Dù thế nào, vẫn phải nghĩ đến con

Thứ Sáu, 21/08/2020, 22:00 [GMT+7]
In bài này
.

Lúc yêu nhau, đang mặn nồng, các đôi lứa sẵn sàng nhường nhịn, chẳng thèm phải tranh luận, tranh cãi làm gì cho lôi thôi. Nhờ vậy, cuộc sống nhẹ nhàng và tự hài lòng. Quái, thế nhưng đến lúc “cơm không lành, canh không ngọt”, chạm mặt nhau không “chửi chó mắng mèo” thì cũng cấu xé, chì chiết cho bằng được. Không chóng thì chày, cả hai cùng tiếp tục tranh cãi… ở tòa án!

Lúc ấy, lạ thay, sự nhường nhịn sao lại khó khăn đến thế? Ngay cả con cái, do cả hai rứt ruột đẻ ra nhưng rồi, có người phủi sạch trách nhiệm; hoặc người này giành được quyền nuôi con nhưng không quên thòng một câu chắc nịch: “Tòa xử rồi đấy nhá! Mỗi tháng anh/em đừng quên nghĩa vụ phải chu cấp đầy đủ tiền nuôi con. Nếu quên là không xong đâu”. Những câu rạch ròi, lạnh lùng ấy tuôn ra cứ nhẹ tênh như không, cứ như đang nói với người dưng nước lã. Trước tòa, muốn mọi việc xong xuôi chóng vánh nên lúc nghe yêu cầu này nọ, có người gật đầu cái rụp, không thèm đọc kỹ lại cũng ký luôn vào giấy ly hôn: “Ừ, muốn thì chìu. Cắt cho nhanh cái “của nợ” này càng nhanh càng tốt”.

Thế nhưng sau đó, có người lại quên béng đi, hoặc dù nhớ rõ mười mươi, song cũng không thèm thực hiện nghĩa vụ đúng theo tòa phân xử.

Chừng mươi năm trước, anh bạn tôi kể lại bằng một giọng cay cú, bởi lẽ theo anh nguyên nhân dẫn đến sự đáng buồn đó là do vợ, chứ anh vô can (!?). Anh hoàn toàn không có lỗi gì, tại sao phải đóng tiền nuôi con hàng tháng, trong khi đó cô ta đã là vợ của người khác? Thời gian thấm thoát trôi qua, tình cờ gặp lại tôi, anh ngậm ngùi: “Vợ chồng chia tay nhau, nếu xử sự không khéo có khi còn mất luôn cả con. Đó mới là cái đau lớn nhất”.

Với anh, dù ai cũng có “người mới” nhưng tình cảm dành cho con vẫn không hề vơi đi. Nhiều lần anh tìm cách tiếp cận, nhưng cháu lại e dè như trò chuyện với người xa lạ. Đọc trên Facebook cá nhân, biết con đang ước mơ có chiếc xe đạp đi học, tất nhiên anh không thể làm ngơ. Anh kín đáo nhờ ban giám hiệu nhà trường chuyển giúp. Tưởng vậy là ổn, không ngờ mẹ cháu “điều tra” biết đích thị người tặng là anh nên từ chối phắt!

Đau nhất, chỉ vài ngày sau, con anh lại khoe có chiếc xe đạp mới do “dượng Tư” tặng. Rõ ràng, con của mình nhưng đâu còn thuộc thẩm quyền của mình nữa?

“Vậy phải làm sao bây giờ?”, anh thở dài với câu hỏi đó khiến tôi cũng cảm động và tôi thành thật chia sẻ thêm, chắn chắc mọi việc chưa dừng lại mà còn có thể xảy ra tình huống bẽ bàng hơn. Bằng chứng là anh Hùng, bạn tôi hổm rày dở khóc, dở cười bởi câu hỏi của bạn bè lúc chạm mặt hoặc nghe qua điện thoại, đọc qua tin nhắn mà chẳng biết trả lời thế nào cho xuôi. Họ thắc mắc: Con gái anh sắp về nhà chồng, đám cưới được tổ chức ở nơi sang trọng nhất nhì trong thành phố, sui gia với người có “vai vế” nhưng tại sao anh lại không có tên trong thiệp cưới? Giải thích như thế nào đây?

Số là khi ly hôn, đứng trước tòa án, anh dõng dạc tuyên bố đó không phải là con ruột của anh mà do vợ ngoại tình. Uất ức quá, cô vợ cũ cương quyết cắt hết mọi quan hệ, không thèm nhận bất kỳ một xu trợ cấp nào từ anh, dù tòa bắt buộc. Nay, hay tin con gái mình sắp cưới chồng, anh chủ động dò hỏi vợ cũ thì nghe câu nói tê tái như bị tát gáo nước lạnh vào mặt: “Trước đây, anh đã khẳng định không phải con anh, bây giờ anh vác xác đến làm gì? Mà dẫu anh muốn cũng không thể, có ai mời mà đến?” Anh cứng họng không thốt nên lời.

Lại chuyện này nữa, do sát vách nhà nên đôi lần chị bạn qua nhà tôi chơi, tâm sự: Đến bây giờ mỗi lúc xem truyền hình, đọc báo nhìn thấy hình ảnh rạng rỡ cô con gái đã trưởng thành, nổi tiếng trong thế giới showbiz, chị lại thở dài sườn sượt, muốn ứa nước mắt. Nguyên cớ tại sao? Lúc cháu còn đỏ hỏn, có lần bị ốm nặng, chỉ có ông bố đưa vào bệnh viện. Tận mắt nhìn hoàn cảnh “gà trống nuôi con” nên cô bác sĩ trẻ động lòng thương cảm. Dần dà, tình cảm hai người nảy nở và họ đến với nhau. Người mẹ kế thương con riêng của chồng như con đẻ. Chăm sóc, lo toan từ lúc đi học mẫu giáo cho đến khi cháu thi đậu vào trường sân khấu, rồi trở thành người của công chúng.

Tất nhiên hiện tại cháu có thu nhập cao nếu không muốn nói là giàu có, chị mặc kệ, đâu có thèm xin xỏ gì của con. Nhưng khổ nổi, khi trả lời trên các cơ quan truyền thông đại chúng, con gái chị đều khẳng định người yêu quý nhất trên đời chính là… mẹ kế. Còn chị, chị sống sờ sờ ra đây chẳng bao giờ được nhắc đến, chứ nói gì đến chuyện con gái lui tới thăm nom. Sở dĩ xảy ra trường hợp này, vì sau khi chia tay nhau, cô hoàn toàn “vui duyên mới” không thèm đếm xỉa gì đến bố con chồng cũ nữa.

Nếu sau khi chia tay nhau, nghĩ rằng, “nghĩa vụ” lo cho con chính là “quyền lợi” ắt người trong cuộc sẽ có cách cư xử đúng mực hơn. Bằng không những lời thở than, tiếc nuối như “giá mà…”, “phải chi…” đều vô nghĩa. Những gì đã qua, khó có thể kéo trở lại.

Tiếc thay!

LÊ MINH QUỐC

;
.