lòng biết ơn sâu sắc các anh hùng liệt sĩ, NCC với cách mạng, công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần NCC đã trở thành việc làm thường xuyên, được lãnh đạo tỉnh, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị đặc biệt quan tâm. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của NCC trên địa bàn tỉnh dần được nâng lên. Hiện nay, 100% hộ gia đình NCC với cách mạng trên địa bàn tỉnh có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.
Ông Huỳnh Văn Danh, Giám đốc Sở LĐTBXH cho hay, thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân BR-VT luôn nỗ lực thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho gia đình chính sách, NCC bằng những chính sách, việc làm thiết thực. “Các địa phương và Sở thường xuyên rà soát, nắm chắc hoàn cảnh, điều kiện từng gia đình, đối tượng chính sách, NCC để kịp thời giúp đỡ, chi trả đầy đủ tiêu chuẩn, chế độ. Cùng với sự chung tay góp sức của cộng đồng, chất lượng cuộc sống NCC ngày càng được nâng lên”.
T ừ năm 2016 đến nay, BR-VT đã xét duyệt chế độ ưu đãi cho 16 ngàn NCC, nâng số hồ sơ NCC tỉnh đang quản lý lên gần 39.800 người. Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” tỉnh đã vận động được khoảng 11,1 tỷ đồng từ các cơ quan, tổ chức, DN, cá nhân… góp phần hỗ trợ đời sống, xây dựng và cải tạo nhà ở cho gia đình chính sách, giúp các hộ có điều kiện vươn lên trong cuộc sống; tổ chức cho 3.593 NCC với cách mạng đi tham quan, điều dưỡng trong và ngoài tỉnh; cấp kinh phí mua thẻ BHYT cho hơn 27 ngàn NCC; miễn giảm tiền sử dụng đất cho 363 người với tổng số tiền hơn 109,799 tỷ đồng; sửa chữa nhà cho 60 đối tượng với tổng số tiền 1,5 tỷ đồng. Tổng kinh phí chi trả trợ cấp ưu đãi cho NCC khoảng 909,8 tỷ đồng; tổ chức thăm và tặng quà Tết Nguyên đán hàng năm cho đối tượng và gia đình chính sách với tổng kinh phí khoảng 122,8 tỷ đồng.
|
Bài, ảnh: NHÃ UYÊN