Kỳ 1: Mạng lưới trường lớp ngày càng hoàn thiện
Trong 5 năm trở lại đây, mạng lưới trường lớp trên địa bàn tỉnh được đầu tư ngày càng hoàn thiện cả về quy mô và chất lượng, đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập, góp phần thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ GD-ĐT.
Trường MN Long Xuyên (TP. Bà Rịa) là một trong những công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2015-2020. |
4.339 TỶ ĐỒNG XÂY DỰNG TRƯỜNG LỚP
Thực hiện mục tiêu phát triển con người, trong 5 năm qua, cơ sở vật chất, hệ thống trường lớp trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư, nâng cấp ngày càng được hoàn thiện.
Theo Sở KH-ĐT, giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã phân bổ ngân sách 4.339 tỷ đồng để đầu tư cơ sở vật chất cho ngành GD-ĐT (chiếm 15,12% tổng nguồn vốn đầu tư phát triển). Theo đó, 90 dự án trường học các cấp đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng (36 trường MN được xây mới, 52 trường TH và trung học xây dựng mới và cải tạo, mở rộng)…
Trong bức tranh chung về hệ thống trường lớp, đã có những điểm nhấn nhất định. Ông Hoàng Nguyên Dinh, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho hay, giai đoạn 2015-2020, hệ thống cơ sở vật chất trường lớp trên địa bàn huyện đã được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của HS trên địa bàn. Tổng số trường được xây mới (kể cả xây mới thay thế) là 16 trường với 159 phòng học. Trong 5 năm qua, tổng kinh phí đầu tư để hoàn thiện mạng lưới trường lớp trên địa bàn huyện là 605,2 tỷ đồng.
Tại huyện Côn Đảo, địa phương từng gặp khó khăn do quá tải trường lớp, mọi thứ đã thay đổi. Theo ông Nguyễn Văn Mạnh, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Côn Đảo, từ năm 2015 đến nay, huyện có 9 dự án trường học được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí 354,7 tỷ đồng. Trong đó có một số dự án trọng điểm như Dự án Khu bán trú trường TH Cao Văn Ngọc, Dự án Khu luyện tập TDTT Trường THCS-THPT Võ Thị Sáu; Dự án Trường THCS Côn Đảo (nay là THCS Lê Hồng Phong); Dự án Trường MN Sen Hồng; Dự án Trường TH Côn Đảo… Không chỉ vậy, UBND huyện còn đầu tư gần 13 tỷ đồng để trang bị thiết bị dạy học, hệ thống camera giám sát ở các trường MN, phổ thông, 13 phòng học tương tác; mua sắm bổ sung, thay thế phòng máy vi tính, phòng học tiếng Anh…
Tương tự, tại TP. Vũng Tàu, trong giai đoạn 2015-2020, thành phố đã mở rộng 18 trường, xây mới và đưa vào sử dụng 13 trường. Toàn thành phố hiện có 98 trường, trong đó có 29 trường đạt chuẩn quốc gia, hệ thống trường lớp khang trang, sạch đẹp. Cùng với đó, mạng lưới cơ sở giáo dục ngoài công lập cũng ngày càng phát triển với 188 cơ sở MN, tăng 50 cơ sở so với năm 2015. Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu cho hay, trong nhiệm kỳ qua, ngành GD-ĐT TP. Vũng Tàu đã sáp nhập 10 trường MN thành 5 trường, bố trí lại nhân lực các trường và thực hiện điều chuyển viên chức dôi dư do sắp xếp lại quy mô trường lớp. Nhờ vậy đã tiết kiệm được 116 biên chế bổ sung cho các trường thành lập mới.
TIẾP TỤC QUY HOẠCH HỆ THỐNG TRƯỜNG LỚP
Việc hoàn thiện mạng lưới trường lớp đã tạo những chuyển biến tích cực cho công tác giảng dạy và học tập, phần nào làm giảm áp lực trường lớp, nâng cao chất lượng GD-ĐT cho các địa phương nói chung và các cơ sở giáo dục nói riêng. Đơn cử như tại Phường 11 (TP. Vũng Tàu), địa bàn có mật độ dân số cao với mức tăng cơ học chóng mặt, trước đây, do chỉ có 1 trường là Trường TH Phước Thắng nên ngôi trường này nhiều năm liền ở trong tình trạng “báo động đỏ” vì quá tải.
Cô Nguyễn Thị Minh, Hiệu trưởng Trường TH Phước Thắng (TP. Vũng Tàu) cho hay, có năm học, toàn trường có tới gần 3.000 HS với 73 lớp, sĩ số trung bình là 47 HS/lớp. Tình trạng này khiến nhà trường phải tận dụng cả phòng họp, phòng truyền thống… làm phòng học, GV phải gồng mình vì sĩ số quá đông; việc tổ chức dạy 2 buổi/ngày và bán trú cũng rất hạn chế, chỉ đạt khoảng 30%; cổng trường thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Từ năm học 2019-2020, việc hoàn thành và đưa vào sử dụng Trường TH Phước An, áp lực trường lớp tại Phường 11 đã phần nào “hạ nhiệt”. “Từ khi trường mới được đưa vào hoạt động, Trường TH Phước Thắng còn tổng số gần 2.000 HS, việc giảng dạy, chăm sóc HS thuận lợi hơn. Từ năm học 2019-2020, nhà trường đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và bán trú cho gần 80% HS”, cô Nguyễn Thị Minh chia sẻ.
Trong khi đó, ông Hoàng Nguyên Dinh cho rằng, việc đầu tư phát triển hệ thống trường lớp đã tạo sự chuyển biến tích cực trong tổ chức các hoạt động dạy học và xây dựng hệ thống trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn. Đến nay, hầu hết các trường trên địa bàn huyện đã được đầu tư khang trang, sạch đẹp, có hệ thống cây xanh, thảm cỏ. Từ đó nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ và công tác giảng dạy, học tập tại các nhà trường, giúp HS gần gũi hơn với thiên nhiên và có điều kiện tham gia các hoạt động phát triển thể chất. Đây chính là nền tảng vững chắc để địa phương hoàn thành và vượt các chỉ tiêu về giáo dục. Không dừng lại đó, trong thời gian tới, UBND huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tham mưu UBND huyện quy hoạch nguồn quỹ đất đảm bảo cho phát triển giáo dục và đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất trường lớp nhằm đáp ứng nhu cầu học tập cho HS trên địa bàn.
Ông Nguyễn Văn Mạnh, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Côn Đảo khẳng định, việc xây dựng mới, đầu tư mở rộng các trường từ cấp mầm non đến phổ thông đã giúp cho 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện đạt chuẩn quốc gia, các trường được kiểm định chất lượng đạt mức độ II trở lên. Tới đây, địa phương sẽ tiếp tục xây dựng trường lớp đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành, với mục tiêu 100% HS các cấp được học 2 buổi/ngày. Cụ thể, giai đoạn tới, huyện Côn Đảo sẽ xây mới trường MN tại Khu 3 với quy mô 16 lớp; mở rộng MN Bến Đầm giai đoạn 2 với 4 nhóm/lớp; hoàn thành trường Tiểu học 17 lớp (dự kiến vào tháng 8/2021); mở rộng trường THCS Lê Hồng Phong thêm 12 lớp; xây dựng điểm trường MN Cỏ ống với 4 nhóm lớp; Điểm trường tiểu học Bến Đầm với 5 nhóm lớp và đầu tư Khu vui chơi ngoài trời cho các trường, sân bóng đá mini cỏ nhân tạo, hồ bơi cho thiếu nhi Côn Đảo…
Còn tại TX. Phú Mỹ, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện các công trình đã khởi công và công trình mới như: MN Hắc Dịch, MN Châu Pha, TH Nguyễn Văn Trỗi, TH Phú Mỹ 2 và TH Mỹ Xuân. Cùng với đó, giai đoạn 2020-2025, địa phương sẽ chi 111 tỷ đồng từ nguồn xổ số kiến thiết và ngân sách thị xã để đầu tư sửa chữa trung hạn giai đoạn 2020-2025.
Tổng số trường học các cấp là 449 trường, bao gồm 185 trường MN với khoảng 2.600 nhóm lớp, 137 trường TH với 3.225 phòng học, 90 trường THCS với 2.119 phòng học và 37 trường THPT với 1.024 phòng học. Tính đến tháng 6/2020, tổng số trường đạt chuẩn quốc gia là 271 trường (đạt 60,9%).
Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2020-2025, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa 59 trường học các cấp; xây mới bổ sung, thay thế hoặc cải tạo sửa chữa lớn để chống xuống cấp 28 dự án trường học từ nguồn vốn ngân sách tỉnh.
|
HOÀNG DƯƠNG
(Còn nữa)