SUY DINH DƯỠNG Ở TRẺ: Nỗi lo của nhiều gia đình

Thứ Hai, 15/06/2020, 22:24 [GMT+7]
In bài này
.

Dù được chăm sóc chu đáo nhưng nhiều trẻ vẫn bị suy dinh dưỡng (SDD). Điều này khiến không ít phụ huynh lo lắng, bởi khi bị SDD, cơ thể trẻ rơi vào tình trạng thiếu hụt các chất cần thiết, ảnh hưởng đến hoạt động và tăng trưởng bình thường.

Phụ huynh cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ để các em phát triển chiều cao và cân nặng cân đối.  Trong ảnh: Các trẻ lớp 4-5 tuổi của Trường MN 1/6 (huyện Xuyên Mộc) trong giờ ăn trưa. (Ảnh minh họa).
Phụ huynh cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ để các em phát triển chiều cao và cân nặng cân đối. Trong ảnh: Các trẻ lớp 4-5 tuổi của Trường MN 1/6 (huyện Xuyên Mộc) trong giờ ăn trưa. (Ảnh minh họa).

CHƯA YÊN TÂM VÌ CON SDD

Chị Nguyễn Th Mai (chung cư Hodeco Phú Mỹ, TX. Phú Mỹ) thường than phiền với đồng nghiệp về tình trạng SDD của cậu con trai đã 3 tuổi rưỡi nhưng cân nặng mới đạt 13kg, chiều cao 96cm. So với các bạn cùng tuổi, con chị nhỏ và thấp hơn nhiều. Theo chị Mai, do bé sinh thiếu tháng, lúc chào đời chỉ nặng 2,6kg, trong quá trình chăm sóc và nuôi dưỡng, gia đình khá vất vả, vì cháu kén ăn. Chị phải đổi món liên tục và chia thành nhiều bữa nhỏ. Ngoài ra, qua lời giới thiệu của bạn bè, chị còn mua các loại thực phẩm chức năng bổ sung canxi, vitamin, sắt nhưng bé vẫn tăng cân rất chậm và thường xuyên ốm vặt, vận động kém linh hoạt. “Đối chiếu với bảng chuẩn chiều cao và cân nặng dành cho trẻ em Việt Nam, con tôi còn thiếu hơn 2kg và 4cm khiến vợ chồng tôi rất sốt ruột”, chị Mai than thở.

Anh Nguyễn Văn Hải, ở hẻm 888, đường 30/4 (TP. Vũng Tàu) có con gái 2 tuổi, cân nặng 11kg. Hiện tại, mỗi bữa cháu ăn chưa hết một chén cháo nhỏ và chỉ uống 1 hộp sữa tươi/ngày loại 180ml. Tình trạng này kéo dài khiến cháu chậm tăng cân. Lo con bị SDD, cuối tháng 5, anh chị đã đưa con lên Bệnh viện Nhi đồng 2 để khám. Bác sĩ cho biết con anh bị suy dinh dưỡng nhẹ, đồng thời kê một số loại thuốc bổ trợ về canxi, kích thích ăn, men tiêu hóa… cho con uống. Anh Hải bày tỏ: “Hy vọng cháu uống hết đợt thuốc này sẽ cải thiện khả năng ăn uống, từ đó cải thiện chiều cao và cân nặng”. 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng SDD, từ cách chăm sóc đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ ngay khi còn trong bụng mẹ và những năm tháng đầu đời. Nguyên nhân chính là do chế độ ăn uống nghèo nàn, không hợp lý dẫn đến thiếu chất dinh dưỡng. Hơn nữa, một số cha mẹ thiếu kiến thức nuôi dạy con trẻ như: cai sữa sớm cho trẻ hay cho trẻ uống sữa bột thay vì bú sữa mẹ…

NUÔI DƯỠNG ĐÚNG CÁCH

Khoảng thời gian đầu đời là một trong những giai đoạn vàng của sự phát triển. Thiếu dinh dưỡng ở thời điểm này sẽ khiến trẻ dễ nhiễm các bệnh truyền nhiễm do hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh. Hơn thế, sự thiếu hụt một chất dinh dưỡng có thể dẫn đến thiếu hụt chất dinh dưỡng khác. Chẳng hạn, thiếu hụt chất sắt, magiê và kẽm có thể gây chán ăn, dẫn đến giảm tiêu thụ các chất dinh dưỡng quan trọng khác như protein. Lượng lipid thấp cũng có thể ảnh hưởng đến sự hấp thu các vitamin quan trọng tan trong chất béo như vitamin A và D. Thiếu kẽm và protein có thể làm chậm sự tăng trưởng và phát triển xương, khiến trẻ có nguy cơ bị biến chứng lâu dài. Mặt khác, SDD cũng ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của não, gây ra sự chậm trễ trong vận động và phát triển nhận thức như: hay đau bệnh, thiếu tập trung, giảm kết quả học tập, giảm chỉ số IQ, trí nhớ kém, kỹ năng xã hội giảm, khả năng phát triển ngôn ngữ kém…

Trẻ SDD biểu hiện qua các dấu hiệu như: Biếng ăn, ăn ít; kém hoạt bát, hay quấy khóc; chậm tăng hoặc không tăng cân liên tục trong 2-3 tháng; chậm tăng chiều cao hoặc không tăng liên tục trong 2-3 tháng; khó ngủ, hay quấy khóc và giật mình khi ngủ; mọc răng chậm; da xanh xao; cơ nhão, không săn chắc; chậm biết đi; dễ mắc các bệnh lý về nhiễm trùng; rối loạn tiêu hóa thường xuyên.

Bác sĩ Nguyễn Thị Huế, Khoa Dinh dưỡng (Bệnh viện Lê Lợi) lưu ý, những tháng đầu đời, trẻ cần được bú đủ sữa mẹ. Trẻ từ 5 tháng tuổi trở lên, cha mẹ cho trẻ ăn dặm theo công thức phù hợp với từng độ tuổi và chế độ dinh dưỡng. Trẻ cần ăn đa dạng và đủ chất, tốt nhất là đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng như: chất bột, đường, đạm, béo có trong những thực phẩm chứa nhiều dinh dưỡng (thịt, cá, trứng, rau xanh…) và thường xuyên đổi món cho trẻ. Cha mẹ lưu ý chia thành nhiều bữa nhỏ để trẻ dễ ăn và hấp thu tốt hơn, đồng thời, cha mẹ cũng cần bổ sung thêm dầu mỡ vào bữa ăn hàng ngày giúp trẻ dễ hấp thu các vitamin tan trong chất béo như vitamin D, A, E, K và giúp trẻ đủ năng lượng để nhanh tăng cân hơn. Bên cạnh đó, cha mẹ có thể bổ sung chất dinh dưỡng cho trẻ bằng thực phẩm chức năng. 

Bác sĩ Huế nói thêm: “Khi trẻ gặp vấn đề về SDD, gia đình cần đưa trẻ đến khám, kiểm tra sức khỏe tại các cơ sở y tế. Qua đó, các bác sĩ tư vấn cho phụ huynh những biện pháp để cải thiện tình trạng SDD cho trẻ”.

Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG

;
.