Nhiều năm về trước, đồng bào dân tộc Châu Ro có thói quen săn bắt, hái lượm. Họ sử dụng dao và nỏ để làm nương rẫy, săn bắt thú rừng và coi đây là dụng cụ bất ly thân của mình. Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, người Châu Ro không còn phải phụ thuộc vào nghề săn bắt. Tuy nhiên, nỏ vẫn được coi là một vật có giá trị lịch sử của đồng bào dân tộc Châu Ro. Bắn nỏ là một môn thể thao quen thuộc và mang ý nghĩa văn hóa riêng của đồng bào.
Người dân tộc Châu Ro sinh sống tại huyện Châu Đức trước đây sử dụng nỏ làm công cụ chính để săn bắn thú rừng. |
Huyện Châu Đức là nơi tập trung sinh sống của 1.226 hộ là đồng bào dân tộc Châu Ro, tại địa phương này có 3 Nhà văn hóa dân tộc, 1 miếu Quan Âm của đồng bào. Đây là nơi tổ chức lễ cúng Thần Lúa, Thần Rừng... Trong lễ hội còn có chương trình văn nghệ được biểu diễn bằng các nhạc cụ và hội thao phong trào thu hút đông đảo người tham gia như: kéo co, nhảy bao bố, đi cà kheo, đẩy gậy… Đặc biệt, môn bắn nỏ luôn nhận được sự quan tâm từ đông đảo người dân.
Anh Dương Văn Rinh (ấp Hoàng Giao, TT.Ngãi Giao), người dân tộc Châu Ro, thành viên đội tuyển bắn nỏ có thành tích hơn 10 năm đại diện địa phương đi thi đấu ở nhiều tỉnh, thành trên khắp cả nước cho biết: “Để bắn chuẩn xác mũi tên vào tâm bia đòi hỏi sự khéo léo và dày công tập luyện ở mỗi thành viên. Với người Châu Ro, người bắn chuẩn và đạt thành tích cao ở lễ hội còn là minh chứng cho sự siêng năng, cần cù trong cuộc sống nên môn này luôn có đông người đăng ký tham gia”.
Theo anh Rinh, từ nhỏ anh đã được ba mình chỉ dạy kỹ thuật bắn nỏ để săn bắt thú rừng. Đến năm 15 tuổi, anh tự làm cho mình cái nỏ đầu tiên. Anh cho biết, quá trình làm ra 1 cái nỏ rất công phu. Đầu tiên phải chọn được loại gỗ làm nỏ phải là gỗ cây roi hoặc cây bình linh. Cây được chọn to bằng 3 bắp chân người trưởng thành, đem phơi nắng rồi tiến hành đẽo gọt. Nỏ có 3 phần chính là cánh nỏ, thân nỏ và dây gai. Cánh nỏ dài khoảng 90cm đến 1,1m, có độ cong nhẹ, 2 bên có mấu để móc dây gai. Thân nỏ được đẽo có hình trụ dài khoảng 90cm, phần đầu có 1 rãnh nhỏ để đặt tên; đoạn giữa thân nỏ có 1 chốt được xem như cò để khi lên dây, đặt tên vào vị trí, nhắm mục tiêu và bóp cò đẩy tên bắn tới phía trước.
Dây gai trước đây khi có rừng, dây được làm từ 1 loại cây dây leo sống trong rừng rất bền và có độ đàn hồi tốt, nay rừng không còn nên dây được làm từ thân cây lá gai dùng trong làm bánh của bà con trong vùng; thân cây đập dập, xe nhỏ thành nhiều sợi rồi xoắn lại với nhau thành 1 sợi lớn nối liền 2 đầu cánh nỏ; loại dây này có độ đàn hồi tương đối và độ bền tốt nên được dùng để thay thế cho dây cây rừng. Bình quân mỗi cái nỏ làm hoàn tất phải mất thời gian hơn 3 tháng. “Làm nỏ, quan trọng nhất là phải canh được độ cong của cánh nỏ 2 bên đều nhau. Phải đều thì tên bắn đi mới chuẩn, đúng mục tiêu”, anh Rinh nói.
Để mỗi chuyến đi săn bắt được nhiều thú, đồng bào dân tộc Châu Ro đã làm rất nhiều mũi tên, mỗi mũi tên có chiều dài khoảng 30cm 1 đầu vót nhọn, đầu còn lại được chèn vào một mảnh nhỏ rất mỏng của lá cây chiếu được xếp hình thoi. Lá cây được cố định để cắt gió, tạo sự ổn định của mũi tên khi bắn ra.
Thông thường, mũi tên được đặt trong ống lồ ô già hoặc thân cây tre tầm vông, có nắp đậy. Khi đi săn, người thợ sẽ mang theo chiếc gùi nhỏ để bỏ chiến lợi phẩm là sóc, chim, chuột... vào bên trong.
Theo người dân Châu Ro, ngày nay do sự phát triển của xã hội, diện tích rừng bị thu hẹp nên chim chóc, thú rừng cũng tìm nơi khác trú ngụ. Người dân chuyển từ săn bắt sang trồng trọt, chăn nuôi và không săn bắn thú rừng theo quy định của Nhà nước. Thế nhưng, nỏ và cách làm, sử dụng nỏ vẫn được lưu giữ và trở thành một nét văn hóa lịch sử của đồng bào dân tộc.
Ông Trần Phúc Lộc, Trưởng phòng Dân tộc huyện Châu Đức cho biết: “Được sự quan tâm của Đảng, nhà nước và chính quyền địa phương, đời sống đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện không ngừng được nâng lên, công tác bảo tồn văn hóa dân tộc, lễ hội văn hóa thể thao được giữ gìn và chú trọng. Mỗi năm địa phương đều tổ chức các giải hội thao phong trào để tạo môi trường tập luyện và tìm kiếm thành viên cho đội tuyển”.
Bài, ảnh: MAI NGỌC