Khi phụ nữ xắn tay vì an toàn thực phẩm

Thứ Hai, 03/08/2020, 19:44 [GMT+7]
In bài này
.

Tại hội nghị giao lưu chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mô hình phụ nữ thực hiện ATTP cụm các tỉnh miền Đông Nam Bộ được tổ chức tại TP. Vũng Tàu mới đây đã có 14 mô hình hay được chọn giới thiệu. Đó là các tổ phụ nữ hợp tác trồng rau, sản xuất gạo, làm bánh tráng sạch; các tổ phụ nữ tiểu thương cam kết buôn bán hàng hóa bảo đảm ATTP…

Tiệm bánh Ngọc Hải là cơ sở đầu tiên tham gia mô hình “Phụ nữ cam kết sản xuất thực phẩm an toàn” do Hội LHPN tỉnh triển khai. Trong ảnh: Chị Ngọc Ngân (phải), chủ tiệm bánh Ngọc Hải hướng dẫn nhân viên hoàn thiện bánh kem.
Tiệm bánh Ngọc Hải là cơ sở đầu tiên tham gia mô hình “Phụ nữ cam kết sản xuất thực phẩm an toàn” do Hội LHPN tỉnh triển khai. Trong ảnh: Chị Ngọc Ngân (phải), chủ tiệm bánh Ngọc Hải hướng dẫn nhân viên hoàn thiện bánh kem.

NHIỀU MÔ HÌNH HAY

Mô hình “Phụ nữ cam kết sản xuất thực phẩm an toàn” được triển khai tại TP. Bà Rịa từ năm 2017 đã được các đại biểu tham gia hội nghị đánh giá cao. Qua việc triển khai mô hình đã nâng cao nhận thức và thực hành đúng về vệ sinh ATTP trong hội viên phụ nữ. Ngoài ra, các thành viên tham gia còn tập trung tuyên truyền đến các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến nông, lâm, thủy sản; các hộ, trang trại, HTX trồng trọt, chăn nuôi và người tiêu dùng thông qua nhiều hình thức như sinh hoạt tổ, nhóm phụ nữ về ATTP; tập huấn, hội thảo, nói chuyện chuyên đề về ATTP; hướng dẫn trực tiếp chị em áp dụng khoa học kỹ thuật vào hoạt động sản xuất, kinh doanh... Đến nay, các cấp Hội LHPN tỉnh đã vận động được 375 hộ kinh doanh tham gia mô hình và ký cam kết thực hiện ATTP.

Chị Huỳnh Thị Ngọc Ngân, chủ tiệm bánh Ngọc Hải - cơ sở tham gia ký kết thực hiện mô hình cho hay, ý thức được vấn đề ATTP rất quan trọng trong kinh doanh, chị luôn chú ý kiểm soát chặt từ khâu nhập nguyên liệu, rõ nguồn gốc đến chế biến, bảo quản thành phẩm. Nhờ đó, sản phẩm của tiệm bánh Ngọc Hải không chỉ ngon về chất lượng, đẹp về hình thức mà còn bảo đảm ATTP. Năm 2018, cơ sở được cấp giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. 

Trong khi đó, Hội LHPN huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương lại giới thiệu mô hình “Nữ tiểu thương với ATVSTP”. Bà Trương Thanh Nga, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bình Dương cho hay, cán bộ phụ nữ huyện và thị trấn vận động tiểu thương tham gia CLB, cam kết không vi phạm các quy tắc VSATTP; nói không với chất phụ gia, thực phẩm bẩn. Từ CLB đầu tiên với 109 thành viên, đến nay, 10/10 xã, thị trấn của huyện Bắc Tân Uyên đã có mô hình CLB “Nữ tiểu thương với ATTP” gồm 380 thành viên.  

Hội LHPN tỉnh Đồng Nai thì xây dựng “tổ phụ nữ tiểu thương” tại chợ Dầu Giây (huyện Thống Nhất). Bà Lê Thị Ngọc Loan, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đồng Nai cho hay, Dầu Giây là chợ đầu mối nông sản lớn nhất tỉnh. Năm 2018, “tổ phụ nữ tiểu thương” được thành lập với mục đích là nơi hội viên hỗ trợ nhau kinh doanh, cam kết không bán hàng, thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm không an toàn, đồng thời, hạn chế sử dụng túi nilon... “Nhiều chị sử dụng lá chuối, dây chuối để gói thịt, buộc rau; vận động chị em đi chợ mang theo giỏ nhựa, hộp nhựa để đựng thực phẩm nhằm hạn chế túi nilon. Các sản phẩm của các chị cũng cam kết rõ nguồn gốc, xuất xứ. Nhờ đó, bà con tin dùng, các tiểu thương cũng phấn khởi tham gia tổ. Từ 32 thành viên ban đầu, đến nay mô hình đã có 79 thành viên”, bà Loan cho hay. 

Hội LHPN phường 4 (TP.Vũng Tàu) tặng giỏ nhựa cho hội viên  để nâng cao ý thức hạn chế sử dụng túi nilon của chị em phụ nữ.  Trong ảnh: Phụ nữ phường 4 sử dụng giỏ nhựa, hộp nhựa đi chợ.
Hội LHPN phường 4 (TP.Vũng Tàu) tặng giỏ nhựa cho hội viên để nâng cao ý thức hạn chế sử dụng túi nilon của chị em phụ nữ. Trong ảnh: Phụ nữ phường 4 sử dụng giỏ nhựa, hộp nhựa đi chợ.

DUY TRÌ CÁC MÔ HÌNH ATTP

Phụ nữ là những người tiếp cận thực phẩm nhiều nhất và đưa ra những quyết định về lựa chọn thực phẩm cho gia đình mình hàng ngày. Do đó, theo bà Nguyễn Trần Phượng Trân, Chủ tịch Hội LHPN TP. Hồ Chí Minh, mô hình Hội LHPN các địa phương chia sẻ rất ý nghĩa, thể hiện sự chăm chút của chị em từ những việc nhỏ trong bữa ăn gia đình đến việc quan tâm sức khỏe cộng đồng. 

Theo bà Lê Thị Kim Thu, trong những năm qua, bằng nhiều hình thức tuyên truyền, hướng dẫn và thực hiện các mô hình cụ thể ở từng địa phương, các chị em hội viên phụ nữ đã nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong công tác bảo đảm VSATTP. Đến nay, các cấp hội trong tỉnh đã xây dựng, duy trì hoạt động 15 mô hình ATTP tại các cơ sở, được chính quyền địa phương đánh giá cao như: “Phụ nữ cam kết sản xuất thực phẩm an toàn” (TP. Bà Rịa), “Liên kết tiêu thụ gạo sạch” (TP. Bà Rịa và TP. Vũng Tàu), “Tổ hợp tác kinh doanh RAT” (xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc), “Trồng rau bồ ngót an toàn” (huyện Châu Đức)... Các cấp hội đã vận động trao hơn 4.200 giỏ nhựa, góp phần hạn chế sử dụng túi nilon, bảo vệ môi trường; vận động hơn 1.000 hội viên phụ nữ ký cam kết thực hiện sản xuất, buôn bán thực phẩm bảo đảm an toàn, 120 hộ đăng ký trồng luống rau sạch tại nhà...

“Để nâng cao hơn nữa vai trò của phụ nữ trong công tác VSATTP, Hội LHPN các cấp trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ thực hiện VSATTP; phối hợp các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm; duy trì hoạt động của các mô hình thực hiện VSATTP... nhằm cung cấp ra thị trường thực phẩm an toàn, vì sức khỏe cộng đồng”, bà Lê Thị Kim Thu thông tin thêm.

Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH 

 
;
.