TAM THẮNG - XƯA VÀ NAY

Thắng Nhì - tấp nập trên bến dưới thuyền

Thứ Năm, 25/06/2020, 21:15 [GMT+7]
In bài này
.

Nằm ở phía Tây bán đảo Vũng Tàu, thuyền (làng) Thắng Nhì nằm ở vị trí chiến lược quan trọng, với 3 mặt giáp biển, phía Tây và Bắc giáp vịnh Ghềnh Rái, phía Đông án ngữ sông Lòng Tàu, sông Dinh… có nhiều ghe tàu neo đậu.

Một góc TP. Vũng Tàu xưa. Ảnh: T. L
Một góc TP. Vũng Tàu xưa. Ảnh: T. L

Hình thành từ đầu thế kỷ XIX dưới thời vua Gia Long (1802-1820), thuyền Thắng Nhì là một trong 3 thuyền của thủ Phước Thắng. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ canh giữ, kiểm soát khu vực vịnh Ghềnh Rái, cửa ngõ quan trọng của vùng biển Vũng Tàu-Cần Giờ-Gia Định, 3 thuyền được giải ngũ. 3 ông đội chỉ huy 3 thuyền là Phạm Văn Dinh, Lê Văn Lộc và Ngô Văn Huyền cùng binh lính xin triều đình cho ở lại khai hoang, lập làng. Thuyền Thắng Nhì do ông Lê Văn Lộc đứng đầu. Địa bạ triều Nguyễn, viết vào năm 1836 cho biết về vị trí của “thuyền” Thắng Nhì như sau: “Thắng Nhì thuyền ở xứ Ghềnh Rái. Đông giáp địa phận thuyền Thắng Nhất, Tây giáp cửa biển, Nam giáp thuyền Thắng Tam, có Bàu Trâm làm giới, Bắc giáp thuyền Thắng Nhất, có Giếng Me làm giới”. 

Theo mô tả, vùng đất Thắng Nhì hiện nay là địa phận các phường 5, 7, 9 và Thắng Nhì thuộc TP. Vũng Tàu. Trước đây, người dân Thắng Nhì chủ yếu sinh sống bằng nghề đánh bắt hải sản, nghề hầm than, một số ít trồng cây trái trên triền Núi Lớn. Ngoài ra, một số người làm các nghề thợ hồ, thợ cưa, thợ mộc, thợ rèn, buôn bán nhỏ ở chợ Bến Đình… Sau năm 1954, một số bà con từ tỉnh Nam Định di cư vào sinh sống tại khu phố Sao Mai, khu vực này có thêm nghề đóng đáy. 

Vùng đất Thắng Nhì có nhiều dấu tích lịch sử: Đình thần Thắng Nhì, Lăng Ông Nam Hải, Miếu bà ngũ hành nương nương, chùa Phước Lâm, Thích Ca Phật Đài, Linh Sơn Điện Bà… Đặc biệt, tại khu vực Bãi Dâu, dưới chân Núi Lớn, đình Vũng Mây có di tích Giếng Ngự. Tương truyền thời chúa Nguyễn Ánh trên đường bôn tẩu tránh lực lượng Tây Sơn truy đuổi có ghé vào khu vực này. Chúa Nguyễn Ánh đã cầu trời cầu đất tìm ra được nguồn nước ngọt quý giá, về sau nhân dân gọi là Giếng Ngự, địa điểm này đến nay vẫn còn. 

Đình thần Thắng Nhì được xây dựng từ thời vua Gia Long (1802-1822), gồm các ngôi Tiền hiền, Chánh điện và tòa Võ ca. Bàn thờ trung tâm của ngôi Tiền hiền có thờ ông đội Lê Văn Lộc, người đứng đầu “thuyền” Thắng Nhì, có công mở đất, lập làng… Lễ hội kỳ yên, cầu quốc thái, dân an của nhân dân được tổ chức tại đình Thắng Nhì hằng năm vào ngày 10-12 tháng 11 âm lịch. 

Nói đến địa danh Thắng Nhì, không thể không nhắc đến chợ Bến Đình. Ngôi chợ hình thành từ rất sớm, đến nay đã có hàng trăm năm, từng là nơi thương lái từ các tỉnh miền Trung và miền Tây chở hàng bằng ghe thuyền về đây buôn bán. Trong nhiều thập niên, chợ Bến Đình hoạt động sầm uất, trên bến dưới thuyền, có vai trò như là chợ đầu mối, chuyên cung cấp các loại hải sản tươi sống và than củi đước phân phối cho các chợ trong và ngoài tỉnh. 

Trước năm 1975, Thắng Nhì có các khu phố: Chợ (Bến Đình), Lăng Ông, Lê Lợi, Chùa Ông, Ngư Cảng và Sao Mai. Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, tên gọi phường Thắng Nhì vẫn được duy trì. Ngày 14/5/1986, theo Quyết định số 58 của Hội đồng Bộ trưởng, phường Thắng Nhì được chia thành 4 phường: 5, 6, 7 và 9. Ngày 16/12/2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 94, đổi tên phường 6 thành phường Thắng Nhì theo nguyện vọng của nhân dân địa phương.

Qua 2 thế kỷ, từ “thuyền” Thắng Nhì năm xưa đến phường Thắng Nhì hôm nay, trải qua nhiều biến cố lịch sử nhưng nơi đây vẫn còn lưu giữ những dấu ấn lịch sử một thời khai phá, mở đất của ông cha với những địa danh: Vũng Mây, chợ Bến Đình, Rạch Bến Đình, cù lao Bến Đình, Đình Thắng Nhì, Hang Ông Hổ, Lăng Ông, Giếng Ngự…

NGUYỄN DUYÊN TÂM

;
.