Từ xa xưa, cuộc sống của đồng bào dân tộc Châu Ro gắn với núi rừng, trẻ con vài tuổi đã biết trèo cây, đu dây, làm ná, đi cà kheo hằng ngày. Vì vậy, cà kheo được coi như “đôi chân” để kết nối mỗi gia đình đồng bào dân tộc lại gần nhau hơn. Ngày nay, cà kheo là môn thể thao dân gian thu hút đông đảo người dân tham gia, nhất là trong những ngày hội của đồng bào.
Cà kheo là vật dụng quen thuộc lưu giữ nét văn hóa truyền thống của người đồng bào dân tộc Châu Ro. |
Trong thi đấu, cà kheo là môn thể thao dành cho tập thể, chủ yếu là nam nữ thanh niên. Khi bắt đầu trò chơi, người chơi có thể chia làm hai đội để thi đấu với nhau. Mỗi người sẽ đi trên cây cà kheo để thi đấu. Để đi được trên cà kheo đòi hỏi người chơi phải lấy được thế cân bằng, có bước đi chính xác, sức khoẻ tốt và phải khéo léo kết hợp nhịp nhàng cả chân lẫn tay. Trong quá trình thi đấu nếu ai ngã hoặc chậm hơn đối thủ sẽ là người thua cuộc. Đi cà kheo thường có các kiểu thi như: thi đi bộ, thi chạy.
Theo ông Nguyễn Ngọc Sáu, Quản lý Nhà Văn hóa Bàu Chinh (xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức), cà kheo đi theo cặp nên để làm được 1 cặp cà kheo vừa ý phải mất rất nhiều thời gian và công sức. Cây được chọn phải bảo đảm chắc chắn, thẳng, có trọng lượng tương đối để không mất quá nhiều sức trong quá trình sử dụng cà kheo. Cụ thể là cây tre làm cà kheo được chọn phải là những cây già cỗi, chắc chắn, thẳng, gióng (lóng) cao từ 1,65-1,8m, đường kính khoảng 4,5cm, bề mặt bào nhẵn. Chọn 1 đầu của cây, dựng thẳng đứng, đo từ mốc thân tre chạm đất lên khoảng 40cm thì đánh dấu làm bàn đạp để cắt cho vừa tay, chân, nhưng không cắt bỏ phần mắt gióng vì phần mắt có độ cứng cao được dùng làm giá đỡ chân và cả thân mình. 1 tấm gỗ dài khoảng 25cm hoặc 1 thanh tre được đặt vuông góc với thân chính làm nơi để chân, bàn đạp của cà kheo; 2 thanh tre có độ dài tương tự đặt chéo góc để tạo thành hình tam giác cân cố định bàn đạp cho chân bám chắc và toàn thân giữ thăng bằng trên chiếc cà kheo.
Trước đây, đồng bào dân tộc thường làm cà kheo rất cao, cao bằng sàn nhà khoảng 2m vì thanh niên trai làng đi chọc sàn hoặc hò hẹn bạn gái thường đi bằng cà kheo. Do sinh sống trong rừng sâu, ban đêm nhiều rắn rết, thú dữ nên cà kheo xưa được dùng nhiều để đi lại, tới lui thăm hỏi nhau của người dân trong làng; đường đi lối lại thường là đường đất, mùa mưa lầy lội nên cà kheo còn được đồng bào dân tộc Châu Ro sử dụng để đi lại khỏi bẩn chân. Cà kheo không chỉ để chơi vui mà còn được đồng bào đưa vào lễ hội để thi đua nhau ai làm cà kheo khéo, đẹp, bền, chắc hơn.
Sau phần thi cà kheo, các thanh niên trai tráng lại chuyển sang múa, hát và hò đối đáp, giao duyên để gắn kết thêm tình làng nghĩa xóm. Anh Đào Văn Hữu (ấp Vinh Thanh, TT.Ngãi Giao), người dân tộc Châu Ro hồ hởi nói: “Lúc lên 5 tuổi đã được ba mẹ dạy cách đi cà kheo, đi học về, lên nương rẫy tôi đều mang theo cà kheo để tập. Không nhớ đã té bao nhiêu lần nhưng mỗi lần có hội thao phong trào dành cho đồng bào dân tộc tôi đều tham gia. Mỗi lần chạm vào cà kheo, cơ tay chân như co rút lại sẵn sàng bật chạy bất cứ lúc nào”. Hiện anh là thành viên đội tuyển cà kheo, nhiều lần đại điện địa phương tham gia thi đấu với các tỉnh, thành trên cả nước.
Ông Nguyễn Ngọc Sáu cho biết, việc thi thố, phân cao thấp như một cách giúp thế hệ trẻ biết được những gian nan, hiểm nguy trong quá trình chế ngự thiên nhiên để tồn tại của đồng bào Châu Ro xưa. Từ đó giáo dục lớp trẻ đã an cư thì phải biết lạc nghiệp, say mê lao động nhằm phát triển kinh tế gia đình.
Theo ông Đinh Xuân Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin-Thể thao huyện Châu Đức, Chủ nhiệm Nhà Văn hóa Dân tộc Bàu Chinh, những năm trở lại đây, các môn thể thao truyền thống của đồng bào dân tộc Châu Ro được quan tâm, đầu tư và đưa vào thi đấu ở nhiều chương trình hội thao trên địa bàn huyện. Trong đó, cà kheo là một trong những môn thể thao thu hút sự tham gia đông đảo nhất của thế hệ trẻ. Qua đó cũng góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc.
Bài, ảnh: MAI NGỌC