Từ ngày 1/7, Luật Giáo dục năm 2019 chính thức có hiệu lực với nhiều thay đổi quan trọng, đặc biệt là việc nâng chuẩn trình độ GV các cấp học từ MN tới THCS. Điều này khiến không ít GV lo lắng. Tuy nhiên, UBND tỉnh và ngành giáo dục đã có kế hoạch, lộ trình phù hợp để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.
Nâng chuẩn trình độ giúp cho GV theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục. Trong ảnh: Trẻ lớp 5-6 tuổi Trường MN Thùy Vân (TP. Vũng Tàu) trong một tiết học. |
NHIỀU BĂN KHOĂN
Đó là trường hợp của không ít GV khi Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực. Điều 72 Luật Giáo dục 2019 quy định: GV MN phải có bằng tốt nghiệp CĐ sư phạm trở lên; giáo viên TH, THCS, THPT có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo GV trở lên (thay vì chỉ cần có bằng trung cấp với GV MN và TH, CĐ với GV THCS như hiện nay). Trường hợp môn học chưa đủ GV có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo GV thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Điều này khiến nhiều GV băn khoăn, lo lắng vì từ chỗ đạt và trên chuẩn, họ trở thành GV chưa đạt chuẩn, phải tiếp tục nâng cao trình độ.
Cô Đàm Thị Điềm, GV Trường TH Lê Lợi (TX.Phú Mỹ) cho hay, ngay sau khi tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm Đắk Lắk, cô liền nộp hồ sơ thi tuyển viên chức ngành giáo dục của TX.Phú Mỹ và trúng tuyển chức danh GV văn hóa tại Trường TH Lê Lợi từ năm học 2018-2019. Theo tiêu chuẩn trước đây, với trình độ CĐ, cô Điềm khá tự tin vì được xếp vào hạng trên chuẩn. Thế nhưng, theo quy định mới của Luật Giáo dục năm 2019, cô Điềm trở thành GV chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo. “Theo quy định mới, tôi phải học liên thông lên ĐH nên mất khoảng 2 năm nữa. Hiện nay, tôi đã chủ động đăng ký học nâng chuẩn”, cô Điềm cho biết. Tuy nhiên, không phải ai cũng sẵn sàng tâm trí “học nữa, học mãi” như cô Điềm.
Cô N. GV Trường TH Lê Thành Duy (TP.Bà Rịa) bước sang tuổi 46 cho biết, cô có thâm niên dạy học 24 năm. Còn khoảng 9 năm nữa cô N. mới nghỉ hưu theo chế độ. Khi nghe tin mình thuộc đối tượng phải học nâng chuẩn từ trình độ CĐ lên ĐH, cô N. phân vân, lo lắng. Vẫn biết việc học tập nâng cao trình độ sẽ giúp GV đáp ứng được các yêu cầu đòi hỏi của công việc trong tình hình mới. “Nhưng với GV có tuổi đời, tuổi nghề như tôi, việc học tiếp lên ĐH trong vòng thời gian 2 năm thì không phải chuyện dễ dàng”, cô N. thổ lộ.
Không chỉ băn khoăn về chi phí, thời gian học tập, không ít GV lo ngại về độ bền vững của nghề khi chưa đạt chuẩn chuyên môn. Cô T., GV một trường MN trên địa bàn TX. Phú Mỹ cho biết, dù đã biết thông tin về yêu cầu nâng chuẩn GV nhưng do không thể trang trải chi phí tự đăng ký học nên cô T. vẫn phải chờ đợi kế hoạch nâng chuẩn GV của ngành. Cô T. lo lắng: “Không biết khi Luật Giáo dục có hiệu lực, những GV chưa đạt chuẩn có được tiếp tục giảng dạy hay không?!”.
Trẻ lớp 5-6 tuổi Trường MN Châu Thành (TP. Vũng Tàu) vừa học vừa chơi để rèn luyện sự khéo léo. |
NHƯNG PHẢI LÀM
Theo Sở GD-ĐT, việc nâng chuẩn trình độ GV là bước đột phá để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện. Dù quy định lộ trình để tránh sự xáo trộn nhưng trong thực tế, từ nhiều năm qua GV trên địa bàn tỉnh đã đi học nâng chuẩn. Thống kê của Sở GD-ĐT cũng cho thấy, số lượng GV chưa đạt theo tiêu chuẩn mới có khoảng trên 3.000 GV, trong số này hiện có nhiều GV đã và đang tự túc chi phí để tham gia các lớp đào tạo nâng chuẩn trình độ.
Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định: “Trên địa bàn tỉnh, số lượng GV chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn mới không nhiều so với tỉnh khác. GV có thể yên tâm công tác và học tập nâng cao trình độ theo lộ trình, không nên hoang mang, lo lắng. Bởi UBND tỉnh và ngành GD-ĐT đã có kế hoạch nâng chuẩn trình độ đào tạo cho GV”.
Ông Hồ Cảnh Hạnh, Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm BR-VT cho biết, UBND tỉnh đã giao cho Trường CĐ Sư phạm BR-VT xây dựng kế hoạch nâng chuẩn trình độ cho GV để đáp ứng yêu cầu mới bằng nguồn ngân sách nhà nước. Do đó, GV chưa đạt chuẩn có thể hoàn toàn yên tâm về chi phí đào tạo. Lộ trình nâng chuẩn GV của tỉnh dự kiến bắt đầu từ năm 2020 và hoàn thành vào năm 2026, tức là sẽ “về đích” trước khoảng 4 năm so với lộ trình chung của Chính phủ. Nhằm giúp GV yên tâm vừa công tác, vừa học tập, nhà trường sẽ sắp xếp thời gian học tập vào vào dịp hè và cuối tuần. Mỗi khóa học kéo dài ít nhất 18 tháng (2 kỳ nghỉ hè), ngay tại địa phương. Bên cạnh đó, GV có điều kiện cũng có thể tự túc chi phí để tham gia các lớp học nâng chuẩn trình độ.
Theo Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ về Quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của GV MN, TH, THCS thì các trường hợp phải được đào tạo nâng chuẩn gồm: GV chưa đạt trình độ chuẩn theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019; còn đủ 7 năm công tác với GV THCS; còn đủ 7 năm công tác đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định với GV MN; còn đủ 8 năm công tác đối với GV TH có trình độ trung cấp, còn đủ 7 năm công tác với GV TH có trình độ CĐ (tính từ ngày 1/7/2020).
|
Cùng với chủ trương chung của tỉnh, Ban Giám hiệu của các nhà trường đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho GV được đi đào tạo, bồi dưỡng để nâng chuẩn. Cô Phan Thị Thu Nga, Hiệu trưởng Trường TH Lê Thành Duy cho biết, trường có 43 GV, trong đó 25 người có bằng ĐH, 18 người có bằng CĐ sư phạm. Theo quy định mới, 18 GV có bằng CĐ của trường phải học lên ĐH mới có trình độ đạt chuẩn. Đến nay, một số GV đã nộp hồ sơ học liên thông lên ĐH. “Ban Giám hiệu nhà trường đã gặp gỡ, động viên các GV chưa có trình độ đạt chuẩn. Trong thời gian đi học nâng chuẩn trình độ, chúng tôi sẽ miễn cho các cô một số công việc của nhà trường để GV yên tâm học tập”, cô Nga nói thêm.
Bài, ảnh: KHÁNH CHI-HOÀNG HƯỜNG