Hoan hỷ đón chào, phục vụ bằng tình yêu thương! Là những câu khẩu hiệu được in trên tường của “Bếp ăn 0 đồng” tại 44, Huỳnh Minh Thạnh, thị trấn Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc.
Người khuyết tật, đi lại khó khăn được các tình nguyện viên trao cơm tận tay. |
BỮA TRƯA MIỄN PHÍ
“Bếp ăn 0 đồng” là tên quán cơm dành cho người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Xuyên Mộc, do Nhóm thiện nguyện Nhân Ái thực hiện. Từ thứ Hai đến thứ Sáu hằng tuần, Bếp ăn phục vụ miễn phí hàng trăm suất cơm trưa cho người nghèo.
Ngày nào cũng vậy, từ khoảng 9 giờ, các tình nguyện viên (TNV) đã bắt tay vào việc chuẩn bị bữa ăn. Tấm bảng “Nhật ký bếp ăn” treo trên tường ghi thực đơn của bếp từng bữa. “Hôm qua, một chủ ghe điện thoại nói tặng bếp 70kg cá nục, cá ngừ. Chúng tôi điều xe đến chở và ngay trong buổi tối, một số TNV tranh thủ sơ chế rồi cất vào tủ đông. Đến 22 giờ công việc mới hoàn thành, nhưng ai cũng vui”, chị Nguyễn Thị Tú Anh, một mạnh thường quân, đồng thời là TNV của “Bếp ăn 0 đồng” chia sẻ.
Anh Phạm Thanh Sang, đầu bếp chính thì giới thiệu: “Có cá tươi, chúng tôi lên thực đơn luôn hôm nay. Tôi kho 300 phần cá ngừ với thơm, nước dừa; thêm 300 phần canh gà. Tôi rất vui khi bà con đến dùng cơm đều khen ngon”. Anh Sang kinh doanh tự do, sau này, anh sống một mình nên thường đi nấu ăn từ thiện ở nhiều nơi. Qua lời giới thiệu, anh đã đến với “Bếp ăn 0 đồng”. Mỗi ngày, anh thường thay đổi món để có những bữa cơm thật ngon, thật hấp dẫn với bà con nghèo. Ngoài các bữa cơm mặn, vào các ngày 14, 15, 30 và mùng Một âm lịch hàng tháng, bếp còn phục vụ cơm chay.
10 giờ 30 phút, 300 phần cơm đã chuẩn bị xong, sẵn sàng đợi người nghèo đến thưởng thức. Ai có nhu cầu mang cơm về cũng được phục vụ chu đáo. Mọi người tự giác sát khuẩn tay, đeo khẩu trang và đứng xếp hàng ngay ngắn chờ đến lượt. Bà Lê Thị Phương Mai (68 tuổi, ở trọ tại khu phố Phước Lộc, thị trấn Phước Bửu) cho biết, bà đã lớn tuổi, sống đơn thân, lại không có khoản thu nhập nào khác mà phải dựa vào sự hỗ trợ của những người xung quanh. Từ hôm khai trương, “Bếp ăn 0 đồng” đã tặng bà tấm thẻ để nhận cơm trưa miễn phí mỗi ngày. “Tôi tự đi bộ đến bếp và dùng cơm luôn tại chỗ. Cơm ngon, dẻo, thức ăn vừa miệng nên bữa nào tôi cũng ăn hết phần cơm của mình. Tôi rất xúc động khi đã được dùng cơm miễn phí mà các cô chú phục vụ cũng luôn niềm nở, nhiệt tình”, bà Mai nói.
GIẢM BỚT GÁNH NẶNG MƯU SINH
Ông Trần Văn Sanh (85 tuổi, ở ấp 6, xã Hòa Bình) bị tai biến, phải đi lại bằng xe 3 bánh. Tuổi đã cao nhưng hàng ngày ông vẫn đi bán vé số để có tiền nuôi người vợ bệnh nằm liệt giường. “Tôi đi bán vé số, mỗi ngày kiếm được mấy chục ngàn đồng nên phần cơm trưa này rất quý. Mấy hôm đầu tôi ăn luôn tại Bếp, sau đó, các cô, chú ở Bếp hỏi chuyện, biết hoàn cảnh nhà tôi nên đã tặng cả phần cơm cho bà nhà tôi. Hôm nào tôi ghé bếp trễ, các cô chú vẫn để dành 2 phần cơm. Tấm lòng thiện nguyện của các cô, chú thật đáng trân trọng”, ông Sanh xúc động nói.
Bà Trần Thị Hồng Nhung, đại diện Ban quản trị Nhóm thiện nguyện Nhân Ái cho hay, nhóm đi vào hoạt động từ tháng 3/2020, với hơn 70 thành viên là những người có chung tấm lòng vì người nghèo. Thời gian đầu, nhóm hỗ trợ mua máy ATM gạo, tặng quà người nghèo có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, giúp đỡ bệnh nhân nghèo, hỗ trợ nước sạch cho nhân dân các xã bị thiếu nước do hạn hán...
Nhận thấy trên địa bàn còn nhiều người nghèo cần giúp đỡ, nhóm bàn nhau mở “Bếp ăn 0 đồng” để phục vụ cơm trưa miễn phí cho họ. Vậy là các thành viên lại cùng góp công, góp của để thực hiện ý tưởng đầy nhân văn này. Ngày 16/8, Bếp được khai trương. Ban đầu nhóm dự tính mỗi ngày phục vụ 200 suất ăn trưa. Tuy nhiên, ngày càng nhiều người nghèo đến với Bếp và từ tuần thứ hai, Bếp nâng lên thành 300 suất, thậm chí có ngày lên 500 suất cơm trưa phục vụ người nghèo.
Thấy được ý nghĩa của Bếp, ngoài việc hỗ trợ tiền, nhiều nhà hảo tâm còn tặng gạo, trứng, mì gói, nhu yếu phẩm... cho thực đơn thêm phong phú. “Khách đến Bếp chủ yếu là người lớn tuổi, các em nhỏ đi nhặt ve chai, bán vé số, người chạy xe ôm… Ai đến ăn cũng vui lắm. Có người đi làm xa, khi về đến Bếp thì hết cơm, chúng tôi đành nấu mì để phục vụ vì không nỡ từ chối. Phương châm của chúng tôi là san sẻ với những trường hợp khó khăn bữa cơm trưa để phần nào giảm bớt gánh nặng mưu sinh”, bà Hồng Nhung chia sẻ.
Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH