.

Phụ nữ mang thai lưu ý những gì khi thời tiết thay đổi?

Cập nhật: 20:51, 04/06/2020 (GMT+7)

Thời điểm này, khu vực Nam Bộ đang bước vào giao mùa giữa mùa khô và mùa mưa với những trận mưa bất chợt giữa lúc trời nắng. Đây là môi trường virus cúm rất dễ phát triển, lây lan. Vì vậy, thai phụ cần cẩn thận chăm sóc sức khỏe cho bản thân và em bé.

Bác sĩ Bệnh viện Lê Lợi khám và tư vấn sức khỏe cho thai phụ.
Bác sĩ Bệnh viện Lê Lợi khám và tư vấn sức khỏe cho thai phụ.

Những ngày cuối tháng 5 đầu tháng 6, trời nắng - mưa thất thường nên chị Nguyễn Thị Hạnh (đường Bình Giã, phường Rạch Dừa, TP. Vũng Tàu, đang mang thai tháng thứ 9) xuất hiện triệu chứng hắt hơi, sổ mũi, đau họng và ho. Lo ngại sức khỏe có thể ảnh hưởng đến thai nhi, chị Hạnh đã vào Bệnh viện Lê Lợi để khám. Chị được bác sĩ chẩn đoán bị cảm cúm do ảnh hưởng bởi thời tiết và được hướng dẫn cách trị bệnh an toàn cho cả mẹ và con. 

Theo các bác sĩ, trong tiết giao mùa, thai phụ là một trong những đối tượng dễ bị cảm cúm với các triệu chứng: ho, hắt hơi, sổ mũi, đau họng, thậm chí sốt. Bởi khi mang thai, sức đề kháng và hệ miễn dịch của thai phụ thường yếu hơn lúc bình thường, nhất là những khi trời trở lạnh. Đây cũng là “cơ hội” để các căn bệnh về hô hấp, cảm lạnh gây hại đến sức khỏe cả mẹ lẫn thai nhi. Do sức đề kháng yếu nên nếu người mẹ mắc bệnh sẽ khiến việc điều trị khó khăn hơn và có thể gây nhiều biến chứng cho thai nhi như: sẩy thai, sinh non, nhẹ cân hoặc tỉ lệ bệnh tật khi chào đời cao hơn. Đặc biệt, trong 3 tháng đầu của thai kỳ, thai phụ cần hết sức cẩn thận, bởi nếu không may bị bệnh cảm cúm có thể khiến em bé sinh ra bị dị tật bẩm sinh như: sứt môi, hở hàm ếch.

Bác sĩ Nguyễn Thị Quyên (Khoa Sản, Bệnh viện Lê Lợi) khuyên, để phòng bệnh cảm cúm trong thời tiết giao mùa, thai phụ cần chú ý chăm sóc sức khỏe thật tốt. Đầu tiên, người mẹ cần chú trọng về chế độ dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho cơ thể thông qua việc bổ sung vitamin C từ các loại trái cây: ổi, cam, chanh, bưởi… Thai phụ không nên kiêng khem quá mức mà cần ăn đa dạng các loại thực phẩm giàu năng lượng như: thịt gà, thịt bò, tôm, cua, ghẹ, lươn. Các loại thực phẩm giàu kẽm như thịt nạc, đậu cần dùng thường xuyên. Nếu thiếu kẽm, hệ hô hấp sẽ bị suy giảm khiến thai phụ dễ mắc bệnh hơn. Thai phụ cũng nên ăn nhiều rau, củ, quả, uống sữa dành cho bà bầu hoặc tốt nhất là uống sữa tươi không đường để bổ sung canxi cho thai nhi. Sữa tươi không đường được thai nhi hấp thụ tốt, giúp phòng tránh bệnh đái tháo đường thai kỳ. Trong suốt thai kỳ, người mẹ cần bảo đảm tăng từ 10-12kg là vừa, nếu tăng cân quá nhiều, thai phụ có thể bị huyết áp cao.

Cơ thể người phụ nữ mang thai có nhiều đặc điểm sinh lý thay đổi so với lúc bình thường, vì vậy, quá trình hấp thu, phân bố, chuyển hóa của thuốc vào cơ thể cũng thay đổi. Việc thai phụ sử dụng thuốc kháng sinh phải luôn theo chỉ định của thầy thuốc (uống thuốc đúng liều lượng và đủ thời gian), chỉ ngừng thuốc khi bệnh đã khỏi hoàn toàn, tránh tuyệt đối việc sử dụng tùy tiện và lạm dụng thuốc kháng sinh gây ra những chủng vi khuẩn lờn thuốc.

Khi có dấu hiệu ho, hắt hơi, sổ mũi, đau họng sốt, thai phụ cần vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý mỗi ngày 3-5 lần, súc miệng bằng nước muối ấm pha loãng. Bên cạnh đó, thai phụ có thể dùng lá tần dày (húng chanh), vỏ quýt, gừng tươi chưng với đường phèn uống để giảm các triệu chứng trên và an toàn cho thai nhi. Đồng thời, thai phụ cần đến gặp bác sĩ để được khám, tư vấn. Đặc biệt là với những trường hợp ho nhiều kèm sốt, người mẹ cần thận trọng và cần được khám bệnh. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể kê đơn với các loại thuốc an toàn cho cả mẹ lẫn thai nhi.

Ngoài ra, khi có ý định mang thai, phụ nữ cần tiêm vắc-xin phòng cúm. Hoặc khi đang mang thai, nếu muốn chích loại vắc-xin này, thai phụ cần đến các cơ sở y tế để được kiểm tra, tư vấn và tiêm phòng.

Bài, ảnh: THI PHONG

.
.
.