.

HỌC TRƯỚC CHƯƠNG TRÌNH LỚP 1: Lợi bất cập hại

Cập nhật: 20:52, 29/07/2020 (GMT+7)

Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới cho HS lớp 1. Vì vậy, nhiều phụ huynh sốt sắng cho con học trước chương trình để “giúp” con đọc thông, viết thạo, bắt nhịp nhanh trước khi vào lớp 1. Tuy nhiên, việc học trước chương trình có thực sự cần thiết?

Theo các chuyên gia, không nên cho trẻ học trước chương trình lớp 1. Trong ảnh: Học sinh Trường MN Hoa Mặt Trời tới tham quan Trường TH Lê Thành Duy (TP. Bà Rịa). (Ảnh minh họa)
Theo các chuyên gia, không nên cho trẻ học trước chương trình lớp 1. Trong ảnh: Học sinh Trường MN Hoa Mặt Trời tới tham quan Trường TH Lê Thành Duy (TP. Bà Rịa). (Ảnh minh họa)

LO LẮNG TRƯỚC “BƯỚC NGOẶT” ĐẦU ĐỜI CỦA TRẺ

Năm nay, chị Nguyễn Thị Thúy (trú tại phường Thắng Nhì, TP. Vũng Tàu) có con trai chuẩn bị vào lớp 1. Chị bày tỏ lo lắng: “Do con phải nghỉ học dài ngày vì dịch bệnh COVID-19, thời gian nghỉ hè chỉ khoảng 1 tháng nên tôi chưa kịp cho con học trước chương trình lớp 1. Tôi lo vào năm học mới, con sẽ bỡ ngỡ và cảm thấy tự ti nếu không bắt kịp các bạn”. 

Còn chị Đỗ Thị Bích Hợp (trú tại phường 10, TP. Vũng Tàu) thì cho hay: “Từ sau Tết đến nay, tôi đã tìm GV kèm thêm cho con làm quen với chương trình lớp 1 để vào năm học con sẽ bắt nhịp nhanh hơn. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh nên thời gian con học chưa nhiều. Vì vậy, tôi cảm thấy chưa yên tâm vì đây lại là năm đầu tiên triển khai chương trình SGK mới”.

Trước “bước ngoặt” đầu đời, bản thân các em HS không tránh khỏi bỡ ngỡ, phụ huynh lo lắng cũng là điều khó tránh khỏi. Nỗi lo về sự đuối sức của con trẻ khi không đọc thông viết thạo khi vào lớp 1 không hẳn là không có cơ sở. Theo cô Thạch Kim Phượng, Phó Hiệu trưởng Trường TH Lý Tự Trọng (TP. Vũng Tàu), việc chuyển cấp từ MN lên TH là một bước ngoặt hết sức quan trọng đối với trẻ với rất nhiều sự khác biệt cả về thời gian, phương pháp học tập… Ở bậc học MN, trẻ chủ yếu chơi để học, trong khi TH lại yêu cầu trẻ phải tập trung trong giờ học, thời lượng học cũng nhiều hơn, chương trình học cũng hoàn toàn khác biệt với bậc MN. Chính sự thay đổi ấy khiến trẻ không tránh khỏi bỡ ngỡ khi bước vào lớp 1. Thực tế giảng dạy, cô Kim Phượng cho biết, khi mới lên lớp 1, trẻ thường gặp phải một số vấn đề như thiếu tập trung, cầm bút viết không đúng cách, một số em chưa tuân theo được các quy định, nề nếp trong lớp học như giơ tay xin phát biểu, xin ra ngoài, vệ sinh cá nhân…

Cuối năm học 2019-2020, nhiều trường MN đã tổ chức cho HS 5-6 tới tham quan các trường TH, giúp các em bớt bõ ngỡ khi chuẩn bị vào lớp 1. Trong ảnh: HS trường MN tới tham quan Trường TH Lê Thành Duy (TP. Bà Rịa). (Ảnh minh họa)
Cuối năm học 2019-2020, nhiều trường MN đã tổ chức cho HS 5-6 tới tham quan các trường TH, giúp các em bớt bõ ngỡ khi chuẩn bị vào lớp 1. Trong ảnh: HS trường MN tới tham quan Trường TH Lê Thành Duy (TP. Bà Rịa). (Ảnh minh họa)

CHỈ NÊN CHO TRẺ LÀM QUEN, KHÔNG NÊN HỌC TRƯỚC CHƯƠNG TRÌNH

Trước băn khoăn, lo lắng của các phụ huynh, cô Đào Thị Ngọc Yến, Hiệu trưởng Trường MN 30/4 (TP. Vũng Tàu) cho rằng, theo chương trình của Bộ GD-ĐT, ở bậc học MN, trẻ 5-6 tuổi được làm quen với chữ cái và chữ số trong phạm vi 10, đếm theo khả năng. Vì vậy, trước khi vào năm học, trẻ đã có thể nhận diện 29 chữ cái, tập đồ chữ; tạo nhóm, thêm bớt trong phạm vi 10… Ngoài ra, các bé còn được GV hướng dẫn cách cầm bút, tư thế ngồi học. Gần cuối năm học, trẻ 5-6 tuổi còn được học chủ đề “Trường Tiểu học”. Với chủ đề này, các con được GV cung cấp những thông tin về cấp học mới nên sẽ hiểu được phần nào về môi trường học tập ở bậc TH để khỏi cảm thấy bỡ ngỡ.

Còn PGS.TS. Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Giáo dục MN, Bộ GD-ĐT khẳng định, dạy học trước chương trình lớp 1 là phản khoa học. Nếu ép trẻ luyện viết quá sớm khi các bộ phận chức năng của cơ thể chưa hoàn thiện như cơ quan thần kinh phát triển chưa toàn diện, cơ xương tay còn yếu, khả năng chịu đựng của thị giác khi phải tập trung nhìn không bền, thời gian tập trung vào thực hiện một nhiệm vụ cụ thể ngắn… sẽ làm trẻ căng thẳng, mệt mỏi, ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển tâm sinh lý về sau của trẻ. Ngoài ra, việc dạy tập tô, tập viết chữ ở lứa tuổi mẫu giáo, nhất là khi người dạy có phương pháp sư phạm không tốt, sẽ gây khó khăn trong việc tổ chức dạy học ở lớp 1.

Theo cô Thạch Kim Phượng, Phó Hiệu trưởng Trường TH Lý Tự Trọng, học trước chương trình sẽ khiến trẻ chủ quan, giảm hứng thú học tập khi vào học lớp 1, ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển tâm sinh lý của trẻ. Với những trẻ biết đọc, biết viết trước thường mạnh dạn, tự tin hơn các bạn khác khi bắt đầu vào học, nhưng sau một vài tuần, trẻ sẽ lơ là, không tập trung khi thầy cô giảng bài. Trong khi đó những trẻ không được học trước chương trình sẽ háo hức và tập trung hơn. “Về lâu dài, những trẻ học trước chương trình sẽ dễ bị thụt lùi. Chưa kể đến những trẻ học trước chương trình nhưng không đúng phương pháp sư phạm, GV trên lớp sẽ mất khá nhiều thời gian, công sức để uốn nắn lại cho trẻ”, cô Phượng nói.

Bài, ảnh: KHÁNH CHI

.
.
.