Tham gia các trò chơi vận động, tìm hiểu và thực hành cách trồng lúa nước, bắt cá, làm bánh… là những trải nghiệm thú vị của các thanh , thiếu nhi tại nông trại Eco Tân Hưng (xã Tân Hưng, TP. Bà Rịa).
Các em thiếu nhi trải nghiệm trồng lúa nước tại nông trại Eco Tân Hưng. |
Một ngày trải nghiệm nhà nông của 70 thanh, thiếu nhi tại nông trại Eco Tân Hưng bắt đầu vào lúc 7h00 sáng. Các em thiếu nhi khởi động bằng các trò chơi vận động phối hợp trong tiếng nhạc sôi động và lời hoạt náo viên dí dỏm, vui nhộn.
Nông trại Eco Tân Hưng, với diện tích hơn 8ha, được thiết kế như một làng quê thu nhỏ, mà hiện đại, vừa mang chất đồng quê của Việt Nam, vừa mang tính giáo dục thực nghiệm. Ở đây có đầy đủ các loại rau, củ, quả như: bầu, bí, cam, bưởi và các loại rau hữu cơ được quy hoạch bài bản, sạch đẹp với nhiều khu khác nhau. Khu nhà lưới trồng dưa leo, cà chua, dưa lưới, khu vườn hoa hồng, khu chơi trò chơi vận động, khu để các em thực hành trồng lúa nước hoặc trải nghiệm bắt cá, khu bếp là nơi dành cho những em yêu thích “nghề đầu bếp” (nơi các em có thể tự mình chế biến và thưởng thức những loại bánh mà mình ưa thích).
Bước qua cánh cổng nông trại, tất cả đã vào vai những “nhà nông” thuần túy trong trang phục áo nâu, nón lá. Sau 30 phút khỏi động, các em tham gia tranh tài với các trò chơi thể hiện công việc của nhà nông như: cấy lúa, bắt cá và tìm hiểu về khu nhà lưới trồng rau và làm bánh bí đỏ. Đặc biệt, trong trò chơi trồng lúa nước, nhiều em sinh ra và lớn lên ở phố, chưa từng lội ruộng, đạp bùn nên lúc đầu còn sợ sệt, tuy nhiên, sau khi có bạn xung phong, làm mẫu thì các em còn lại hào hứng tham gia. Đây là phần thi mà các em rất phấn khích.
Mảnh ruộng của nông trại rộng chừng 60m2 là nơi để các “nhà nông” trải nghiệm công việc cấy lúa, dưới sự chỉ bảo của nông dân chính hiệu - bà Nguyễn Thị Phược. “Các con khi cầm bó mạ nhớ phải lỏng tay để không bị gãy, dập”, bà Phượng chỉ bảo tận tình. Những bước chân luống cuống, sợ sệt và bỡ ngờ khi vừa dẫm lên lớp sình nhão, có bạn còn rùng mình...
Vương Thị Bảo Nhi (HS lớp 8/7, trường THCS Vũng Tàu, TP.Vũng Tàu, sinh hoạt tại CLB Vovinam) chia sẻ: “Lần đầu tiên tham gia hội trại kỹ năng do Nhà thiếu nhi tỉnh tổ chức, em đã học được nhiều điều bổ ích. Em đã từng thấy các nông dân trồng lúa khi cùng ba mẹ về thăm quê, nhưng đây là lần đầu tiên được trải nghiệm cấy lúa. Với em cấy lúa sao cho thẳng hàng là một việc rất khó, em khâm phục những người nông dân”. Đỗ Hoàng Lâm (lớp 12A12, trường THPT Vũng Tàu, sinh hoạt tại CLB Taekwondo) thì triết lý, cho rằng “chuyến đi này đã giúp em hiểu được phần nào nỗi vất vả của người nông dân, từ đó trân trọng hơn hạt gạo và các loại lương thực, thực phẩm hơn”.
Sau vài giờ lội ruộng trồng lúa, xuống kênh thử bắt cá, tất cả đều lấm lem bùn đất, mồ hôi ướt sũng áo quần và những khuôn mặt ửng hồng vì nắng, nhưng tất cả đều sôi nổi khoe thành tích là những con cá vừa bắt được, hay một hàng lúa các em vừa cấy. Không chỉ cấy lúa, bắt cá, các em còn được tìm hiểu cách trộn đất, ngâm hạt, trồng rau. “Tụi em được hướng dẫn trước khi trồng các loại rau, phải ngâm hạt trong nước ấm vài giờ đồng hồ, sau khi trồng giữ đất ẩm để cây phát triển, với từng loại rau thì thời gian thu hoạch cũng khác nhau”, Dương Ngọc Thùy Linh, lớp 6A7, trường THCS Châu Thành, TP. Vũng Tàu nói.
Các em thích thú khi tự tay bắt cá dưới mương. |
Nhiều GV, phụ huynh đều cho rằng, hình thức trải nghiệm các tour du lịch thực tế không chỉ giúp HS được “chơi mà học”, mở mang tầm hiểu biết về cuộc sống xung quanh, biết trân quý công sức lao động mà còn giải tỏa được những căng thẳng, áp lực trong học tập. Bà Nguyễn Thị Kim Tuyền, Phó Giám đốc Nhà thiếu nhi tỉnh chia sẻ: Hiện nay, HS phải học nhiều và ít có thời gian hoạt động thể chất. Từ thực tế đó, Nhà thiếu nhi tỉnh đã tổ chức các hoạt động vui chơi trải nghiệm nhằm giúp các em được tham quan, tìm hiểu những công việc của người làm nông vốn chỉ thấy qua tranh ảnh, sách vở hoặc chuyện kể từ ba mẹ, ông bà. Thông qua các hoạt động tập thể, các em còn bộc lộ được năng khiếu và tăng cường tình đoàn kết.
Ông Kim Khí Tài, Giám đốc điều hành Nông trại Eco Tân Hưng cũng cho biết, tìm về các điểm du lịch đồng quê, trang trại là xu hướng tất yếu, được nhiều du khách lựa chọn. Nông trại Eco Tân Hưng đã xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch trải nghiệm và giáo dục cho HS. “Chúng tôi mong muốn các buổi trải nghiệm tại nông trại sẽ góp phần giáo dục HS kỹ năng sống, hiểu biết xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, biết quý trọng sức lao động và yêu thương mọi người xung quanh”, ông Tài nói.
“Trải nghiệm thực tế, tự tay cấy lúa, trồng rau, tự tay thu hoạch rau, trái để chuẩn bị bữa ăn hoặc chăm sóc gà, vịt… ngoài việc khiến các em thích thú, vui vẻ trong các kỳ nghỉ, còn góp phần giúp các em có cái nhìn toàn diện về cuộc sống chung quanh. Từ đó, các em biết trân quý giá trị lao động, có thêm kiến thức thực tế về nông nghiệp và áp dụng vào bài học hiệu quả hơn”, bà Nguyễn Thị Kim Tuyền nhấn mạnh thêm.
Một số nhà vườn, nông trại trên địa bàn tỉnh hiện đang có tour trải nghiệm làm nông dân cho các em nhỏ, các em HS, như: Eco Tân Hưng, Tứ Phương Thất Đảo (TP. Bà Rịa), Nhật Lan (TX. Phú Mỹ), Vifarm, Sunny Farm (TP. Vũng Tàu)... Giá tour dao động từ 400 đến 500 ngàn đồng/ngày/em. |
Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH