NHỮNG TRẬN ĐÁNH CỦA QUÂN VÀ DÂN BR-VT TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP

Tiến công tiêu diệt đồn Thạnh An

Thứ Năm, 20/08/2020, 20:38 [GMT+7]
In bài này
.

Thạnh An là một xã đảo thuộc huyện Cần Giờ, cách trung tâm Cần Giờ khoảng 8km theo đường chim bay. Tháng 12/1952 Biệt động đội thị xã Cấp (Vũng Tàu) đã tiến công tiêu diệt đồn Thạnh An nằm trên địa bàn xã đảo này.

Xã đảo Thạnh An ngày nay.
Xã đảo Thạnh An ngày nay.

Năm 1952, một cơn bão lớn chưa từng có bất ngờ ập vào Nam bộ. Bão kéo dài, nước sông suối dâng lên đột ngột gây nạn úng lụt nghiêm trọng. Ở các vùng căn cứ kháng chiến, quân và dân ta vừa chiến đấu vừa lo tăng gia sản xuất, tự túc lương thực, cuộc sống vô cùng khó khăn gian khổ.

Trên chiến trường miền Đông, thực dân Pháp tiếp tục đẩy mạnh kế hoạch bình định, càn quét, lấn chiếm, kiểm soát gắt gao các tuyến đường giao thông quan trọng. Để khai thông tuyến đường thủy chở lúa gạo từ Gò Công, Cần Giuộc về Căn cứ Khu Tây (Phú Mỹ), Tỉnh ủy Bà Rịa - Chợ Lớn (Bà Chợ) giao nhiệm vụ cho Thị ủy và Thị đội thị xã Cấp (Vũng Tàu) nghiên cứu phương án tiến công tiêu diệt đồn Thạnh An án ngữ tuyến giao thông đường thủy quan trọng này. 

Xã đảo Thạnh An thuộc huyện Cần Giờ, diện tích khoảng 122.000km2, cách Sài Gòn 70km, cách trung tâm Cần Giờ khoảng 8km, phía đông là khu vực đất liền tỉnh Bà Chợ, phía Nam là rừng Sác và vịnh Gành Rái thuộc Vũng Tàu. Xã đảo Thạnh An tuy nhỏ, dân số không đông, nhưng nằm gần hai con sông lớn ở miền Đông Nam bộ là sông Thị Vải và sông Lòng Tàu nên được xem là vị trí cửa ngõ trọng yếu của Sài Gòn cũng như tuyến giao thông đường thủy từ các tỉnh miền Tây Nam bộ đến khu căn cứ kháng chiến tỉnh Bà Chợ và Vũng Tàu. Bởi thế  giặc Pháp đã gom dân Thạnh An vào một khu vực, lập bộ máy tề ngụy để kìm kẹp, khống chế, đồng thời thiết lập một đồn binh đóng chốt trên đảo, thường xuyên tuần tiễu, kiểm tra tàu thuyền qua lại tuyến giao thông này.

Sau khi nhận nhiệm vụ tiến công tiêu diệt đồn Thạnh An do Tỉnh ủy tỉnh Bà Chợ giao cho, Thị đội Trưởng thị đội Cấp là Nguyễn Hoài Đức quyết định sử dụng Biệt động đội thị xã Cấp thực hiện cuộc tiến công.

Biệt động đội trực thuộc Thị đội Thị xã Cấp, trước đó đặt phiên hiệu là Ban hành động (còn gọi là bộ đội 7) do ông Châu Thái Hùng chỉ huy. Biệt động đội từng tham gia nhiều trận đánh xuất sắc ở Vũng Tàu cũng như các trận đánh lớn trên địa bàn tỉnh. Sau chiến công tập kích căn cứ Nước Ngọt (tháng 5/1950), ông Châu Thái Hùng cùng phần lớn cán bộ chiến sĩ của đơn vị được điều động về thành lập bộ đội chủ lực tỉnh. Biệt động đội Thị xã Cấp chỉ còn lại một tổ quân báo do Thị đội phó tạm thời phụ trách. Tuy lực lượng nhỏ, nhưng Biệt động đội Thị xã Cấp vẫn hoạt động mạnh và phát triển không ngừng. Khoảng giữa năm 1950 đơn vị đã tổ chức  tập kích đồn Thạnh An (lần thứ nhất) diệt một trung đội lính Cao Đài, thu 50 súng các loại.

Nhận nhiệm vụ tập kích tiến công đồn Thạnh An lần thứ hai, ông Trần Ngọc Hiến, Đội trưởng Biệt động đội, tiến hành tổ chức trinh sát và nghiên cứu quy luật hoạt động của địch ở đồn Thạnh An. Theo thông tin của cơ sở kháng chiến xã Thạnh An cung cấp, đồn Thạnh An đã được bổ sung thêm lực lượng bố phòng cũng như vũ khí đạn dược. Binh lính địch ở đây rất tham lam tàn ác, chúng thường vào khu dân cư Thạnh An trắng trợn bắt gà vịt, cướp tiền bạc của dân lành.

Với phương châm mưu trí, táo bạo, bất ngờ, ngày 15/2/1952, lực lượng tập kích ém quân trên những chiếc ghe chở củi từ rừng Sác ghé vào xã đảo Thạnh An. Quân địch ở bốt Thạnh An không hề nghi ngờ những chiếc ghe chở củi tiến vào  đảo giữa ban ngày lại là tai họa đối với chúng. Ghe vừa cập bến, các chiến sĩ Biệt động đội nhanh như cắt, từ dưới ghe hất củi ngụy trang  lao ra nổ súng tiến công địch. Bị đánh bất ngờ binh lính địch không kịp chống cự, hoảng loạn tìm đường tháo chạy. Quân ta xông tới truy kích địch, phá tan bộ máy hội tề, giải phóng đồng bào thoát khỏi khu gom dân của giặc, thu 30 súng cùng rất nhiều đạn dược cũng như trang bị quân sự của địch. 

Đồn Thạnh An bị tiến công tiêu diệt. Tuyến giao thông đường thủy từ Gò Công, Cần Giuộc, về căn cứ Khu Tây của tỉnh Bà Chợ được khai thông. Chiến công của Biệt động đội Thị xã Cấp có ý nghĩa đặc biệt về chiến thuật và chiến lược. Cũng từ đây, những chuyến ghe chở lương thực, thực phẩm, thuốc men… từ Sài Gòn và các tỉnh miền Tây Nam bộ đã đến được căn cứ kháng chiến tỉnh Bà Chợ, giúp cho quân dân Bà Chợ vượt qua giai đoạn khó khăn do thiên tai bão lụt gây ra, tiếp tục chiến đấu đẩy lui những cuộc càn quét quy mô lớn của giặc Pháp.

TRẦN BÌNH

Tài liệu tham khảo: Lịch sử Đảng bộ tỉnh BR-VT; Lịch sử Đảng bộ Quân sự tỉnh BR-VT;
Lịch sử Đảng bộ TP. Vũng Tàu…

 

 

;
.