Anh Nguyễn Văn Lâm, SV Trường ĐH Nông-Lâm TP.Hồ Chí Minh (quê xã Bình Giã, huyện Châu Đức) vừa sáng chế thành công máy rửa tay sát khuẩn tự động. Chiếc máy nhỏ gọn, dễ sử dụng, là sản phẩm ý nghĩa trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay.
Anh Nguyễn Văn Lâm, tác giả của chiếc máy rửa tay sát khuẩn tự động. |
Chiếc máy rửa tay sát khuẩn tự động khá nhỏ gọn, với vỏ ngoài bằng nhựa mi-ca trắng, có logo Đoàn thanh niên cùng hàng chữ “Xin hãy rửa tay” được đặt cạnh lối vào ở cổng chính của Trung tâm Y tế huyện Châu Đức trong thời gian gần đây đã gây được sự chú ý của bệnh nhân và người nhà. Chỉ cần khách đưa tay vào, bộ phận cảm biến, máy sẽ tự động nhả nước rửa tay sát khuẩn để làm sạch tay.
Nhiều người sử dụng máy rửa tay sát khuẩn tự động được đặt tại đây đã tỏ ra khá thích thú. Chị Bích Hảo, (xã Sơn Bình) bày tỏ: “Mới lần đầu sử dụng, nhưng tôi không cần sự trợ giúp của ai, chỉ cần đọc hướng dẫn ở trên thân máy, đưa tay đúng vị trí là đã có dung dịch sát khuẩn đủ dùng. Chiếc máy này giúp người dân nêu cao ý thức phòng bệnh, tự giác rửa tay sát khuẩn khi ra vào Trung tâm Y tế huyện, từ đó giảm được nguy cơ lây lan dịch bệnh. Mong rằng những chiếc máy như vậy sẽ được lắp đặt ở nhiều nơi khác nữa”.
Chiếc máy rửa tay sát khuẩn tự động này là sản phẩm của anh Nguyễn Văn Lâm, SV năm thứ 2, Khoa Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa, Trường ĐH Nông-Lâm TP.Hồ Chí Minh. Chiếc máy gọn nhẹ, kích thước 30x30x30cm, dễ sử dụng, gồm một số bộ phận chính: vỏ hộp bảo vệ bằng nhựa mi-ca; mặt chính của máy trang trí hình ảnh, hướng dẫn cách sử dụng, một đèn led hai màu xanh và đỏ để báo hiệu mức dung dịch trong hộp chứa, loa thông báo và vòi. Bên dưới là cảm biến nhiệt. Bộ phận chứa và bơm dung dịch sát khuẩn được làm bằng ống nhựa PVC có thể tích khoảng 500ml.
Anh Nguyễn Văn Lâm cho hay, cách đây hơn 3 tháng, thực hiện lệnh giãn cách xã hội, anh học online tại nhà và được anh Nguyễn Trung Minh, Bí thư Huyện Đoàn Châu Đức gợi mở ý tưởng, “đặt hàng” anh sáng chế chiếc máy rửa tay sát khuẩn tự động. Mày mò lập trình, tìm kiếm vật liệu, Lâm chỉ mất 1 tuần để hoàn thiện máy. Ban đầu, lượng dung dịch từ vòi nhả vào tay người sử dụng chưa đồng đều. Lâm phải thử nghiệm nhiều cách khác nhau khi lập trình phun dung dịch, từ phun tia, đến phun sương và sau 3 tháng, anh quyết định dùng hình thức tự động nhỏ giọt theo định lượng 2ml dung dịch/lần. Dung tích hộp chứa 500ml dung dịch sát khuẩn có thể cung cấp được 250 lần rửa mới phải châm tiếp.
“Cái khó đầu tiên là thiết kế mẫu mã, sao cho chiếc máy nhỏ gọn, dễ di chuyển, dễ sử dụng nhưng vẫn bảo đảm về mỹ thuật. Khó khăn nữa là làm sao để dung dịch khi rót vào tay người rửa không quá nhiều, tránh lãng phí. Còn về lập trình và viết mã nguồn cho máy thì đơn giản, bởi đây là chuyên ngành của tôi đang theo học và tôi có tham khảo thêm trên mạng Internet”, Lâm nói.
Sau 3 tháng kể từ khi thiết kế chiếc máy đầu tiên, Lâm đã hoàn thành chiếc máy rửa tay sát khuẩn tự động thứ 3 và hiện giờ, máy đã hoạt động khá ổn định. Lâm cho biết, anh dùng bo điện tử, bộ pin sạc (chỉ 2 tiếng là đầy pin, có thể sử dụng từ 2-4 ngày), vỏ bằng nhựa mi-ca nên chiếc máy gọn nhẹ, độ bền cao. Chi phí chế tạo 1 máy cũng khá rẻ, chỉ khoảng 1 triệu đồng/máy.
Được biết, nhận thấy tính thiết thực của máy rửa tay sát khuẩn tự động, huyện đã đề nghị anh Nguyễn Văn Lâm tiếp tục làm 5 chiếc máy để đặt tại cổng một số cơ quan, đơn vị, nơi có đông người dân đến liên hệ công việc, như bộ phận tiếp dân, các cơ quan trực thuộc UBND huyện.
Anh Nguyễn Văn Lâm giới thiệu về chiếc máy rửa tay sát khuẩn tự động với các ĐVTN huyện Châu Đức. |
Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH