ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO

KỲ 3: Đầu tư cho giáo dục được ưu tiên hàng đầu

Thứ Sáu, 18/09/2020, 19:49 [GMT+7]
In bài này
.

5 năm tới, đầu tư cho giáo dục được tỉnh ưu tiên hàng đầu, trong đó tập trung đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng dạy và học. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo BR-VT đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT.

* Phóng viên: Bà đánh giá như thế nào về thành quả ngành GD-ĐT đạt được trong nhiệm kỳ qua?

- Trong 5 năm qua, quy mô giáo dục và mạng lưới trường lớp không ngừng phát triển với khoảng 450 cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập từ bậc MN tới THPT, GDTX và 150 trung tâm ngoại ngữ, tin học được đầu tư và hoạt động hoàn toàn theo phương thức xã hội hóa. Cơ sở vật chất trường học được đầu tư đồng bộ, khang trang đáp ứng yêu cầu xây dựng trường chuẩn quốc gia ở các cấp học cũng như yêu cầu về đổi mới phương pháp dạy và học. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 2 trường ĐH, 6 trường CĐ, 6 trường TC, phát triển theo quy hoạch đã được phê duyệt, đáp ứng nhu cầu học tập của HS, SV sau tốt nghiệp THCS và THPT. 

Chất lượng GD-ĐT ở các cấp học ổn định và ngày càng phát triển. Chất lượng dạy dỗ, chăm sóc trẻ ở cấp MN được quan tâm đúng mức. Chất lượng giáo dục về văn hóa và đạo đức khối phổ thông ngày càng ổn định. Tỷ lệ HS khá giỏi tăng. Số lượng và chất lượng các giải HS giỏi quốc gia tăng đều qua từng năm. Kết quả các kỳ thi vào CĐ, ĐH luôn trong tốp các tỉnh có chất lượng cao trong cả nước. 

Ngoài ra, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục từng bước được nâng cao về chất lượng.

HS Trường MN Châu Thành (TP. Vũng Tàu) chơi trò chơi tại góc nội trợ.
HS Trường MN Châu Thành (TP. Vũng Tàu) chơi trò chơi tại góc nội trợ.

* Nhìn lại quá trình 5 năm phát triển ngành giáo dục – đào tạo, điều gì còn khiến bà băn khoăn, trăn trở?

- Quỹ đất để xây trường lớp ở TP. Vũng Tàu còn hạn chế, dẫn đến tình trạng quá tải ở một số trường MN, TH. Ở TX. Phú Mỹ, do tình trạng tăng dân số cơ học cao nên sĩ số HS/lớp ngày càng cao, gây quá tải trường lớp. Bên cạnh đó, số HS được học 2 buổi ngày, học bán trú cũng chưa đạt chỉ tiêu theo kế hoạch. Số biên chế GV của các cấp học vẫn chưa đủ theo quy định

Song song đó, công tác hướng nghiệp, phân luồng HS sau THCS, THPT còn nhiều khó khăn. Công tác đào tạo nghề và tạo việc làm chưa phù hợp, chưa theo kịp với quy mô phát triển kinh tế và thị trường lao động địa phương; đào tạo chưa gắn với nhu cầu bố trí, sử dụng. Công tác xã hội hóa giáo dục cũng còn hạn chế. Số HS ngoài công lập ở các cấp thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra. Những hạn chế, tồn tại này chính là những thử thách với ngành GD-ĐT trong giai đoạn tới. 

* Theo bà, nguyên nhân của những tồn tại nêu trên là gì?

- Nguyên nhân là do việc quy hoạch mạng lưới trường mầm non và phổ thông chưa phù hợp với quy mô tăng trưởng dân số của từng địa bàn; quy hoạch quỹ đất cho xây dựng cơ sở giáo dục chưa được bổ sung, điều chỉnh kịp thời. Tốc độ đô thị hoá diễn ra khá nhanh, dẫn đến nhu cầu học tập của HS tăng cao, sĩ số HS ở một số nơi vượt quá quy định. Ngoài ra, việc di dân cơ học tại các xã, thị trấn vùng biển cũng ảnh hưởng đến việc lập kế hoạch, duy trì sĩ số HS và công tác phổ cập giáo dục các cấp. 

