BR-VT là 1 trong 21 tỉnh, thành trong cả nước có tỷ suất sinh ở mức thấp. Hiện tỷ suất sinh (số con trung bình của một cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ) của tỉnh là 1,87 con, thấp hơn so với khuyến cáo của nhà nước là mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con. Tỷ suất sinh thấp gây nhiều ảnh hưởng cho chất lượng dân số như mất cân bằng giới tính, già hóa dân số…
Vợ chồng chị Loan muốn dành các điều kiện tốt nhất để chăm sóc, nuôi dưỡng cô con gái duy nhất. |
NGẠI SINH CON
Vợ chồng chị Lê Anh Xuân (xã Tân Hải, TX.Phú Mỹ) đều đã ngoài 30 tuổi và có một con gần 6 tuổi. Anh chị thống nhất không sinh thêm con thứ hai. Chị Xuân chia sẻ, vợ chồng chị làm công nhân, thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng. Anh chị chưa có nhà, lại lo chăm sóc ba mẹ già nên với mức thu nhập đó, vợ chồng chị phải khéo léo chi tiêu mới đủ trang trải cuộc sống. “Gia đình nội ngoại động viên vợ chồng tôi cố gắng sinh thêm cháu nữa cho vui cửa vui nhà. Tôi thường phải nói tránh là điều kiện chưa cho phép, chứ thực tâm không muốn sinh thêm con. Sinh thêm mà không có điều kiện chăm sóc cho con cũng khổ”, chị Xuân chia sẻ.
Tương tự, vợ chồng chị Ngô Thị Thanh Loan (xã An Ngãi, huyện Long Điền) cũng ngại sinh thêm con, dù cô con gái đã lên 8 tuổi. Chị Loan cho biết, sau khi sinh con đầu, vợ chồng chị cũng định sinh thêm bé thứ hai. Tuy nhiên, thời điểm đó, do đặc thù công việc nên vợ chồng chị ít có thời gian gần gũi nhau. Tình trạng này kéo dài mấy năm nên đến nay chị đã khá lớn tuổi, ngại sinh thêm. Theo chị Loan, chị may mắn khi gia đình chồng tâm lý, không tạo áp lực về việc sinh thêm con, hay đòi hỏi phải có con trai. Chị Loan nói thêm: “Vợ chồng tôi có thu nhập ổn định nên không bị áp lực nhiều về kinh tế. Tuy nhiên, tôi đã quá 35 tuổi, sinh con có khả năng không tốt cho sức khỏe của cả mẹ và bé. Vợ chồng tôi thống nhất tập trung nuôi dạy con gái cho thật tốt”.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều lý do khác khiến các cặp vợ chồng chỉ sinh được một con, thậm chí là không có con do vô sinh. Chẳng hạn, vợ chồng chị P.T.Q. ở đường 30/4 (TP.Vũng Tàu) có một con trai. Khi con trai được 4 tuổi, vợ chồng chị có ý định sinh thêm cháu nữa. Vậy nhưng, đã 5 năm trôi qua, chị vẫn chưa thấy dấu hiệu có thai, dù không áp dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào.
ẢNH HƯỞNG CHẤT LƯỢNG DÂN SỐ
Theo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, những năm gần đây, công tác truyền thông về dân số và kế hoạch hóa gia đình được tăng cường nên người dân đã nâng cao ý thức trong việc nuôi dạy con cái, sinh con ít để có điều kiện chăm sóc con tốt hơn. Quan niệm “trọng nam khinh nữ” phần nào đã có sự cải thiện. Những điều này đã góp phần nâng cao chất lượng dân số, từng bước hạn chế tình trạng phân biệt, lựa chọn giới tính khi sinh.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều gia đình chỉ sinh một con, hoặc không có con đã làm cho mức sinh thay thế chưa bảo đảm, gây mất cân bằng giới tính, già hóa dân số… Hiện nay, tỷ suất sinh của tỉnh chỉ 1,87 con, trong đó khu vực đô thị có mức sinh thấp, chỉ từ 1,5-1,6 con/cặp vợ chồng. Mức sinh thấp và kéo dài sẽ tác động trực tiếp đến tỷ lệ tăng dân số tự nhiên và làm cho quy mô dân số ngày càng bị thu hẹp. Nguồn dân số trong độ tuổi lao động - lực lượng chính tạo ra của cải vật chất và sự phát triển của xã hội sẽ bị thiếu hụt, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển bền vững của xã hội trong tương lai.
Đồng thời, quá trình già hóa dân số của tỉnh càng nhanh chóng, làm gia tăng gánh nặng cho gia đình và xã hội. Hiện nay, tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên của tỉnh chiếm khoảng 10% dân số. “Chúng tôi đang nỗ lực, đặt mục tiêu đến năm 2030, tỷ suất sinh của tỉnh đạt mức sinh thay thế là 2,1 con/cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Để làm được điều này, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh sẽ thực hiện các chương trình truyền thông vận động, khuyến khích các cặp vợ chồng trẻ nên sinh con trước 35 tuổi; đồng thời vận động mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con, thay thế cho chiến lược mỗi cặp vợ chồng nên có từ 1-2 con như trước đây”, bác sĩ Tôn Thất Khoa, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, thông tin.
Bài, ảnh: TUỆ LÂM