Chương trình, SGK lớp 1 mới: Cơ bản đi vào nề nếp
Với sự chuẩn bị chu đáo của ngành GD-ĐT tỉnh, đến thời điểm này, việc thực hiện chương trình phổ thông mới với lớp 1, năm học 2020-2021 đã đi vào nề nếp. Các nhà trường cũng “định hình” được những thuận lợi, khó khăn trong việc triển khai chương trình, SGK lớp 1 mới.
Học sinh lớp 1/2, Trường TH Bùi Thị Xuân trong tiết học Tiếng Việt. |
NỖ LỰC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỚI
Cô Phan Thị Thu Nga, Hiệu trưởng Trường TH Lê Thành Duy (TP. Bà Rịa) cho biết, năm học này, trường có 236 HS khối lớp 1 với 6 lớp. Để tạo thuận lợi cho việc triển khai chương trình, SGK lớp 1 mới, nhà trường đã cử 15 cán bộ quản lý, GV đi tập huấn. Đội ngũ GV giảng dạy lớp 1 năm học này đều là những GV có trình độ ĐH, có kinh nghiệm nhất định trong giảng dạy, nhanh nhạy, nhiệt huyết, giỏi công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, HS lớp 1 có nhu cầu bán trú đều được tiếp nhận. Hiện nay, khối lớp 1 có 100% HS học 2 buổi/ngày, trong đó có 173 em bán trú.
Còn thầy Phạm Duy Khánh Quân, Hiệu trưởng Trường TH Bùi Thị Xuân (TP. Vũng Tàu) thì cho hay, nhà trường ưu tiên 100% HS lớp 1 học 2 buổi/ngày, đồng thời sắp xếp cho tất cả các em có nhu cầu được học bán trú. Hiện nay, toàn trường có 262 HS lớp 1 ở 7 lớp, trong đó có 6 lớp bán trú và 1 lớp 2 buổi. Dù chỉ có 7 lớp 1 những nhà trường đã cử tới 13 GV, cán bộ quản lý tập huấn chương trình lớp 1. Cùng với đó, nhà trường còn trang bị màn hình cảm ứng cho các lớp 1 để GV có thể kết hợp giảng dạy bằng phiên bản điện tử.
Bên cạnh đó, một số trường gặp khó khăn do quá tải trường lớp cũng tìm phương án để triển khai chương trình lớp 1 mới. Theo cô Vũ Thị Lý, Hiệu trưởng Trường TH Chí Linh (TP. Vũng Tàu), toàn trường có gần 2.800 HS với 58 lớp. Trong đó có 595 HS lớp 1 ở 12 lớp. Cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu thực tế nhưng nhà trường đã cố gắng cân đối, ưu tiên sắp xếp cho HS lớp 1 được học 8 buổi/tuần theo yêu cầu triển khai chương trình SGK lớp 1 mới, trong đó có 7 lớp bán trú.
Với sự chuẩn bị tương đối chu đáo của toàn ngành cả về cơ sở vật chất, đội ngũ, lựa chọn, cung ứng SGK, đến thời điểm này, việc triển khai chương trình phổ thông mới lớp 1 đã diễn ra theo đúng kế hoạch, cơ bản đi vào nề nếp. Hiện nay, khoảng 23 ngàn HS lớp 1 thuộc hơn 130 trường TH trên địa bàn tỉnh đều được học 2 buổi/ngày, đáp ứng yêu cầu của Bộ GD-ĐT trong triển khai chương trình SGK lớp 1 mới. Sở GD-ĐT đã lên kế hoạch sau 4 tuần thực học, các hội đồng bộ môn khối lớp 1 sẽ làm việc để nắm bắt thuận lợi, khó khăn của từng môn, từ đó cùng chia sẻ, học hỏi, góp ý và rút kinh nghiệm.
Nhà trường không được ép buộc HS mua tài liệu tham khảo hoặc giới thiệu sách tham khảo cho phụ huynh mua. Sở đã chỉ đạo phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm tra các trường TH trong việc trang bị SGK và tài liệu tham khảo nhằm chấn chỉnh kịp thời những sai phạm nếu có.
(Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT)
|
CHƯƠNG TRÌNH NHẸ NHÀNG, LÔI CUỐN HS
Qua 3 tuần thực học, các nhà trường, thầy cô đã bước đầu “định hình” được những thuận lợi, khó khăn trong việc triển khai chương trình, SGK lớp 1 mới. Thầy Thạch Lê Hùng, GV Giáo dục thể chất Trường TH Bùi Thị Xuân cho biết, chương trình Giáo dục thể chất lớp 1 gồm 3 phần: đội hình đội ngũ, bài thể dục và thể thao tự chọn. Trong đó, nội dung đội hình đội ngũ và thể dục cơ bản vẫn theo chương trình cũ nhưng thầy và trò tương tác nhiều hơn, HS phải phát huy tính chủ động, kỹ năng quan sát, làm việc nhóm. Điều này tương đối khó khăn với những HS vừa bước vào lớp 1, đòi hỏi cả thầy và trò đều phải cố gắng để bắt nhịp. Tuy nhiên, thầy Hùng cũng nhấn mạnh: “Điều tôi tâm đắc nhất là lần đầu tiên môn thể thao tự chọn được đưa vào trường học ngay từ lớp 1, tạo điều kiện cho HS phát triển thể chất từ sớm. Chương trình cũng đưa ra 2 môn tự chọn là bóng rổ và bóng đá để các trường lựa chọn cho phù hợp với điều kiện thực tế”.
Cô Đào Thị Thu Phong, Khối phó khối lớp 1, Trường TH Bùi Thị Xuân thì nhận định, chương trình lớp 1 mới có tính “mở” khá cao. Chương trình tạo điều kiện cho GV được sáng tạo trong từng tiết học. Mỗi bộ sách có nguồn học liệu điện tử tương đối phong phú, hỗ trợ GV, phụ huynh trong việc giảng dạy, tham khảo. Tuy nhiên, thử thách đặt ra là muốn phát huy được điểm mạnh của chương trình mới, GV buộc phải có sự chuẩn bị chu đáo và tham khảo thêm nhiều tài liệu cho bài giảng của mình.
Đánh giá riêng từng môn học, cô Thu Phong cho hay, với môn tiếng Việt, chương trình SGK lớp 1 mới chia theo chủ điểm, những câu chuyện đưa vào thường là chuyện đời thường, gắn với thực tiễn cuộc sống chứ không phải là truyện dân gian như chương trình cũ. Với môn Toán, hiện giảng dạy 3 tiết/tuần, giảm 1 tiết so với chương trình trước đây, kiến thức có phần nhẹ nhàng, có thêm những bức tranh theo chủ đề để dẫn dắt vào bài học, tạo hứng thú cho HS. Ngoài ra, chương trình mới còn có thêm hoạt động trải nghiệm, tạo cơ hội cho HS phát huy phẩm chất, năng lực của mình. “Nhìn chung, trong những tuần học đầu tiên, chương trình SGK lớp 1 mới khá nhẹ nhàng, đơn giản nên cả cô và trò hầu như không gặp khó khăn trong việc dạy và học. Do các em đã học 2 buổi/ngày nên nhà trường cũng không giao bài tập về nhà. Tuy nhiên, tới cuối học kỳ 1 và sang học kỳ 2, chương trình học sẽ đặt ra những yêu cầu cao hơn cho HS nên GV rất cần sự đồng hành của phụ huynh trong việc nhắc nhở, kèm cặp các con ôn lại để nắm vững kiến thức đã học trên lớp, nhưng không cần thiết phải cho các con đi học thêm, học trước chương trình”, cô Phong nói.
Năm học 2020-2021, tại Trường TH Lê Thành Duy, toàn bộ HS lớp 1 được học 2 buổi/ngày, những em có nhu cầu bán trú đều được đáp ứng. Trong ảnh: HS Trường TH Lê Thành Duy bán trú tại trường học. |
Còn cô Nguyễn Thị Dung, GV chủ nhiệm lớp 1A3, Trường TH Lê Thành Duy chia sẻ: “Do đã được Nhà xuất bản và các tác giả trực tiếp tập huấn nên tôi khá tự tin trong việc triển khai giảng dạy chương trình SGK lớp 1 mới. Qua giảng dạy, tôi nhận thấy chương trình môn Toán có sự giảm tải nên tương đối nhẹ nhàng. Riêng môn tiếng Việt, ngay trong tuần đầu thực học, các em đã học các âm, trong khi chưa làm quen với các nét nên cô trò khá vất vả. Điều này nên được điều chỉnh để việc giảng dạy thuận lợi hơn. Những nội dung còn lại của chương trình, dù đã qua tập huấn nhưng phải qua giảng dạy thực tiễn, GV mới có thể đánh giá, rút kinh nghiệm được”.
Riêng về tài liệu tham khảo, cô Phan Thị Thu Nga, Hiệu trưởng Trường TH Lê Thành Duy nhấn mạnh, nhà trường không yêu cầu phụ huynh mua thêm tài liệu tham khảo đối với lớp 1. Điều này đã được GV chủ nhiệm phổ biến rõ ràng trong cuộc họp phụ huynh mới đây. Nhà trường cũng khuyến cáo phụ huynh nên cân nhắc khi mua sách tham khảo, chỉ mua khi cảm thấy thực sự cần thiết, tránh mua tràn lan, gây lãng phí.
Bài, ảnh: KHÁNH CHI