Nếu trong nhà chỉ có chàng và nàng, cần gì giữ hình ảnh, phải chỉnh tề, ăn mặc ra sao cũng được, miễn cảm thấy thỏa mái, thao tác nhanh nhẹn, không gò bó.
Minh họa: MINH SƠN |
Thì đấy, nàng mặc cái quần ngắn cũn cỡn và cái áo cũng ngắn tủn khoe luôn cái lỗ rốn. Nhìn thấy, vòng eo thon gọn ấy, chàng cũng thấy khoái. Còn chàng “chơi” luôn cái quần tà lỏn, cởi trần khoe thân hình ốm tong ốm teo. Chẳng sao cả. Con cái đã về chơi nhà nội, do đó, ngày cuối tuần ăn mặc thoáng thế này cũng được.
Thế nhưng khi bất ngờ có khách ghé chơi thì lại khác. Phải quần áo chỉnh tề, hoặc ít ra phải kín đáo hơn. Không chỉ, “tốt khoe xấu che” mà còn thể hiện sự tôn trọng người khác nữa. Lần nọ, tôi có hỏi vì sao dạo này vào cuối tuần, ít thấy các đồng nghiệp của bà xã ghé chơi nhà? Hỏi hú họa vậy thôi, vì tôi thừa biết rằng thời buổi này ai nấy cũng bận rộn, làm gì có thời gian. Nào ngờ, cô nàng nói ngay: “Tại anh đó”.
Tôi ngạc nhiên quá. Những lúc ấy, mình có làm gì sai trái? Vẫn giữ chuẩn mực của người đàn ông đã có vợ. Hơn nữa, bạn của vợ thì dại gì léng phéng, chỉ tổ “rách việc”. Thấy tôi ngạc nhiên, cô nàng chậm rãi: “Anh xem, những lúc có bạn em, anh ăn mặc ra làm sao?”. Bất giác, tôi nhìn lại cái thân hình còm cõi đang mặc mỗi cái quần cụt, áo thun ba lỗ đã ngã màu cháo lòng. Ừ nhỉ, khách nhìn thấy hình ảnh này lại hiểu nhầm là mình không tôn trọng họ. Hơn nữa, lại là khách nữ chứ. “Mình đễnh đoãng quá đi mất”, tôi tự nhủ.
Mà đôi lúc tiếp bạn trai, nếu không khéo cũng có thể dẫn đến sự tréo ngoe, chẳng ra làm sao. Tôi có anh bạn già vui tính, hòa đồng cùng bạn bè. Lúc cánh đàn ông đàn ang ghé nhà lai rai, “quan điểm” của anh đơn giản như đang giỡn: “Bày vẽ làm chi. Bạn bè thân thiết cả. Ăn mặc thế này cho nó mát, ra dáng vẻ thanh niên lại thân thiện”.
Lần nọ, gia chủ cởi trần trùng trục ngồi tiếp bạn bên bàn nhậu. Sau một hồi “dzô, dzô” cực kỳ náo nhiệt, khách hào hứng quá cũng “học tập” theo anh. Cả thẩy cùng cởi trần trùng trục. Và cũng như mọi cuộc nhậu khác, cả đám “đệ tử Lưu Linh” tha hồ tạo dáng, tạo hình cho những tấm ảnh “sefie” rồi “bắn” lên facebook cho “cả thế giới lác mắt”.
Chà, cầu được ước thấy. Vài ngày sau, khi anh sang nhà ông bà sắp làm sui bàn việc “gút” lại ngày lành tháng tốt cho hai con. Mới vừa gặp mặt nhau, bà sui đã cười cười: “Anh sui vui tính quá héng”. Chỉ nói đến đó, bà im bặt rồi bước vào nhà sau. Anh cảm thấy có gì bất thường như không dám hỏi gì thêm.
Sự thắc mắc này, chỉ được giải đáp rõ ràng khi hai bà sui ngồi riêng tâm tình. Với chiếc điện thoại di động, hình ảnh của anh và bạn bè nhậu nhẹt ngày hôm đó hiện lên rõ mồn một. Càng nhìn, vợ của anh càng đỏ mặc. Ai đời, cả đám đàn ông ngả ngớn, cởi trần khoe xương sườn trông ra phản cảm quá đi mất.
Vâng, cũng do quan niệm “ở nhà mình, chứ có phải ngoài quán xá đâu mà chỉnh với tề”.
Có câu chuyện nghe xong, cứ ngỡ như đùa. Rằng, sau nhiều năm ra trường, ổn định công ăn việc làm và đã ai nấy cũng đã chồng con, vợ chồng X từ quê lên thành phố thăm Y. Khỏi phải nói, Y vui thế nào. Bấy lâu nay đã ly dị chồng, cô ở một mình nên bạn bè ghé thăm là vui lắm. Do đó, vợ chồng X được cô tiếp đón nồng hậu. Hôm ấy, ngoài trời nóng nực lại cúp điện nên Y ăn mặc cũng hơi thoáng. Mọi người ăn uống trò chuyện vui vẻ. Xem chừng như bình thường, chẳng có gì phải phàn nàn.
Vậy mà ít ngày sau, Y nhận được điện thoại của bạn. X bảo: “Tớ bắt đền cậu đấy”. “Ơ hay, cớ gì bắt đền? Mà bắt đền vụ gì vậy”, Y nghĩ thầm trong bụng, nhưng chưa kịp hỏi, X đã nói tiếp: “Sau khi rời khỏi nhà cậu, ông xã phải vào bệnh viện cấp cứu đấy”. Y giật thót người: “Ngộ độc thực phẩm à? Vô lý quá! Tại sao lại thế ta?”. Bông đâu nghe vọng lại tiếng cười giòn tan: “Cấp cứu ở bệnh viện mắt, cậu ơi là cậu”. Y vụt hiểu mọi vấn đề. Hôm ấy, cũng tại cái áo mỏng tang chỉ thường mặc lúc một mình ở trong nhà. “Mình đểnh đoảng quá đi mất”. Ấy là câu tự nhủ của Y nhằm “từ rày, phải rút kinh nghiệm sâu sắc”.
Thế đấy.
Đôi lúc dù trong nhà chỉ có vợ lẫn chồng, việc ăn mặc cũng không thể xuê xoa, cẩu thả. Đôi khi có những tình huống dở khóc dở cười khiến ta không lường hết. Thôi thì, lúc có bè bạn tới nhà chơi, ăn mặc chỉnh tề một chút cũng “chẳng chết thằng Tây đen nào”, chứ cứ xuề xòa vì tưởng như thế mới thân mật lại đỡ mất công thay áo thay quần, nào ngờ có lúc lợi bất cập hại đấy!
LÊ MINH QUỐC