Bao giờ cũng có lối thoát

Thứ Sáu, 04/09/2020, 20:31 [GMT+7]
In bài này
.

Yêu và quyết liệt gìn giữ tình yêu, giữ lấy người mình yêu là tâm lý chung của cả thảy mọi người. Trong mắt họ, người đang yêu là cả… bầu trời (!), dù có cho đổi lấy hoa khôi, hoa hậu họ cũng không màng; dù đổi lấy người khác giàu có hơn, có địa vị cao sang hơn nhưng chắc gì họ đã bằng lòng. Họ nghĩ đến ngày được sống yên vui chung một mái nhà, sinh con đẻ cái và thậm chí còn tự nhủ: “Chỉ có cái chết mới chia lìa lứa đôi”. Họ yêu theo nhịp đập tự nhiên, thậm chí mù quáng của cảm xúc, lý trí đừng hòng có thể can thiệp chứ đừng nói đến ý kiến của người ngoài.

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

Tóm lại, cuộc tình ấy dứt khoát phải có một kết thúc tốt đẹp, không thể nào có chuyện ngăn cách, chia lìa, đổ vỡ. Trong đầu họ không bao giờ xuất hiện những từ hắc ám như “chia tay”, “ly biệt”, “đường ai nấy đi”.v.v… Nếu cuộc tình nào cũng diễn ra như thế, rõ ràng đời rất đẹp. Đẹp như mơ. Đẹp như trong tiểu thuyết, có hai nhân vật yêu nhau nồng nàn rồi trở thành chồng vợ ăn đời ở kiếp.

Tưởng vậy, nhưng rồi không phải vậy. Nghĩ cho cùng cũng là lẽ bình thường trong cuộc sống. Bởi do nhiều lý do, nghịch cảnh nên cuối cùng hai người không thể đến được với nhau. Đó là sự thật mà người trong cuộc phải biết chấp nhận, dù chấp nhận trong tâm thế như câu dân ca Nam Trung bộ “giọt lệ sầu, giọt lệ thảm như nước trong bình nó chảy ra”. Ý thức này cần phải tự trang bị như một kỹ năng sống để khi cuộc tình của mình không suôn sẻ, nó “trật đường ray”, mình sẽ có cách giải quyết theo chiều hướng tích cực hơn.

Đối diện với sự đổ vỡ, nhiều người trở nên hoảng loạn, thay đổi tâm tính và chỉ nghĩ đến một điều: Bằng mọi cách chiếm giữ lấy chàng/nàng cho bằng được. Liệu có giữ được không?

Dù bây giờ đã yên bề gia thất, đã có cuộc sống khác nhưng anh Hiếu vẫn còn ray rứt, ăn năn, tự dằn vặt mình mỗi khi nhớ lại chuyện tình thời sinh viên. Ngày đó, trong nhóm bạn, chúng tôi đinh ninh An và Hiếu sau khi ra trường sẽ tổ chức đám cưới. Cả hai đẹp đôi, cùng học giỏi, họ luôn sóng đôi ríu rít như chim non. Một ngày kia, An chủ động nói lời chia tay vì nhận ra Hiếu quá ghen tuông, hễ cô trò chuyện với ai, dù bàn luận chuyện học tập thì cũng bị làm tình làm tội, truy vấn. Chưa là vợ chồng đã mất tự do, bị kiểm tra nghiêm ngặt mọi thứ, khi chung sống sẽ thế nào?

Không chịu sửa chữa tính nết, không chấp nhận chia tay nên Hiếu đã bêu riếu bạn mình ngay tại giảng đường. Những gì tưởng là bí mật giữa hai người, Hiếu không ngần ngại tung hê cho bạn bè cùng biết. Quá xấu hổ, An sốc nặng. Đỉnh điểm là lúc Hiếu đánh cô gãy tay vì “không chịu nghe lời”.