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, quản lý chất lượng giáo dục chưa được coi trọng đúng mức. Hiệu trưởng chưa chủ động trong quản trị trường học, làm việc còn theo thói quen, ngại đổi mới; chưa xây dựng các mục tiêu chiến lược phát triển nhà trường 

Chính sách GD-ĐT cũng chưa đủ mạnh để tạo động lực đổi mới trong ngành, chưa huy động được sự quan tâm của toàn xã hội trong việc thực hiện xã hội hóa giáo dục…

Để giải quyết những vấn đề này, thời gian tới, việc dự báo, quy hoạch mạng lưới trường lớp cần hợp lý, chính xác hơn nhằm đáp ứng yêu cầu của sự phát triển. Tính chủ động của Hiệu trưởng phải được thực hiện và phát huy. Các chính sách cho GD-ĐT cũng cần thiết thực hơn nữa, chủ trương xã hội hóa cần được đẩy mạnh để tạo động lực cho sự phát triển GD-ĐT… Ngoài ra, ngành cũng cần sự quan tâm, phối hợp của các cấp, các ngành, địa phương để hoàn thiện mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất; kiện toàn, bổ sung đội ngũ cán bộ quản lý và GV để thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra.

* Giáo dục - đào tạo luôn là lĩnh vực được tỉnh ưu tiên đầu tư phát triển, vậy trọng tâm kế hoạch trong giai đoạn 2020-2025 là gì, thưa bà?

- Đối với giáo dục MN, trong 5 năm tới, ngành sẽ tiếp tục tạo sự chuyển biến cơ bản về chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, hướng tới sự phát triển hài hòa về thể chất, tình cảm, trí tuệ và thẩm mỹ; củng cố, duy trì thành quả và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; xây dựng kế hoạch để tăng tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ. Đối với giáo dục phổ thông, mục tiêu của ngành là tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho HS. Song song đó là nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục, chú trọng giáo dục lý tưởng, đạo đức, truyền thống, lối sống, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có khả năng sử dụng ngoại ngữ độc lập trong học tập và làm việc, đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Nhật trên cơ sở thực hiện tốt, đảm bảo lộ trình của Đề án Ngoại ngữ 2020 và sau năm 2020.

Bên cạnh đó, ngành sẽ thực hiện các giải pháp tích cực để cải thiện về số lượng và chất lượng HS giỏi quốc gia, phấn đấu có HS giỏi tham dự kỳ thi khu vực và quốc tế; chú trọng công tác phân luồng HS sau THCS (dự kiến đến năm 2025, tỷ lệ phân luồng HS tốt nghiệp THCS vào THPT đạt 60% theo Kế hoạch số 135/KH-UBND của UBND tỉnh); giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 và phấn đấu đạt mức độ 3; phấn đấu đến năm 2025, có 91,5% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ THPT và tương đương.

Đối với GDTX, trong 5 năm tới, ngành chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo của các trung tâm GDTX; duy trì và củng cố vững chắc những kết quả đã đạt được về xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS, triển khai giáo dục bắt buộc 9 năm sau năm học 2020-2021; nâng cao tỷ lệ người biết chữ trong xã hội ngang bằng hoặc vượt tỷ lệ chung của cả nước.

Về cơ sở vật chất, kế hoạch trong 5 năm tới là xây dựng bổ sung mạng lưới trường đủ số phòng học đạt chuẩn 1 lớp/1 phòng cho giáo dục phổ thông, đủ số phòng phục vụ học tập, phòng bộ môn và thư viện các cấp học để bảo đảm điều kiện thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Trang thiết bị cũng đáp ứng yêu cầu thí nghiệm, thực hành của chương trình môn học, nâng cao hiệu quả sử dụng thiết bị dạy học, kỹ năng thí nghiệm, thực hành của HS. Đồng thời, ngành hướng đến tăng cường cơ sở vật chất để xây dựng trường đạt chuẩn với các mức độ. 

* Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!

Ngành GD-ĐT phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ ra lớp đạt 40%; huy động trẻ mẫu giáo ra lớp đạt 95%; tỷ lệ trường MN đạt chuẩn quốc gia là 55%. Theo kế hoạch của ngành, đến năm 2025, có 99,9% trẻ 6 tuổi vào lớp 1; 99,5% trẻ hoàn thành chương trình cấp TH và THCS; tất cả HS từ lớp 3 đến lớp 12 được học tiếng Anh theo Đề án 2020 của Chính phủ và tăng cường thêm 2 tiết tiếng Anh/tuần theo Nghị quyết 123/2019/NQ-HĐND ngày 13/12/2019 của HĐND tỉnh…

 


KHÁNH CHI (Thực hiện)

 

;
.