Trong đời sống vợ chồng, có nhiều trường hợp, dù rằng nói đùa, nhưng lại ngụ ý rằng, “ta đây” đang “sáng giá”, nếu không quan tâm, không làm theo ắt có “kẻ khác” nhảy vào ngay. Vì thế, “nửa kia” phải chăm sóc, phải cưng chiều, phải vâng lời, phải “nâng như trứng, hứng như hoa”...
Minh họa: MINH SƠN |
Tôi có anh bạn tốt bụng, vui tính hễ mỗi lần cà phê cà pháo với bạn bè, lúc nào cũng oang oang: “Phụ nữ không mê tớ, đó là lỗi của họ. Thử hỏi, một người cao 1 mét 8, đẹp trai như diễn viên điện ảnh, ăn nói có duyên như tớ thì cô nào mà không mê? Nói thật nè, cả hàng tá phụ nữ đang xếp hàng, chỉ cần tớ gật đầu một cái là họ chạy đến cái ào”. Vừa dứt câu, anh ta quay sang người đang ngồi bên cạnh: “Anh ngon lành quá xá, phải không em?”. Em ở đây chính là… vợ của anh ta.
Ối trời, trước mặt “một nửa” lại dám ăn nói bỗ bã, “hồn nhiên như cô tiên” ắt kẻ đó vừa uống mật gấu chăng? Không hề, anh ta vẫn thường nói năng bạt mạng kiểu ấy, ai nấy đã biết nên chỉ cười khì. Ban đầu, người vợ cũng nghe lỗ tai này lọt qua tai kia. Không để ý làm gì. Không thèm chấp. Mọi chuyện cũng vui thôi mà. Khổ nỗi, câu nói chảnh chọe ấy, cứ lặp đi lặp lại nhiều lần, mỗi lần là một kiểu na ná nên mới sinh chuyện.
Mới đây, lúc đang ngủ bỗng đâu tôi nghe có tiếng điện thoại ò í e. Ai lại gọi vào lúc đã gần 12 giờ khuya? Bực mình thiệt. Thì ra ông bạn hay ăn nói bạt mạng của tôi đây. “Có gì không?”. Nghe vọng lại tiếng nói mếu máo: “Bà xã đang thách tớ… ra ngay khỏi nhà. Tớ đi đâu bây giờ?”. Nghe qua câu nói thảm thiết, gây cấn ấy, tôi thừa biết tỏng “tình hình rất ư là tình hình”. Tại sao?
Qua những lời kể của bạn, tôi mới biết cớ sự: Lâu nay, hễ muốn nhờ vợ cái gì đó, hắn ta cũng đều lên giọng bằng câu nói nửa đùa nửa thật: “Ngoan đi em. Nghe lời anh chỉ có lợi cho em thôi. Em biết không, bao nhiêu cô váy ngắn chân dài đang ước ao được làm vợ anh đấy”. Chẳng rõ có phải vì hoảng quá do lời dọa kia; hay vì thương chồng mà cô vợ thực hiện yêu cầu ngay cái rụp. Lần nào cũng vậy. Phải thế chứ, câu nói này hiệu nghiệm lắm. Cứ thế mà phát huy.
Ngược lại lúc vợ nhờ, hắn ta lại ỡm ờ: “Ối sao lại thế? Bao nhiêu cô tâm sự với anh, nếu được làm vợ anh thì họ không bao giờ cho anh đụng vào móng tay bất kỳ việc gì”. Những câu nói rổn rảng ấy, nghe ra oách xà lách quá đi mất. Thế là, hắn lại việc ung dung bỏ ngoài tai những gì vợ đang cần nhờ. Vậy tại sao, đêm nay lại sinh chuyện?
Rằng, lúc vợ đang ngáy khò khò nhưng khổ nổi hắn vẫn chưa chợp mắt được. Có thể do lúc chiều cao hứng uống ly cà phê chăng? Cứ tỉnh rụi như sáo. Đã không ngủ được mà lại mỏi lưng nữa chứ. Thế là hắn đập vợ dậy và đòi phải đấm lưng cho mình. Đang ngủ say, cô vợ cứ dùng dằng mãi. Hắn ta lại giở giọng ngon ngọt như mọi lần: “Nè, em không vâng lời, anh qua nhà khác cho cô khác massage cho anh liền đây”.
Mọi lần, những câu nói “hoành tráng” chảnh chọe ấy sẽ xoay chuyển tình thế ngon lành. Nào ngờ lần này, cô vợ đột ngột vùng chăn, ngồi dậy rồi nói luôn: “Thế à? Mời anh đi ngay cho. Em đang cần ngủ. Đi đi anh. Nhớ khóa cổng cho cẩn thận”.
Đã nhiều lần dọa kiểu ấy, “nửa kia” sợ một phép, sao nay lại trở chứng thế này? Mà đã lỡ dọa cứ như thiệt, nay không dám thực hiện thì hóa ra lâu nay chỉ bốc phét, tinh tướng? Quê cơ lắm. Khi nghe vợ nói rành rọt từng câu, hắn ta đâm ra hoảng quá, biết đi đâu bây giờ? Ngẫm nghĩ một lát tôi nhỏ nhẹ: “Cậu nên vác gối ra phòng khách hoặc xuống bếp ngủ cũng được”. Đúng thế, có cho vàng đi nữa thì chẳng ai dại gì ra khỏi nhà lúc nửa khuya. Nhà cửa, vợ con thế nào, làm sao an tâm?
Thì ra những câu nói tinh tướng, không phải lúc nào cũng nên thốt ra, dù rằng chỉ có vợ/chồng với nhau. Đã nói mà không thực hiện được, lúc gặp bị “phản pháo” phải “Ăn làm sao, nói làm sao bây giờ?”.
Thiệt lạ, mà cũng chẳng lạ gì đâu, tôi biết nhiều phụ nữ cũng có lúc bông đùa theo cách chảnh chọe ấy. Có lần nhìn thấy mặt cô bạn đồng nghiệp xụi lơ như mất sổ gạo, tôi mới hỏi cơn cớ ra làm sao? Sở dĩ vậy, vì vợ chồng cô và nhà tôi vốn anh em bạn kết nghĩa. Thật bất ngờ, không nói không rằng, cô cắm cúi lấy chiếc điện thoại di động và chuyển vài tin nhắn qua máy tôi. Ngạc nhiên ghê.
Từ các tin nhắn, tôi chú ý đến dòng chữ: “Chồng ơi, tặng cho em cái túi xách mà hôm trước vợ chồng mình đã thấy. Thời hạn, chỉ trong vòng 2 ngày. Nếu không, em sẽ nhận của người khác đấy. Lúc ấy, chồng đừng có ghen. Quân tử nhất ngôn”. “Người khác là ai?”, tôi hỏi. Cô im lặng một lúc rồi thỏ thẻ: “Chẳng có ai đâu. Dọa vậy thôi”.
Chà, ông bà ta bảo: “Thần khẩu hại xác phàm” là đúng chóc. Cứ nói cho sướng miệng, rồi có lúc lại thấy khổ cái thân là vậy. Đành rằng, nói những câu chảnh chọe là thường tình nhưng cũng đừng nên lạm dụng quá lố.
LÊ MINH QUỐC