Khi bước vào độ tuổi dậy thì (khoảng từ 13 đến 17 tuổi), cái tuổi thường được gọi là “ẩm ương”, hầu hết trẻ có sự biến đổi về tâm lý như: ương bướng, khó bảo, có xu hướng nổi loạn, luôn muốn thể hiện bản thân khiến phụ huynh “mất ăn, mất ngủ” vì lo lắng. Vậy cha mẹ phải làm sao để cùng con đi qua chặng đường này?
ƯƠNG BƯỚNG, NỔI LOẠN
Bướng bỉnh, nông nổi, không nghe lời, thích độc lập… là những biểu hiện của đa số học sinh khi bước vào tuổi “ẩm ương”. |
Gần đây, điều luôn khiến chị Nguyễn Thị Thành (đường Ngô Quyền, phường Thắng Nhất, TP.Vũng Tàu) mệt mỏi, lo lắng là cậu con trai từ một đứa con biết vâng lời, chăm ngoan trở nên lỳ lợm, thường xuyên cãi nhau gay gắt với ba mẹ. Chị Thành kể: Hoàng Duy, con trai chị năm nay đang học lớp 9. Mỗi lúc Duy đi học về là vào phòng ôm ngay điện thoại, ba hoặc mẹ nhắc ra tắm rửa ăn cơm, Duy luôn tỏ ra khó chịu, chỉ đáp gọn lỏn: “từ từ hoặc biết rồi”. Thậm chí nếu bị nhắc thêm, Duy sẽ hét toáng lên: Mỗi chuyện ăn cơm thôi mà nói nhiều quá! “Mình phụ nữ còn kiếm chế được chứ ba nó nghe vậy là nổi sùng lên. Bữa cơm gia đình luôn bị sự ương bướng của con trai phá hỏng”- chị Thành thở dài.
Cũng như chị Thành, chị Uông Thu Thủy (đường Phạm Hồng Thái, phường 7, TP.Vũng Tàu) cũng đang rơi vào tình trạng không thể hiểu nổi cô con gái của mình. Theo chị Thủy, từ khi lên lớp 7, Huyền bắt đầu có những việc làm khiến chị “sốc” như tự ý sử dụng tiền lì xì mua quần áo, mỹ phẩm mà không hỏi ý kiến mẹ; tụ tập bạn bè đi chơi. Rồi sau đó là hàng loạt những việc làm mà theo chị Thủy là không bình thường như ăn mặc không giống ai, tỏ thái độ không thích mỗi khi mẹ nhắc nhở học hành hoặc gọi điện mỗi khi về muộn. Nếu góp ý với con chuyện tóc tai, ăn mặc thì nó bảo mẹ biết gì, đấy là mốt của bọn con bây giờ. Mặc vậy thì sao, tóc vậy thì sao, chả lẽ mẹ nhìn mỗi một bộ đồ để đánh giá một con người à? “Cứ từ những chuyện như vậy đã khiến mẹ và con ngày càng có khoảng cách, đã lâu rồi hai mẹ con không thể trò chuyện với nhau như trước. Tôi thực sự rơi vào trạng thái bất lực, nhiều lần khóc vì không thể nói được con”-chị Thủy buồn bã nói.
Không chỉ có gia đình chị Thành, chị Thu mà hầu hết bậc phụ huynh đều rơi vào trạng thái “máu không thể lên não” chỉ vì nhà có đứa con vào “ẩm ương”. Đây là cái tuổi dở dở ương ương nhất của đời người, cái tuổi mà tâm sinh lý nổi loạn, thậm chí có trường hợp nhiều em đâm ra chán ghét, quay sang trách móc ba mẹ; bất mãn với tất cả mọi thứ, từ gia đình, bài vở đến các mối quan hệ xung quanh. Dẫn tới việc kết giao với bạn xấu rồi ngày một trở nên hư hỏng, bỏ bê việc học hành.