Sau cú đó, An xấu hổ không thể nào theo tiếp việc học nữa, bỏ ngang về quê. Hiếu bị đuổi học. Từ đôi bạn học giỏi, cuộc đời họ rẽ sang một hướng khác chẳng hề sáng sủa gì. Ban đầu Hiếu tưởng rằng, hành động của mình sẽ níu giữ được An nhưng rồi kết cục chẳng ra làm sao, chỉ gây ra sự thù oán mà không bao giờ được tha thứ.

“Không ăn được thì đạp đổ” là tâm lý ích kỷ của nhiều người. Gần đây, dư luận choáng với cách trả thù rất quái đản của kẻ cuồng yêu. Họ sử dụng mọi biện pháp, kể cả vũ lực thô bạo. Lúc đó, họ nhân danh vì tình yêu, nhưng thật ra không phải, điều đó chỉ thể hiện sự độc ác. Cứ cho là người kia xấu xa “thay lòng đổi dạ”, “tham tài bỏ ngãi” đi nữa, có lẽ cách khôn ngoan nhất vẫn nên tâm sự với bạn bè, người thân để tìm cách tháo gỡ.

Biết lắng nghe lời khuyên chân tình cũng là một sự an ủi cần thiết, và người ngoài bao giờ cũng có cái nhìn sáng suốt hơn. Đừng dại dột giấu kín nỗi buồn bực, thất vọng âm ỉ trong lòng rồi cuối cùng có những hành động bộc phát. Đã có nhiều trường hợp vì giận mất khôn nên sau các vụ “xử lý” đó, có người phải nhập viện, có kẻ rơi vào vòng lao lý. Mà bấy giờ sự ăn năn, xin lỗi đã quá muộn.

Tôi có anh bạn là giám thị ở trại giam nọ, với các phạm nhân thụ án vì tình, anh cho biết, hầu như ai cũng có chung ước ao được mở đầu bằng từ “nếu”. Nếu ngày đó, họ biết cách ứng xử cao thượng hơn thì mọi việc đã khác. Phép ứng xử đó, nhiều nhà tâm lý cho rằng cách tốt là hãy tâm niệm, dám đối diện sự thật bằng cách đọc câu “thần chú”: “Cầu mong em có người tình như tôi đã yêu em”. Câu thơ này của Puskin, có thể đổi từ “em” sang “anh” và ngược lại.

Sự “buông thả”, rút lui nhẹ nhàng ấy tưởng dễ nhưng rất khó. Dù khó nhưng vẫn có thể thực hiện được. Tình yêu, tự nó sống được bằng chính tình yêu, một khi người ta đã không còn yêu nữa thì mọi biện pháp can thiệp thô bạo, tàn nhẫn đến cỡ nào cũng chỉ là số “zero” to đùng. Tình yêu cũng không thể được nuôi dưỡng bằng sự thương hại. Chưa kể, chính vì các hành động đó mà nhân cách chính mình bị “mất giá” thảm hại, không chỉ trở thành kẻ đáng ghét mà còn vi phạm luật pháp.

Tâm sự với tôi, chị Tuyết cho biết, bây giờ nghĩ lại, chị vẫn còn rùng mình. Lúc nghe tin người yêu chuẩn bị đi cưới vợ, ngày đó chị như điên cuồng chỉ nghĩ đến cách giết chết kẻ tình phụ rồi kết liễu mạng sống. May mà chị được bố mẹ, bạn bè kịp thời cứu ra khỏi cái vòng luẩn quẩn đó. Mọi người khuyên chị, cách tốt nhất là hãy tự rút lui, không nên níu kéo cái gì đã mất dù mình rất mực yêu thương. Dần dà, chị bình tâm trở lại và cưới chồng như bao người khác. Với hạnh phúc hiện đang có, chị “triết lý” một câu mà tôi ngẫm nghĩ thấy đúng: “Ông trời một khi khép cánh cửa này, bao giờ cũng mở ra cánh cửa khác. Do đó, trước nghịch cảnh, đừng bao giờ tuyệt vọng”.

Vâng, phía trước vẫn còn có cánh cửa khác, vì thế, chẳng việc gì phải đâm đầu vào cánh cửa đã khép.

LÊ MINH QUỐC

 
;
.