"Dân vận khéo" gắn với nâng cao đời sống người dân
Việc phát huy khối đại đoàn kết toàn dân đang được các tổ chức đoàn thể tại huyện Châu Đức triển khai bằng nhiều giải pháp theo đúng tinh thần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó, làm tốt công tác dân vận khéo được coi là một trong những giải pháp quan trọng để gần dân, hiểu dân, nâng cao đời sống người dân.
ĐVTN xã Láng Lớn, huyện Châu Đức thực hiện mô hình rửa xe gây quỹ giúp đỡ HS nghèo. |
Xã Bình Trung có 1.982 hộ dân với 7.500 nhân khẩu, trong đó 90% trong độ tuổi lao động sinh sống bằng nghề nông nghiệp. Do thói quen canh tác nên đa số bà con chỉ biết trồng những loại cây hoa màu, phương thức canh tác lạc hậu và sử dụng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Vì vậy hiệu quả kinh tế thấp. Nhằm giúp người dân hiểu và chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây hoa màu cho năng suất thấp sang trồng rau, củ, quả sạch, đầu năm 2019, Hội Nông dân (HND) xã Bình Trung phối hợp với Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật về tận xã tập huấn chuyển giao khoa học-kỹ thuật (KH-KT) trồng và chăm sóc các loại rau, củ, quả theo phương thức vừa học, vừa thực hành. Mục đích giúp cho hội viên dễ hiểu, dễ nhớ và dễ ứng dụng vào thực tiễn.
Sau khóa học đã có 6 hội viên tham gia thí điểm trồng các loại rau, củ, quả như cải, bầu, bí, dưa leo, khổ qua…trên tổng diện tích 2,7ha. Nhờ áp dụng kiến thức KH-KT như xuống giống đồng bộ, phun thuốc với lưu lượng vừa đủ và đúng thời điểm nên các loại rau, củ, quả phát triển khá tốt, tránh được nhiều tác động xấu từ thiên nhiên, sâu bệnh. Từ hiệu quả trên, đã có 287 hộ dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ông Trần Khắc Linh, tổ 24, thôn 4 nói: “So với hoa màu thì trồng rau, củ, quả sạch hiệu quả gấp đôi. Nếu như trước đây, với 5 sào đất canh tác, mỗi vụ hoa màu chỉ thu được 30 triệu đồng thì nay doanh thu gần 60 triệu đồng. Nếu canh tác đủ 3 vụ/năm, gia đình tôi có thể thu về trên 150 triệu đồng từ rau, củ, quả sạch”.
Tương tự, học tập tính cần kiệm của Bác Hồ, đầu năm 2016, Đảng bộ xã Suối Nghệ phát động phong trào “Nuôi heo đất” để gây quỹ “Tấm lòng vàng” đến 100% chi bộ trực thuộc. Theo đó, cứ mỗi buổi sinh hoạt chi bộ, các đảng viên tự nguyện đóng góp từ 10-20 ngàn đồng/người/tháng và sau 1 năm sẽ tổ chức đập heo để đóng góp cho Quỹ “Tấm lòng vàng” của UBMTTQVN xã. Từ nguồn Quỹ này, MTTQ đã có thêm kinh phí để xây dựng 1 căn nhà “đại đoàn kết” trị giá 50 triệu đồng/căn/năm cho hộ nghèo trên địa bàn xã. Điển hình là trường hợp giúp đỡ cho bà Châu Thị Kim Loan, tổ 6, thôn Suối Nghệ. Bà Châu bị mắc bệnh tim, 2 con nhỏ đang tuổi ăn tuổi học, chồng bỏ đi từ năm 2016. Vì vậy hơn 5 năm qua, cả 3 mẹ con bà Loan phải sống trong căn nhà lụp xụp, mùa nắng thì nóng, mùa mưa nước tràn vô nhà. Trước hoàn cảnh đó, tháng 12/2018, UBMTTQVN xã Suối Nghệ đã trích 50 triệu đồng từ quỹ “Tấm lòng vàng” giúp chị Loan xây nhà kiên cố trên diện tích gần 60m2, tường gạch, mái lợp tôn, nền lát gạch hoa. “Có được ngôi nhà mới đã trút đi gánh nặng lớn trong lòng tôi bấy lâu nay. Sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương và bà con là niềm động viên lớn giúp tôi yên tâm làm ăn”, bà Loan nói.
Theo ông Bùi Xuân Thường, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Châu Đức, sau 4 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, trên địa bàn huyện đã có 242 mô hình “Dân vận khéo”. Các mô hình đã và đang lan tỏa trong xã hội, góp phần đưa việc học và làm theo Bác ngày càng đi vào chiều sâu, trở thành việc làm thường xuyên của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. “Để nâng cao hiệu quả các phong trào, Bí thư cấp ủy, người đứng đầu, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, chính quyền đã phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, tự giác, gương mẫu của mình trong việc học và làm theo Bác. Đồng thời xác định đây vừa là yêu cầu bắt buộc, trách nhiệm, vừa là ý thức tự giác của người đứng đầu, từ đó nhằm củng cố niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”, ông Bùi Xuân Thường nói.
Bài, ảnh: NHÂN ĐOÀN