ĐỪNG ĐỐI ĐẦU VỚI CON
Theo các chuyên gia tâm lý học, dậy thì là một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời. Ở lứa tuổi này, thể chất và tinh thần trẻ có nhiều thay đổi. Các em dễ tự ái cũng như cảm thấy tổn thương khi bị bố mẹ quát mắng nặng lời, thậm chí có nhiều hành động nông nổi. Và nếu khi trẻ có biểu hiện chống đối, tất nhiên phụ huynh sẽ bất mãn và cũng cảm thấy tổn thương. Nhưng đừng “đối đầu” với con bằng cách dùng quyền lực của mình để áp đảo. Nếu làm vậy chẳng khác nào “đổ dầu vào lửa”. Một số bậc cha mẹ cũng tự học hỏi, đúc rút cho mình những kinh nghiệm riêng.
Theo anh Nguyễn Hồng Vinh (đường Nguyễn An Ninh, TP.Vũng Tàu), anh cũng có một cậu con trai, đang học lớp 10. Có lần con đi chơi về muộn khi anh gọi điện thoại thì con tắt ngang điện thoại không nghe máy. Nhưng thay vì tức giận, anh thấy lúc này phải giữ cho mình bình tĩnh. Khi hai bên đều đang kích động, tốt nhất cha mẹ nên là người nhẫn nại, chờ trẻ ổn định tâm trạng trở lại rồi mới bắt đầu quá trình chia sẻ, “đàm phán”. Vì vậy, khi con về nhà anh coi như không có chuyện gì xảy ra. Hôm sau, khi nhà chỉ có 2 ba con, lúc này anh mới nói: Ở tuổi con, thần tượng 1 ca sĩ nào đó, rồi bắt chước cắt tóc mặc quần áo theo họ hay ham chơi…, cũng là chuyện bình thường. Hơn nữa, ba đã từng bắt đầu nơi con đã đi qua nên ba hiểu. Nhưng ba luôn lo lắng vì “thả” con ra trong một môi trường xã hội đầy chuyện bất an như bây giờ mà ba không dõi theo con, ba thấy như vậy là vô trách nhiệm. Ba nghĩ rằng, ba yêu thương con thì ba có quyền góp ý và nên gọi điện mỗi khi con về muộn. Còn về chuyện như con cái a dua theo thời trang, anh Vinh chia sẻ, cần xem con như người bạn và trao đổi nhẹ nhàng. Ví dụ như, có thể bày tỏ quan điểm, theo ba thời trang phải phù hợp với lứa tuổi, thẩm mỹ và cái đẹp, mình thần tượng ai đó phải biết chắt lọc cái hay, cái đẹp của họ để theo và phải biết cái dị hợm, nhảm nhí của họ để tránh...
Là một giáo viên có kinh nghiệm nhiều năm trong công tác chủ nhiệm, gắn bó với nhiều thế hệ học sinh từng đi qua tuổi “ẩm ương”, cô Nguyễn Thị Khương (Trường THCS Thắng Nhất, TP.Vũng Tàu) cho rằng: Thường các em học sinh bước vào lớp 8 tới lớp 11 thể hiện cái tôi rất rõ. Lúc này, tâm lý các em dễ dao động, thiếu khả năng kiềm chế cho nên ngôn ngữ và hành động của trẻ khi đang muốn chống đối thật sự rất kịch liệt. Vì vậy, lúc này đòi hỏi người lớn phải là người giữ cái đầu lạnh để tránh bầu không khí thêm nặng nề, khó hòa giải. Cùng đó, ở tuổi này phải vừa dạy vừa dỗ, trước nhất các bậc phụ huynh hãy cho con quyền tự quyết trong một số vấn đề dựa trên sự thảo luận vấn đề đó với bố mẹ. Khi con được tôn trọng, các con mới dám “mở lòng” biểu lộ quan điểm của mình và bố mẹ có thể đóng góp ý kiến, phân tích giúp con có lựa chọn tốt nhất. Bố mẹ cũng cần chuẩn bị cho mình những kiến thức cần thiết về tâm sinh lý lứa tuổi để có thể hiểu và gần gũi con. Đồng thời, phụ huynh nên trò chuyện với con về những việc diễn ra ở trường, ở nhà, quan hệ với bạn bè... và chia sẻ, định hướng kịp thời khi con có suy nghĩ tiêu cực”.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN